Leader talk
Doanh nhân Việt: Động lực chủ đạo xây nền kinh tế hùng cường
Lớp doanh nghiệp đầu tiên đã trụ vững trước những thách thức về thương trường, thể chế nhờ lòng dũng cảm. Giờ đây, Việt Nam đang cần thêm đội ngũ doanh nhân sáng tạo, đổi mới bởi đó là động lực thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới.
Hai dòng tư duy về doanh nhân
Một thời, trong cả đời sống lẫn văn chương, doanh nhân bị nhìn với con mắt tiêu cực.
Như ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, ít có nước nào mà giới doanh nhân hình thành và đi lên trong bối cảnh trầy trật, khó khăn của một rừng pháp luật, trong một tư tưởng coi doanh nhân là con buôn, thậm chí vùi dập trong thời kỳ đầu hình thành.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng thừa nhận, cái nhìn đầu tiên với những người làm kinh doanh ở Việt Nam, không chỉ đời thực mà trong các tác phẩm văn học, còn rất tiêu cực. Những hình ảnh về doanh nhân khá xấu trong tiềm thức của người Việt xưa.
Trong thời kế hoạch hoá tập trung, doanh nhân được là con buôn, con phe. Trong thời kỳ cải cách, doanh nghiệp là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp. Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, những người làm kinh doanh cũng phải hứng chịu nhiều nỗi đau.
“Coi họ là con buôn, con phe nhưng nếu thiếu họ thì không biết chúng ta sống thế nào, không thể đáp ứng nhu cầu mua bán, đáp ứng cuộc sống bình thường. Tôi sẵn sàng trao tặng danh hiệu cho các con buôn, con phe đó”, Chủ tịch VCCI nói tại Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc" do Tạp chí Reatimes tổ chức.
Dù vậy, cũng có dòng tư duy khác về doanh nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho tư tưởng đúng đắn nhất, phù hợp với thời đại. Từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Bác viết Tuyên ngôn độc lập trong ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Các nhà công - thương Hà Nội là giới xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch để chia sẻ tình hình, kêu gọi cùng phát triển đất nước. Với tinh thần đó của Bác Hồ cùng lòng yêu nước của các nhà tư sản lúc bấy giờ, Chính phủ đã có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn.
Doanh nhân khẳng định vai trò
Bức thư gửi giới công thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 13/10/1945 kêu gọi tham gia Công thương cứu quốc đoàn như lời tuyên ngôn đầu tiên của Cách mạng Việt Nam về doanh nghiệp, doanh nhân. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng chính là nền công thương thịnh vượng.
Công cuộc đổi mới trên thực tế cũng là quá trình trở lại của tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nhân, doanh nghiệp. Sau quá trình Đổi mới, khuôn khổ pháp luật đã được xây dựng cho doanh nghiệp phát triển. Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng có thể coi là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nhân Việt trong thời đại mới.
Đầu tháng 12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiến pháp chính thức hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân.
Vị thế của doanh nhân được xác định. Ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân trong 30 năm qua là một trong những thành quả của công cuộc đổi mới. Đội ngũ doanh nghiệp đã tiên phong đóng góp trong kỳ tích đưa Việt Nam thoát nghèo, và đang thực hiện sứ mệnh mới cùng dân tộc thực hiện mục tiêu đưa đất nước hùng cường, trở thành nước có thu nhập cao trên thế giới.
Trong các thời kỳ khủng hoảng với muôn vàn khó khăn nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã vượt khó để tồn tại và phát triển, khẳng định vị thế, là lực lượng xung kích trong phát triển đất nước, đã hình thành tên tuổi các doanh nghiệp lớn mang tầm quốc gia và vươn tầm quốc tế, đã vươn sang các lĩnh vực công nghiệp có tính cạnh tranh lớn.
