Cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử

Thu Phương - 08:00, 18/11/2022

TheLEADER"Chơi lớn và làm thật" là hai yếu tố quyết định khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Không dễ tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài

Theo đuổi việc tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing từ năm 2019, tuy nhiên, hơn 2 năm sau, phải đến giữa năm 2022, Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel mới đủ điều kiện sản xuất và trở thành nhà cung cấp sản phẩm gia công cơ khí chính xác tích hợp vào sản phẩm cho ngành hàng không vũ trụ của Tập đoàn Meggitt, đơn vị đang là đối tác cấp 1 của Boeing.

Trong suốt thời gian thử thách ấy, theo đại diện Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel, doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất lớn, không ngừng cải tiến sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của công ty nước ngoài.

Không chỉ Viettel, một doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam là FPT Software cũng đã phải rất "vất vả"để tham gia vào chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp FDI đến tử Nhật Bản.

Thời gian để theo đuổi mục tiêu này của công ty kéo dài suốt gần 3 năm. Đại diện FPT Software tiết lộ, đây là khoảng thời gian vô cùng thử thách khi công ty bắt đầu tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp, làm miễn phí cho họ để nắm được quy trình và thử sức xem mức độ đáp ứng sản xuất đến đâu.

Sau khi hoàn thành tất cả các tiêu chí đề ra, doanh nghiệp Việt Nam mới được tham gia vào chuỗi cung ứng của nước ngoài.

Thực tế cho thấy, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất khiêm tốn. Lấy ví dụ tại ngành điện tử tại Bắc Ninh, ông Hoàng Minh, Trưởng phòng kinh doanh DTJ Group cho biết, trong 6 lĩnh vực thuộc chuỗi cung ứng, lĩnh vực đầu tiên là công nghệ lõi hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước chỉ có thể tham gia vào 5 lĩnh vực ngành nghề còn lại như vận tải hàng không, công nghệ hóa chất điện tử, linh kiện điện tử, linh kiện điện và vỏ nhựa bao bì.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực ngành nghề này, doanh nghiệp Việt Nam cũng rất khó đáp ứng đủ điều kiện để trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho công ty nước ngoài mà chủ yếu làm nhà cung cấp cấp 2, 3 và 4.

Theo ông Minh, nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là vừa và nhỏ. Năng lực còn khá thấp cả về năng lực tài chính, quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.

Trong khi đó, yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài rất khắt khe, họ yêu cầu các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hiểu rõ quy trình sản xuất, đồng thời phải giữ uy tín, giao hàng đúng hẹn và luôn đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thông tin từ khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021 cũng cho thấy có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng có đến 88% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đáng chú ý, xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày, và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng.

Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Đáng chú ý, nghiên cứu “Năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương” do VCCI thực hiện mới đây cũng chỉ ra rằng, gần 2/3 doanh nghiệp được khảo sát chưa có sự chuẩn bị khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hơn một nửa (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn còn những cơ hội rộng mở

Khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn, đặc biệt là chuỗi cung ứng ngành điện tử vốn có những tiêu chuẩn và yêu cầu về sản phẩm rất cao. 

Tuy nhiên, tại sự kiện cơ hội ra nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Bắc Ninh do DTJ Group tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội vẫn luôn rộng mở với các doanh nghiệp luôn không ngừng nỗ lực và biết chớp thời cơ.

Cơ hội rộng mở tham gia chuỗi cung ứng ngành điện tử 1
Sự kiện cơ hội ra nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Bắc Ninh do DTJ Group tổ chức

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group, Việt Nam là một trong những “công xưởng sản xuất” lớn của châu Á. Bên cạnh đó, xu hướng của các tập đoàn lớn khi tới Việt Nam là họ chỉ nắm giữ công nghệ lõi, còn lại phần sản xuất phụ trợ, họ có xu hướng sử dụng các nhà cung cấp tại địa phương.

Đây chính là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng này, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh cũng cho rằng, trong top 6 doanh nghiệp 100% vốn FDI tại Việt Nam có tới 3 doanh nghiệp điện tử đều nằm ở Bắc Ninh (Samsung, Poster, Canon). Các doanh nghiệp ngành điện tử hoàn toàn có lợi thế rất lớn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vượt trội này.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung luôn thường chuyên có các chương trình tìm kiếm, hỗ trợ các nhà cung ứng mới muốn tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Đơn cử như Mô hình - Chương trình “Tìm nguồn cung ứng mở” giúp những nhà cung cấp nghiên cứu các công nghệ mới qua các cuộc thi, thử nghiệm các mô hình nhỏ trong sản xuất.

Hay như "Mô hình SCM 6 Sigma" – hoạt động sản xuất nhằm giới thiệu cho một số đơn vị điện tử muốn tham gia trong hoạt động sản xuất của ngành điện tử, cung cấp giải pháp phần mềm, quản lý, cung ứng lao động.

Theo ông Minh, hiện doanh nghiệp Việt Nam rất khó trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các công ty nước ngoài do tiêu chí và điều kiện đáp ứng đòi hỏi rất cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể tham gia trở thành nhà cung ứng cấp 2, 3, 4. Cơ hội vẫn còn rất rộng mở.

Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm. Để có thể tham gia cung ứng cho các tập đoàn, đòi hỏi họ phải đầu tư nguồn lực lớn, liên tục đổi mới sáng tạo, tăng công suất và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất

"Chơi lớn và làm thật" là hai yếu tố quyết định khi doanh nghiệp trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu" ông Minh nhấn mạnh.