Con chữ đã làm cân bằng đời sống doanh nhân

Tuấn Trần - 10:46, 04/02/2022

TheLEADERVới mong muốn mang đến cho người trẻ một góc nhìn chân thật để gặt hái thành công trong khởi nghiệp, Tuấn Trần - doanh nhân Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Vũ Phong Tech, đã xuất bản 3.000 cuốn sách ‘Về quê lập nghiệp’, do Saigon Book phát hành và bán hết ngay trong những tháng dịch, kết quả từ sự yêu mến của các bạn trẻ đối với nội dung sách. Trong bài viết này Tuấn Trần kể lại hành trình vất vả của mình để đến với con chữ.

Con chữ đã làm cân bằng đời sống doanh nhân
Cuốn sách ‘Về quê lập nghiệp’

Trước khi viết được cả cuốn sách "Về quê lập nghiệp" và viết mỗi ngày như hôm nay, tôi rất dở về văn chương. Trong tất cả các môn học, từ tiểu học cho tới tốt nghiệp đại học, rồi ra trường đi làm, môn yếu kém nhất của tôi là môn tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ nói chung.

Đến tận bây giờ, dù đã viết rất nhiều và cố gắng, cố nhớ để phân biệt nhưng trung bình mỗi bài viết vài trăm từ của tôi đều bị sai vài lỗi chính tả. Tôi không lý giải được tại sao não tôi lại không thể phân biệt được dấu hỏi hay ngã, có ‘g’ hay không có ‘g’, ‘t’ hay ‘c’…

Tôi như bị ám ảnh vì phải học đi học lại môn tiếng Việt thực hành ở trường Đại học Bách khoa TP.HCM, khi thầy hay ra đề chính tả như: cái giỏ ‘cằn xé’, ‘cần sé’ hay ‘cằng xé’ gì đó, mà tôi là người miền Trung, xưa nay không biết cái giỏ này của bà con miền Tây nó như thế nào, vậy là cứ viết sai rồi học lại.

Ra trường, tôi đi làm trong ngành dầu khí - môi trường, văn hóa công ty thiên hướng quản lý nhà nước nên việc gì cũng cần tới văn bản. Tôi làm kỹ thuật nên không mấy khi soạn văn bản, nếu có thì văn bản trong kỹ thuật cũng khá đơn giản.

Biết là vậy, nhưng mỗi khi lãnh đạo công ty giao cho viết văn bản là tôi với tờ A4 cứ nhìn nhau mãi. Sếp tôi lại là người kỹ tính, rất coi trọng việc viết, tôi viết một trang mang lên là bị chỉnh hơn nửa trang. Cứ thế, có khi 2-3 ngày tôi mới viết xong một tờ A4.

Hồi đó, tôi bực bội và khó chịu dữ lắm, vì không lý giải được tại sao sếp lại mất thời gian như vậy. Chỉ để diễn đạt một vấn đề nào đó thôi, có cần phải cầu kỳ săm soi đến vậy không. Giờ thì tôi biết ơn những ngày tháng đó rất nhiều.

Hành trình bén duyên với viết

Cho đến một ngày, khi tôi được công ty chọn để đi đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý chất lượng, và sau đó trở thành một cán bộ chủ chốt trong phòng ban này. Đặc thù công việc buộc tôi phải đọc, góp ý, chỉnh sửa và soạn thảo quy trình rất nhiều, cao trào nhất là lúc tôi đề xuất công ty cho tôi viết và phát hành nội bộ cuốn “Sổ tay hàn ghép”, đó cũng chính là lúc tôi đối diện nghiêm túc với kỹ năng viết.

Con chữ đã làm cân bằng đời sống doanh nhân
Doanh nhân Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Vũ Phong Tech

Sau khi hoàn thành cuốn sổ tay, tôi nhận ra hành trình làm chuyên môn, trải nghiệm của tôi sẽ còn rất dài phía trước, tất cả những kiến thức tôi đúc rút được chỉ thật sự có ý nghĩa cho nhiều người khi tôi viết ra được. Kể từ đó, tâm trí tôi mới nhận định kỹ năng viết là kỹ năng vô cùng quan trọng và tôi cần luyện tập viết mỗi ngày.

Tôi chính thức luyện viết từ năm 2014, tôi viết hàng ngày trên facebook và blog cá nhân. Tôi viết bất kỳ thứ gì tôi chợt nghĩ tới, lâu lâu tôi lại tập trung viết bài dài theo một chủ đề nào đó.

Vạn sự khởi đầu nan, khó khăn nhất bao giờ cũng rơi vào những ngày đầu tiên, viết đã khó, ‘nặn’ chữ đã lâu, ấy vậy mà anh em bạn bè hay vào ý kiến, tất nhiên có người khen, người chê, và cũng có người rất cực đoan, bảo tôi rảnh, dạy đời, mất thời gian… Nhưng tính tôi xưa nay đã quyết làm việc gì thì cứ thế mà làm, ai nói thì để ý nghe, điều chỉnh cho phù hợp chứ cũng không ảnh hưởng nhiều tới hành trình đã chọn.

