Tình cảnh éo le của doanh nghiệp du lịch giữa làn sóng Covid-19 thứ hai

Phương Anh - 19:56, 12/08/2020

TheLEADERKhách hủy tour, đòi hoàn tiền trong khi các hãng hàng không chỉ cho lùi tiền cọc vé chứ không có chính sách hoàn trả. Đó là thế kẹt của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay.

Làn sóng Covid-19 thứ hai đưa du lịch trở về số 0

Nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh trong khoảng ba tháng qua cùng với các chương trình kích cầu, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận sự ấm lên nhanh chóng với sự đóng góp của khách nội địa, đặc biệt trong tháng 6 và tháng 7.

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết khách lưu trú du lịch tháng 7/2020 ước đạt 154.000 lượt, đạt 19% so với cùng kỳ nhưng tăng trưởng tới 105% so với tháng tháng 6. Địa phương này cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong tháng 6 so với tháng 5 với tốc độ tăng hơn 3 lần.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong tháng 6 ước đạt 454.764 lượt, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên so với tháng 5/2020, con số này tăng 85%, trong đó khách nội địa tăng 90% (tăng 209.292 lượt khách).

Ngoài ra, nhiều địa điểm du lịch khác như Sapa, Hạ Long, Quảng Ninh, Đà Lạt, Phú Quốc cũng ghi nhận lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa, gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid-19 mới đây tại Đà Nẵng đã khiến mọi nỗ lực hồi phục quay trở lại điểm xuất phát.

Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sapa, cho biết hiện gần như tất cả khách sạn đều đã đóng cửa sau khi dịch bùng phát trở lại, các nhân viên đều nghỉ việc và ngành du lịch quay trở lại điểm ban đầu.

“Đáng lẽ cuối tháng 7, đầu tháng 8 này sẽ rất đông, như đợt tháng 6, tháng 7 vừa qua thậm chí khách khó có thể đặt được phòng cuối tuần. Mặc dù Sapa hiện không có vấn đề gì cả nhưng do tâm lý lo sợ, thậm chí lo sợ hơn đợt trước nên du khách cũng không lên. Tỷ lệ hủy đợt vừa rồi cơ bản lên tới 90%”, ông cho hay.

Một chủ khách sạn tại Nha Trang cho biết, đợt dịch này thậm chí còn đáng sợ hơn đợt đầu khi số ca lây nhiễm tăng nhanh và nhiều địa phương bị ảnh hưởng, trong đó có cả Khánh Hòa. “Khách lẻ, khách tour đều hủy hết, thậm chí với những gói không có chính sách hoàn trả và ngày đi du lịch dự kiến tới cuối tháng 8, khách cũng chấp nhận hủy vì lo ngại dịch bệnh. Đợt đầu còn có thể cầm cự chứ đợt này chỉ biết đóng cửa ngồi chờ dịch bệnh qua đi”.

Tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch” mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, doanh nghiệp du lịch đã khó nay lại càng khó hơn với cú đấm bồi khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Lượng khách hủy tour lên đến 95 – 100% cuối tháng 7, đầu tháng 8 – hai tháng cao điểm của du lịch nội địa.

Không chỉ khách sạn, doanh nghiệp lữ hành cũng “khó chồng khó” khi khách vừa đòi hủy tour lại vừa đòi hoàn tiền giữa bối cảnh các hãng hàng không chỉ cho lùi tiền cọc vé chứ không có chính sách hoàn trả. Mặc dù thời gian hoãn lên tới 180 ngày, hầu hết du khách đều e ngại dịch bệnh và không còn nhu cầu đi du lịch.

Doanh nghiệp tựa vào nhau để cầm cự

Đại diện khách sạn Châu Long tại Sapa bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ khoanh vùng thành công đợt dịch lần này, đạt được kết quả tích cực như đã từng, từ đó du lịch nói riêng và kinh tế nói chung mới có cơ hội phục hồi.

“Chúng tôi rất mong du khách và các đối tác chia sẻ bằng cách thoả thuận rời ngày sử dụng dịch vụ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, vị này cho hay.

Đồng quan điểm, vị chủ khách sạn tại Nha Trang bày tỏ mong muốn nhận được sự thông cảm và chung tay của du khách bởi “bây giờ không đào đâu ra đủ tiền để hoàn trả cho tất cả khách”. Ông cho biết doanh nghiệp đã chịu không ít thiệt hại về cả tiền bạc lẫn tinh thần nhân viên trong đợt dịch đầu còn hy vọng khôi phục một phần vừa nhen nhóm đã bị dập tắt.

“Khách sạn đã buộc phải kết thúc hợp đồng với phần lớn nhân viên bởi không còn sự lựa chọn nào khác. Thậm chí cho đến lúc này, tôi vẫn đang cân nhắc việc dừng kinh doanh bởi chi phí cố định đang đè nặng từng ngày mà không có gì chi trả”.

Tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, nhấn mạnh tình hình hiện nay rất cần sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp và giữa khách du lịch với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành ở mức có thể vì họ hiện không còn tiền trong khi về phía khách hàng, cần một cuộc vận động để khách thông cảm, chia sẻ, không đòi tiền ngay lập tức mà chuyển tour đến địa điểm khác, thời gian khác. “Nếu không, sẽ đẩy các doanh nghiệp vào đường cùng. Chỉ có thông cảm và chia sẻ từ nhiều bên mới giúp doanh nghiệp hồi phục”, ông Bình nhận định.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết, doanh nghiệp du lịch hiện cần nhất là hỗ trợ về vốn để tồn tại bởi các nguồn vốn vay đang rất khó tiếp cận.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế VAT, 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến năm 2020 cũng như tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện, nước (đã dừng vào ngày 30/6) ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện cho các khoản vay mới; điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ như gói 62.000 tỷ đồng. “Nếu điều kiện như trước đây thì gần như không doanh nghiệp nào tiếp cận được”, ông Dũng nói với TheLEADER.

Với Tổng cục Du lịch, ông Dũng đề xuất nghiên cứu giảm khoản tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến hết năm 2020.