Trong suốt hơn 30 năm qua, đất nước chứng kiến sự nỗ lực, quyết tâm có hiệu quả của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Dù có những phong cách, triết lý kinh doanh chưa thực đúng đắn, còn chộp giật trong thời gian trước đây nhưng doanh nhân Việt Nam đang ngày càng chuyên nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò lớn và quan trọng, vươn lên và đang khẳng định vị trí.
“Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng trở thành niềm tự hào của dân tộc và đất nước, là thương hiệu của quốc gia. Tôi mong có nhiều doanh nghiệp như thế xuất hiện”, ông Nam nói.
Trong hồi tưởng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các doanh nghiệp lớn như hiện nay không hề tồn tại trong trí tưởng tượng của các nhà thơ, nhà văn vào thời điểm cách đây 20 năm: “Tiền của họ nhưng lòng kiêu hãnh thuộc về chúng ta. Những doanh nhân lớn làm nên tên Việt”.
Thái độ, cách nhìn nhận về giới doanh nghiệp của lãnh đạo, người dân và giới truyền thông đã thay đổi tích cực trong những năm gần đây. Những cái nhìn bao dung và toàn diện đã xuất hiện, hai bên có sự hoà nhập và ủng hộ.
“Cách đây ba năm trong một cuộc họp về bất động sản ở Quy Nhơn, tôi đã nói rằng một đất nước mà người dân ghét người giàu và doanh nghiệp, thấy kinh doanh đổ bể thì vỗ tay, thấy phát triển thì vùi dập, như vậy đất nước không biết đi về đâu”, ông Nam cho biết.
Trong 5 năm gần đây, hình ảnh doanh nghiệp Việt, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành là đã có sự thay đổi ý nghĩa và đặc biệt.
Doanh nghiệp Việt đã bắt đầu làm những công trình rất lớn, có ý nghĩa và làm có chất lượng trong thời gian ngắn. Sau một thời gian tích luỹ đã bắt đầu bắt nhịp với thế giới đi vào nghiên cứu phát triển, sáng tạo đổi mới. Chưa thể nói trước kết quả nhưng rõ ràng đó là một chuyển biến lớn.
Chưa bao giờ Việt Nam nói về người giàu, người siêu giàu nhiều như thời điểm gần đây với thái độ ngưỡng mộ và trân trọng mặc dù vẫn còn những lăn tăn và nghi hoặc.
Doanh nghiệp Việt đã có giá. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu quốc gia Việt Nam được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43. Giá trị này được đánh giá dựa vào hai tiêu chí quan trọng là sáng tạo và mức độ bao phủ của thị trường, kể cả thị trường quốc tế.
Doanh nhân Việt, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đã bắt đầu có ý nghĩa trong việc truyền cảm hứng. Theo ông Thành, doanh nghiệp, doanh nhân một ngày nào đó dù không còn là số 1 thì vẫn mãi truyền cảm hứng, đặc biệt là cho lớp trẻ. Giá trị của cảm hứng thậm chí còn hơn cả con số được gán cho giá trị thương hiệu.
“Tôi mong giá trị lan toả này sẽ ngày càng lớn lên và thậm chí đè bẹp cái lăn tăn, nghi hoặc hay dòng suy nghĩ chưa tốt về doanh nghiệp Việt”, ông Thành nói.
Doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế hùng cường
Ông Lộc cho rằng, doanh nhân phải là động lực chủ đạo trong xây dựng nền kinh tế hùng cường. Thế hệ doanh nhân thứ nhất đã dũng cảm, gồng mình để đối phó với thách thức về cả thương trường và thể chế, thiếu minh bạch và bất ổn. Lớp doanh nghiệp đầu tiên đã trụ vững và đóng góp cho sự phát triển. Giờ đây, Việt Nam đang cần thêm đội ngũ doanh nhân sáng tạo, đổi mới bởi đó là động lực thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Doanh nhân cần xác định được điều quan trọng nhất là kinh doanh có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó là mệnh lệnh của trái tim và khối óc của doanh nhân. Hai động lực quan trọng nhất là phát triển bền vững - giấy thông hành để doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thế giới và chuyển đổi số - nền tảng của nền kinh tế đổi mới sáng tạo.