Đến năm 2019, tôi bắt đầu dành toàn bộ sự tập trung cho cuốn sách đầu tay của mình, và tôi đã hoàn thành cuốn sách đúng vào thời điểm căng thẳng nhất của đợt dịch năm 2021, giữa Sài Gòn. Tại thời khắc tưởng chừng bế tắc ấy, trước những cái chia tay bất ngờ, có những đêm nằm một mình, tôi thầm ước được cầm trên tay cuốn sách, rồi lỡ có bất trắc gì thì cũng cam lòng.

Tôi chia sẻ các bạn hình dung thêm, việc viết đã trở nên quan trọng với tôi như thế nào. Từ một người chán ghét viết, giờ đây tôi có thể nhịn ăn cả ngày nhưng nhịn viết thì không, là vậy đó.

Con chữ là sợi dây kết nối

Ngoài những việc phải viết liên quan tới công việc như email, văn bản, quy trình, hướng dẫn, thư gửi khách hàng, đối tác… thì việc viết với tôi còn nhiều ý nghĩa khác.

Viết tạo cho tôi cách hành văn đúc kết, suy ngẫm từng vấn đề mà tôi thực sự quan tâm, giúp tôi nhạy bén hơn, có cái nhìn sâu sắc hơn. Trước đây, tôi cảm thấy các phân vùng trong não rất rời rạc, nhưng nhờ tập viết, tôi cảm giác như chúng được liên kết lại thành một khối, từ chuyên môn kỹ thuật, kinh doanh, cho đến đam mê, kỹ năng sống… tất thảy đều được phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, linh động, từ đó mà tôi nói chuyện cũng đỡ cộc hơn xưa rất nhiều.

Khi gặp một người lạ, mọi người ai cũng cần thời gian để làm quen, rồi qua một vài lần giao lưu để hiểu nhau thì mới có thể hợp tác. Nhưng nhờ viết, chu trình đó đã được rút gọn, rất nhiều người biết tới tôi trước đó thông qua đọc sách của tôi hay đọc những bài viết trên trang cá nhân của tôi mỗi ngày, nhờ vậy mà mọi thứ bắt đầu với tôi trở nên thuận lợi, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Viết là sợi dây kết nối giữa tôi và gia đình, người thân, con cái… Thông qua các bài viết, gia đình tôi thường xuyên được cập nhật thông tin về tôi, hiểu tôi hơn, từ đó có những gắn kết, đồng cảm, hỗ trợ và chia sẻ rất nhiều. Niềm tin của người thân đã trở thành hậu phương vững chắc để tôi toàn tâm cho sự nghiệp của mình.

Viết cũng có phần khác nói, nói thuận lợi ở chỗ là dễ diễn đạt một ý nào đó, độ dài ngắn của nói cũng không quá khắt khe, nhưng nhược điểm của nói thường khó gãy gọn, dễ quên, khó hệ thống và cũng khó lưu trữ hơn viết.

Viết giúp tôi ghi chép lại những trải nghiệm, đúc kết góc nhìn của mình thành mặt chữ, từ đó việc lưu trữ, chia sẻ cũng rõ ràng, sâu ý và bền vững hơn rất nhiều. Tôi thiết nghĩ, nếu viết được thành sách và được đón nhận thì cơ hội trở thành di sản là rất lớn, nếu may mắn được như vậy thì việc viết sẽ có một tầm cao mới, khi đó viết đã là thành tựu của tác giả và là công trình mang lại ý nghĩa cho rất nhiều người. Thực tế, đã có rất nhiều cuốn sách, rất nhiều tác giả như vậy.

Ngoài ra, viết giúp tôi được tự sự với chính mình, cảm được những điều bên trong mình, được chia sẻ, được giãi bày, được cân bằng trong cuộc sống. Viết cũng là cách đã giúp tôi cảm thấy cuộc đời mình thật sự có nghĩa, đó là khi tôi thấy những ghi chép trải nghiệm của tôi trở nên có ích cho rất nhiều bạn trẻ, trở thành tư liệu tham khảo cho các bạn trên hành trình làm người, làm nghề.

Viết với tôi đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi ngày, tôi viết không để thành nhà văn, tôi viết chỉ đơn giản là “mình thích thì mình làm thôi”.

Đến đây, có lẽ nhiều bạn sẽ hỏi tôi làm thế nào có cảm hứng viết thường xuyên. Tôi thiết nghĩ câu hỏi này hơi vượt khả năng trả lời với tôi, vì tôi không phải là nhà văn, không là nhà báo và càng không phải là nhà ngôn ngữ… Gọi tôi là “người siêng viết” thì đúng hơn là người viết tốt.

Tuy nhiên, tôi mong rằng câu chuyện nhỏ của tôi sẽ giúp các bạn thấy rõ hơn vai trò của kỹ năng viết trong công việc cũng như trong cuộc sống và làm thế nào để viết ra được những điều bản thân đang ấp ủ.

Đơn giản là hãy viết một cách hồn nhiên, viết như một đứa trẻ, nghĩ gì thì viết đấy, quan trọng là quan điểm viết hết sức có thể hơn là viết để kỳ vọng có được kết quả nhận xét tốt. Chỉ cần duy trì đều đặn mỗi ngày, tôi tin rằng có đi thì tất sẽ thành đường, và có viết thì tất sẽ thành văn.