Covid-19 tái diễn lần 3: Đối tượng nào được nhập cảnh vào Việt Nam?

An Chi - 07:51, 03/12/2020

TheLEADERCông dân Việt Nam về nước, các chuyên gia nước ngoài vẫn được nhập cảnh vào Việt Nam trước việc Covid-19 tái diễn lần thứ ba.

Covid-19 tái diễn lần 3: Đối tượng nào được nhập cảnh vào Việt Nam?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Sau chùm ca bệnh Covid-19 phát hiện tại TP.HCM, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay thương mại. Trước câu hỏi về việc đưa người Việt Nam về nước và đưa các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc đưa công dân Việt Nam về nước và các chuyên gia vẫn đang được duy trì.

Các chuyến bay thương mại phải tạm dừng theo yêu cầu của Thủ tướng không phải là các chuyến bay cố định trong ngày, mà là các chuyến bay có tính chất thuê. Hành khách phải trả phí đầy đủ, trọn gói từ kiểm dịch đến các chi phí liên quan. 

Bên cạnh đó, các điểm đi, điểm đến cũng được giới hạn. Ví dụ như các quốc gia có giao tiếp với Việt Nam rất nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mặt khác, các hãng bay vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát dịch, không chỉ hãng bay trong nước mà cả hãng bay quốc tế. Đồng thời phải có thống nhất với các nhà chức trách của các hãng hàng không quốc tế và của hãng hàng không trong nước từ kiểm soát dịch, cách ly và khả năng kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia cũng như của Việt Nam.

Theo ông Đông, công dân Việt Nam về nước, chuyên gia nước ngoài vẫn được nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này là cần thiết, bởi nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài về nước rất lớn. Song, cùng với việc làm này thì công tác kiểm soát dịch vẫn phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội. 

Do đó, Việt Nam vẫn cho phép các chuyên gia, các nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và cả người nhà của họ được nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện đầu tư, hoạt động kinh doanh.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về nước rất lớn, trong đó có những người có điều kiện khó khăn, tuổi cao, sức yếu, trẻ nhỏ, các tu nghiệp sinh, lao động hết hạn, sinh viên học tập. Trong khi đó, khả năng về cách ly và xử lý ở trong nước cũng có mức độ. 

Tuy nhiên, khi ghi nhận ca dương tính ngoài cộng đồng ở TP.HCM vừa qua, Thủ tướng đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần phải kiểm soát dịch chặt chẽ. 

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đầu mối là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nghiệm xem xét các đối tượng cụ thể, ưu tiên đối tượng người cao tuổi, người ốm, trẻ em, những trường hợp hết hạn học tập, lao động tiếp tục về và thực hiện cách ly theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Cũng theo ông Dũng, trong thời điểm hiện nay, Việt Nam rất hạn chế đưa chuyên gia nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư cách ly trong khu quân đội. Từ nay đến đầu năm 2021, sẽ có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nên sẽ hạn chế cách ly tại Hà Nội. Chuyến bay vẫn có thể về sân bay Nội Bài nhưng cách ly ở các địa phương khác. 

Hiện Việt Nam đã công bố nối chuyến bay thương mại với 7 nước nhưng thực tế mới thực hiện với Hàn Quốc và Nhật Bản. Các chuyến bay thương mại nhập cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam, việc phối hợp với các cơ quan đưa đón và cách ly các đối tượng cần phải thực hiện chặt chẽ hơn. 

Tinh thần là các cơ quan quản lý sẽ cố gắng đưa người về nước về khu cách ly của quân đội và các cơ sở lưu trú do địa phương chỉ định và có sự phối hợp quản lý chặt chẽ của các ngành, các cơ quan, đặc biệt là y tế tại các tuyến và vấn đề xét nghiệm phải tốt, tránh sơ hở, chủ quan, ông Dũng khẳng định.

Trước đó, về việc để tiếp viên hàng không lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng bộc lộ lỗ hổng trong quản lý việc cách ly hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện tổng số lấy mẫu xét nghiệm là 2.233 mẫu và tổng số đã xét nghiệm là 1.051, đang chờ kết quả 1.182 mẫu. Tin vui là cập nhật đến giờ không có ca mắc mới trong cộng đồng.

Riêng về khả năng kiểm soát dịch bệnh, với bài học, kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được từ 2 đợt dịch vừa qua, tháng 3 và tháng 7/2020, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, trên tinh thần khẩn trương điều tra truy vết, cách ly tất cả đối tượng F1, F2 và không để lây nhiễm sang chu kỳ thứ 3. 

Theo tính toán của Bộ Y tế, từ 30/11 đến nay mới có 2 chu kỳ, nếu chậm nữa sẽ sang chu kỳ thứ 3 nhưng quyết tâm không để sang chu kỳ này.

Về việc TP.HCM đề xuất giãn cách, Bộ Y tế cũng đã họp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo những khu vực nào có nguy cơ cao sẽ xem xét giãn cách, còn lại vẫn hoạt động bình thường, ông Cường cho biết.