CIEM lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Huy Hoàng - 20:00, 30/10/2019

TheLEADERViệt Nam vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng FDI là yếu tố thuận lợi trong bối cảnh nhiều bất định từ bên ngoài.

CIEM lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách.

Cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam 2019 – 2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 7,02% và giảm về mức 6,72% vào năm sau.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trước đó cũng cho thấy sự lạc quan với kinh tế Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP đạt 7,05%.

Trong khi đó, các tổ chức, cơ quan nước ngoài lại cho thấy sự thận trọng hơn.

Theo báo cáo tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Ngân hàng thế giới (World Bank) trong bản cập nhật đầu tháng này cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm nay và 6,5% năm tới do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và sản xuất nông nghiệp yếu hơn.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng GDP Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay, duy trì vào năm tới, phản ánh điều kiện bên ngoài dần kém thuận lợi.

Tại hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng lạm phát bình quân dự kiến lần lượt ở mức 2,78% và 3,17%.

CIEM lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM.

Tăng trưởng xuất khẩu được dự báo ở mức 8,13% và 7,64% vào năm 2019 và 2020.

Theo đại diện CIEM, động lực của kinh tế Việt Nam bao gồm sự tăng trưởng tương đối nhanh ở khu vực công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ cũng như một số ngành còn nhiều dư địa như thông tin truyền thông, khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng, gia tăng FDI là yếu tố thuận lợi trong bối cảnh hiện nay.

Ông Dương phân tích việc dòng đầu tư nước ngoài gia tăng không chỉ do chiến tranh thương mại mà còn do nỗ lực cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh, việc thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng việc định hướng mới về thu hút FDI.

Tuy nhiên, ông cũng đánh giá chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng khi khai khoáng đóng góp tỷ trọng không lớn trong 9 tháng đầu năm, tồn kho của chế biến chế tạo tăng nhanh, suy giảm của khu vực nông – lâm – thủy sản.

Việc tích lũy tài sản tăng chậm hơn các năm trước ảnh hưởng đến năng lực sản xuất trong tương lai cùng chất lượng lao động và các vấn đề môi trường phức tạo hơn sẽ tạo ra nhiều khó khăn.

Việc giải ngân đầu tư công chậm được nhận định làm giảm hiệu quả và tăng chi phí vốn, kể cả chi phí cơ hội đi kèm với tình trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước khiến sử dụng nguồn lực ở khu vực công còn bất cập.

Cùng với đó, kinh tế Việt Nam cũng sẽ đứng trước những khó khăn thách thức khi việc chuẩn bị trong nước chưa tương xứng với việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) mới.

Ông Dương cho biết xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa nhanh như kỳ vọng và khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA hiện có nhìn chung chưa cao.

Ông đề xuất cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách, bao gồm xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với bất định từ bên ngoài; quản lý dòng vốn nước ngoài, không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam, tránh để FDI vào chỉ để “giữ chỗ”; điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt.

Bên cạnh đó, cần cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô thông qua ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành Luật, tránh nợ đọng; cải thiện môi trường kinh doanh; tư duy mở hơn với các vấn đề mới như cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số cùng với sự thông thoáng và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.

Liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, ông Dương cho rằng cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP; đánh giá chuẩn bị trong nước còn quan trọng hơn thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và chuẩn bị, tham vấn, gắn kết doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn.