Có nên mở lại đường bay quốc tế?

An Chi - 11:25, 27/08/2020

TheLEADERTranh luận về việc mở lại đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp.

Có nên mở lại đường bay quốc tế?
Mở cửa đường bay quốc tế cần hết sức thận trọng và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng

Mở lại đường bay quốc tế là một trong năm giải pháp cứu ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây.

Tuy nhiên, đề xuất này đã gây ra tranh luận trái chiều trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát tại Việt Nam với nhiều diễn biến phức tạp.

Mặc dù vậy, đây không phải lần đầu tiên vấn đề "mở cửa bầu trời" được đặt ra. Hồi giữa tháng 7 vừa qua, khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số nước.

Bộ này kiến nghị Chính phủ tổ chức các chuyến bay quốc tế đến nhiều khu vực ưu tiên như Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào) hay Phnôm Pênh (Campuchia).

Tại thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo về việc Việt Nam cân nhắc mở một số đường bay quốc tế khi Covid-19 đã được kiểm soát. Các quốc gia, vùng lãnh thổ trong danh sách dự kiến có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào và đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng từng nói rằng, Việt Nam sẽ xem xét nối lại đường bay với một số nước, nhưng điều kiện phòng Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. Các chuyến bay phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp về phòng dịch với điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh.

Việt Nam sẽ tạo điều kiện ưu tiên cho một số nhóm được nhập cảnh như công dân Việt Nam, người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao và công vụ, cùng một số trường hợp đặc biệt. Theo dự kiến của Bộ Giao thông vận tải, sớm nhất đầu tháng 8, Việt Nam có thể thực hiện chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên.

Tính toán là vậy, song đề xuất về việc mở lại các đường bay quốc tế chưa được thực hiện thì cuối tháng 7 vừa qua, dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng với nhiều diễn biến khó lường hơn hồi đầu năm và khiến dự định này "phá sản".

Mặc dù vậy, thực tế này cũng cho thấy, “tái mở cửa bầu trời” với thế giới để sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, từng bước tái khởi động lại các hoạt động kinh tế luôn là mong mỏi của không riêng các doanh nghiệp hàng không mà còn của cả nền kinh tế.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết, từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng đã khiến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không trong nước giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020 và chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm.

Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã đẩy tất cả các hãng rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Tổng mức thiệt hại Covid-19 gây ra cho các hãng hàng không Việt Nam theo ước tính của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đưa ra lên tới hơn 4 tỷ USD.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hãng hàng không ghi nhận kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động. Doanh thu của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, bằng gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Bamboo Airways lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020. 

Trong quý II/2020, kinh doanh vận chuyển hành khách và phụ trợ vận tải hàng không của riêng công ty mẹ Vietjet đạt 1.970 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 8 lần cùng kỳ lên gần 1.200 tỷ đồng nhưng khoản lỗ gộp 1.926 tỷ đồng cùng với hàng trăm tỷ chi phí phát sinh đã khiến công ty mẹ Vietjet lỗ trước thuế 1.165 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, theo nhiều chuyên gia, mở lại các đường bay quốc tế sẽ giúp các hãng có doanh thu, dòng tiền, giải quyết bài toán nhân lực; qua đó, giúp khôi phục ngành hàng không trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Thực tế cũng cho thấy, việc mở các đường bay quốc tế mang lại lợi nhuận cho các hãng hàng không lớn hơn nhiều so với các chuyến bay nội địa. Thời gian dịch bệnh vừa qua, mặc dù các doanh nghiệp đã rất tích cực mở thêm đường bay nội địa nhưng vẫn không thấm vào đâu so với sự thiếu hụt nguồn thu từ các chuyến bay quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet đã tiết lộ tại một hội thảo rằng, lợi nhuận trên các đường bay quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á gồm Đài Loan, Hàn Quốc cao hơn khoảng 20% so với các đường bay nội địa. Báo cáo tài chính của Vietjet trong năm 2019 cũng cho thấy, việc khai thác tốt thị trường bay quốc tế giúp Vietjet duy trì tăng trưởng khi thị trường nội địa đang quá tải hạ tầng.

Nguyên nhân là do thị trường quốc tế có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ doanh thu phụ trợ, cùng lợi thế chi phí nhiên liệu thấp hơn trong nước. Bên cạnh đó, bay quốc tế còn giúp hãng có thêm nguồn thu ngoại tệ và hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá. 

Trong sáu tháng đầu năm 2019, lượng khách các tuyến quốc tế của Vietjet đạt mức tăng trưởng 35%, với gần 4 triệu lượt khách. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua doanh thu nội địa và đạt 54% trên tổng doanh thu vận tải hàng không.

Mặt khác, theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, việc mở cửa các đường bay quốc tế không chỉ có ý nghĩa với ngành hàng không mà còn là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. "Mở lại đường bay quốc tế là mở cửa cho sự phát triển", ông nói.

Điều này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã kiểm soát dịch khá tốt như Quảng Châu, Tokyo, Seoul đang muốn đến Việt Nam, đặc biệt là chuyên gia, người lao động nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, việc mở cửa các đường bay quốc tế ở thời điểm hiện tại là cần thiết và nên làm để giúp ngành hàng không, du lịch và cả nền kinh tế hồi phục trong dịch bệnh. 

Mở lại đường bay quốc tế cũng phù hợp với nguyên tắc sống còn đối với bất cứ quốc gia nào là kiểm soát dịch bệnh song song với khôi phục từng bước hoạt động kinh tế. Minh chứng là hiện nay, nhiều nước khác trên thế giới vẫn mở cửa hàng không để giúp kinh tế phát triển.

"Chúng ta không thể đóng cửa mãi với thế giới được. Việc làm này đã đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của kinh tế trong nước. Quyết tâm chống dịch một cách triệt để là cần thiết nhưng cần áp dụng trong bối cảnh bình thường mới để các doanh nghiệp và nền kinh tế vận hành một cách bình thường", ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện Vietjet cũng cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cho phép mở lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam với những nước đã kiểm soát tốt dịch. Mở cửa đi cùng với việc bảo đảm quản lý được các rủi ro liên quan bệnh dịch.

Các chuyên gia cho rằng, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông thông suốt thì nền kinh tế mới phát triển. Việt Nam ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên hàng không càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và mở lại đường bay quốc tế là mở cửa cho sự phát triển, mở cửa cho hoạt động đầu tư.

Phòng dịch vẫn phải là ưu tiên hàng đầu

Ủng hộ từng bước mở cửa hàng không quốc tế, song theo ông Quốc Anh, để làm được việc này là không đơn giản trong bối cảnh trong nước và thế giới vẫn chưa hết dịch sẽ tiểm ẩn rất nhiều rủi ro.

Chính vì vậy, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi mở cửa hàng không phải là ưu tiên hàng đầu, tránh để xảy ra tình trạng "nhập dịch" như Đà Nẵng thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng đến công tác chống dịch của cả nước.

Theo ông Quốc Anh, các cơ quan quản lý cần tính toán các phương án rất chi tiết, cụ thể, nghiên cứu kỹ lưỡng việc mở đường bay quốc tế đến các quốc gia nào; hành khách trên các chuyến bay phải tuân thủ những quy định phòng dịch để đảm bảo an toàn như xét nghiệm, cách ly xã hội 14 ngày ngay sau khi xuống máy bay.

Còn theo ông Nề, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) mới ban hành Hướng dẫn đi lại hàng không trong bối cảnh dịch bệnh; trong đó đã hướng dẫn từng khâu như nhà ga, lên, xuống tàu bay, vệ sinh tàu bay, chất lượng không khí trên tàu bay, hoạt động trên chuyến bay.

Do đó, Việt Nam cần khẩn trương ban hành quy định, quy trình đối với các chuyến bay thương mại quốc tế; làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng hãng, trong đó có y tế, hải quan, hãng hàng không, du lịch. Đồng thời, xây dựng các kịch bản khác nhau về diễn biến dịch, đối tượng khách ưu tiên để thực hiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện cách ly đối với hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam nếu mở cửa lại đường bay cũng là vấn đề không đơn giản do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam đề hạn chế. Việc này phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước.

Thời điểm cuối tháng 3/2020 khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, mỗi ngày Việt Nam đón hàng nghìn người trở về từ nước ngoài. Có thời điểm,  Bộ Giao thông vận tải đã phải có văn bản hoả tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tạm dừng vận chuyển hành khách đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do quá tải các khu cách ly tập trung.

Điều này cho thấy, nếu Việt Nam mở cửa ồ ạt các đường bay quốc tế và yêu cầu hành khách cách ly 14 ngày theo quy định phòng dịch, các cơ sở cách ly trong nước cũng cần chuẩn bị rất sẵn sàng với nguồn lực rất lớn. 

Bàn về giải pháp cho điều này trong điều kiện hệ thống y tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nguồn lực ngân sách còn khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, ông Quốc Anh đề xuất thu phí cách ly, xét nghiệm và điều trị bệnh của những hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam để giảm gánh nặng cho Chính phủ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc mở lại các đường bay quốc tế cần hết sức thận trọng. Thời gian đầu, các cơ quan quản lý có thể chỉ nên mở thí điểm một đến hai đường bay quốc tế, đánh giá một cách toàn diện. Hành khách sau khi nhập cảnh phải được cách ly tập trung và đưa thu phí cách ly, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh. 

Trước băn khoăn về việc quá tải các cơ sở cách ly, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ có thể bố trí các khách sạn lớn trở thành nơi cách ly theo nhu cầu của khách nước ngoài. Điều này vừa phù hợp với công tác chống dịch vừa tạo điều kiện cho ngành du lịch hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.