Khi nhiều người đánh giá doanh nghiệp Việt độc nhưng yếu thì chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận, doanh nghiệp Việt lớn nhưng chưa đủ lớn mạnh. Để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông Thành cho rằng có hai việc cần làm.
Thứ nhất, xây nhà từ móng bằng việc hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất cho các hộ gia đình, khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa do đang gặp bốn cản trở lớn là quyền tài sản và quyền sở hữu, cạnh tranh, thiếu nguồn lực và chi phí kinh doanh cao.
Thứ hai, phải tạo các “cột kèo” là các tập đoàn lớn bằng cách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, chi phối được mảng phân phối, thương hiệu toàn cầu và có sức lan toả lớn.
“Trong thế giới đầy biến động, làm đúng có thể vẫn là chưa đúng. Sáng tạo, dùng công nghệ cao cấp nào thì dùng nhưng phải thoả mãn yêu cầu của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay là xanh, thông minh, nhân văn và cá tính”, ông Thành lưu ý.
Còn theo quan điểm của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, doanh nghiệp muốn phát triển thì trước hết phải hiểu biết pháp luật quốc gia và quốc tế. Thứ hai, biết làm giàu cho mình nhưng cũng phải biết làm giàu cho đất nước, có cái tâm muốn cống hiến cho đât nước. Thứ ba, biết liên kết và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp Việt bởi sự hỗ trợ này giữa các doanh nghiệp Việt còn chưa hiệu quả.
Để tạo sức khoẻ cho doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch VCCI còn nhấn mạnh, cần làn sóng cải cách đổi mới lần thứ hai, xây dựng nhà nước kiến tạo. Trong suốt 30 năm qua Việt Nam đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đây là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy và yểm trợ doanh nghiệp phát triển chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn.
“Chỉ số đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam vẫn rất thấp, đòi hỏi cải cách để mở đường cho đổi mới sáng tạo. Không thể quản lý theo cách truyền thống, cần phải đổi mới trong cách quản lý”, ông Lộc nhìn nhận.
Khát vọng lớn của doanh nhân Việt nhìn từ Viettel, Vingroup và Bkav
Chìa khóa để doanh nghiệp không bị diệt vong
Đề cập đến công cuộc chuyển đổi số trong quản lý nhân sự, ông Vũ Minh Trí, CEO VNG Cloud cho rằng, thế giới thay đổi rất nhanh, do đó doanh nghiệp muốn không bị diệt vong thì phải làm sao cho sự thay đổi bên trong nhanh hơn bên ngoài.
Vòng luẩn quẩn ngăn doanh nghiệp Việt bước vào chuỗi cung ứng
Điều quan trọng để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là doanh nghiệp Việt phải có cơ hội được kết nối và hiểu về yêu cầu cũng như quy trình lựa chọn đối tác của doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức mới về quản trị
Doanh nghiệp tư nhân sẽ luôn phải đối phó với những diễn biến ngày càng phức tạp trong quá trình phát triển, nhưng với tốc độ thay đổi hiện nay, các công ty cần có hiểu biết sâu hơn nữa về mảng quản trị doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp phải bán mình vì không có người kế nhiệm
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng trở thành mục tiêu cho các thương vụ mua bán và sáp nhập.
Gỡ vướng 34 dự án ở TP.HCM
34 dự án trên địa bàn TP.HCM đã được địa phương phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Vì một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam
NextPay mong muốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng không tiền mặt tại Việt Nam.
Đạm Phú Mỹ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới PHUMY
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Quảng Ninh sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Quảng Ninh đang không chỉ chuẩn bị cho những con số tăng trưởng, mà còn hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo.
Khi những thành phố lớn đều 'tắc thở'
Không khí, thứ ta hít thở mỗi ngày, đang trở thành mối đe dọa thầm lặng, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Kinh tế xanh chỉ chiếm 2%
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.