Cơn sốt điện mặt trời ở Khánh Hoà

Minh Anh - 13:50, 25/09/2018

TheLEADERCùng với Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà cũng đang trở thành điểm đến của các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời với hàng loạt dự án quy mô lớn.

Cơn sốt điện mặt trời ở Khánh Hoà
Các dự án đầu tư năng lượng mặt trời khá sôi động thời gian gần đây

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chính thức công bố 9 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Theo đó, 9 dự án này có tổng diện tích 795,1ha, tổng mức đầu tư 13.020 tỷ đồng trên địa bàn các xã: Cam Thịnh, Cam An Bắc, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Vạn Hưng và thị xã Ninh Hòa. 

Theo đó, dự án Nhà máy điện mặt trời miền Trung tại thôn Thuỷ Ba và thôn Tân An xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm diện tích 70ha, công suất 50MW, mức đầu tư 1.373 tỷ đồng do Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư.

Tổng công ty Điện lực miền Trung đã được UBND tỉnh giao nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án. UBND tỉnh cũng lưu ý nhà đầu tư về kiến nghị của các sở, ngành, địa phương về công nghệ, thiết bị, bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai để dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Công ty CP Khai thác thủy điện Sông Giang cũng mới được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy quang điện mặt trời tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Dự án có diện tích sử dụng đất 70ha, công suất thiết kế 60MW với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư đang chuẩn bị thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ môi trường, thiết kế và lập hồ sơ thỏa thuận phương án quy hoạch kiến trúc.

Trước đó, đầu năm 2016, UBND tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời hòa lưới cho Công ty CP Điện mặt trời Tuấn Ân. Dự án được triển khai tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, có diện tích sử dụng đất hơn 10ha, công suất thiết kế 10 MW với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. 

Mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành nhà máy điện công suất pin mặt trời 10MW hòa vào lưới điện áp 22KV với sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 14,5 triệu KWh.

Các dự án khác được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Khánh Hoà gồm dự án điện mặt trời thôn Vĩnh Nam và thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm do Công ty CP năng lượng AMI Khánh Hoà làm chủ đầu tư, diện tích 65ha, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.240 tỷ đồng.

Dự án điện mặt trời xã Cam An Bắc và xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm do Công ty TNHH điện mặt trười KN Cam Lâm làm chủ đầu tư diện tích 70ha, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.109 tỷ đồng.

Dự án điện mặt trời xã Cam An Bắc huyện Cam Lâm do Công ty TNHH Cam Lâm Solar làm chủ đầu tư, diện tích 75ha, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng. Dự án điện mặt trời xã Cam An Bắc huyện Cam Lâm do Công ty TNHH Cam Lâm Solar làm chủ đầu tư, diện tích 40ha, công suất 35MW, tổng mức đầu tư 878 tỷ đồng.

Dự án điện mặt trời Thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh do Công ty TNHH đầu tư và phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh làm chủ đầu tư, diện tích 194,5ha, công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.489 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án điện mặt trời thôn 5 xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hoà do Công ty CP Năng lượng Long Sơn làm chủ đầu tư, diện tích 200ha, công suất 170MW, tổng mức đầu tư lên đến 3.400 tỷ đồng.

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã công bố 29 địa điểm dành cho nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hoà, huyện Vạn Ninh, thành phố Cam Ranh.

Lý giải nguyên nhân khiến hàng loạt các dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời đang được lên kế hoạch và triển khai tại địa phương này, lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho rằng, TP. Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34 kWh/m2/ngày. Ở 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây, độ bức xạ còn cao hơn nhiều, huyện Cam Lâm tuy độ bức xạ thấp hơn nhưng cũng ở mức cao. 

Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án năng lượng mặt trời. Không những thế, ở khu vực này, khả năng đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia cũng rất tiện lợi. 

Thời gian qua, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra hiện trường, xác định vị trí và thống nhất phạm vi ranh giới khu đất dự kiến bố trí để thực hiện các dự án năng lượng mặt trời, mở ra những kỳ vọng mới về nguồn năng lượng sạch tại Khánh Hòa.