Cuộc đua xe điện tại Việt Nam đã đến lúc khởi động?
Phạm Sơn
Thứ sáu, 24/02/2023 - 07:41
Sự xuất hiện của những mẫu xe điện phân khúc bình dân và tầm trung được kỳ vọng sẽ là “phát súng” chính thức mở màn cuộc đua xe điện.
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2022, các thành viên của hiệp hội đã bán được khoảng hơn 400 nghìn chiếc xe ô tô. Nếu cộng cả doanh số hơn 70 nghìn xe Hyundai và hơn 24 nghìn xe VinFast (2 thương hiệu không thuộc VAMA), tổng doanh số ô tô bán ra tại Việt Nam trong năm 2022 đã chạm ngưỡng 500 nghìn chiếc, một con số kỷ lục.
Có thể nói, quá trình ô tô hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, phù hợp với xu thế nền kinh tế tăng trưởng cao và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc đua điện khí hóa phương tiện giao thông, Việt Nam cũng được các nhà sản xuất xe điện để ý tới như một thị trường tiềm năng.
Đặc biệt phải kể từ sau khi một loạt các chính sách hỗ trợ xe điện bao gồm miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện trong vòng 3 năm, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện, ngày càng có nhiều mẫu xe điện được giới thiệu tại Việt Nam, có thể kể đến như EQS của Mercedes-Benz; e-tron SUV của Audi; bZ4X của Toyota, Marvel R và MG4 EV của MG Motor.
Tuy nhiên, đa phần các mẫu xe nói trên đều chưa có trong kế hoạch phân phối của hãng, cho thấy dường như các nhà sản xuất xe điện vẫn đang xem xét phản ứng thị trường. Thực tế, nhiều yếu tố rủi ro khiến các nhà sản xuất e ngại, bao gồm tâm lý của người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khả năng vận hành của xe điện cũng như thiếu hụt cơ sở hạ tầng trạm sạc, lưới điện.
Bởi vậy, ô tô điện được bán ra tại thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ hãng xe “cây nhà lá vườn” VinFast, với mức doanh số lên đến hơn 24 nghìn xe trong năm 2022, như đã nói ở trên. Bên cạnh sản xuất và kinh doanh ô tô điện, VinFast cũng nỗ lực triển khai các giải pháp về hạ tầng, bao gồm lắp đặt các trạm sạc hay như gần đây là triển khai đội xe sạc pin lưu động hoạt động 24/7.
Tuy nhiên, cục diện cuộc chơi xe điện dường như sẽ nhanh chóng thay đổi khi mới đây, một loạt nhà sản xuất Trung Quốc đã công bố kế hoạch tung ra các mẫu xe điện tại Việt Nam.
Nổi bật nhất trong số đó chắc chắn phải kể đến Wuling HongGuang Mini EV, mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới trong vòng 3 năm trở lại đây. Với ưu thế là mức giá rẻ, kích thước nhỏ gọn, ngoại hình trẻ trung, bắt mắt nhưng đi kèm không ít khiếm khuyết, Wuling HongGuang Mini EV trở thành tâm điểm bàn tán, tranh cãi của dư luận những ngày gần đây.
Ngay sau thông tin về Wuling HongGuang Mini EV, một hãng xe đồng hương với Wuling là Haima cũng công bố đơn vị CarVivu sẽ nhập khẩu và phân phối các mẫu xe của hãng này tại thị trường Việt Nam.
Trong số các mẫu xe được phân phối, xe điện Haima 7X-E nhận được nhiều sự quan tâm. Haima 7X-E là mẫu minivan (MPV) 7 chỗ, được trang bị động cơ điện 201 mã lực. Xe có khả năng vận hành lên đến hơn 500km sau mỗi lần sạc, được trang bị sạc nhanh từ 30 - 80% pin trong 27 phút.
Dự kiến được bán với mức giá trên 1 tỷ đồng, bắt đầu từ quý II tới, Haima 7X-E là chiếc MPV điện đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trong phân khúc. Đây được xem là lợi thế lớn của mẫu ô tô này.
Hãng xe Chery thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc sẽ phân phối 3 mẫu xe điện tại Việt Nam, bao gồm Omoda 5, Tiggo 3X Plus và Arrizo 6. Trong đó, mẫu Tiggo 3X Plus cũng là một lựa chọn ô tô điện với giá siêu rẻ. Tại thị trường Trung Quốc, Tiggo 3X Plus được bán với giá khoảng 170 – 230 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hãng xe được mệnh danh là “Tesla Trung Quốc” BYD cũng công bố kế hoạch lắp ráp linh kiện ở Việt Nam. Trong tương lai, rất có thể BYD sẽ phân phối mẫu BYD Destroyer 05 đã được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam. Đây là mẫu xe điện động cơ plug-in hybrid (xe lai có cắm sạc), phù hợp để trở thành cầu nối cho người dùng muốn chuyển tiếp từ xe xăng sang xe điện.
Tính đến hiện tại, ngoại trừ VinFast, mới chỉ có 4 mẫu xe điện được bán tại Việt Nam, bao gồm Hyundai Ioniq 5 (khoảng 1,5 tỷ đồng); Kia EV6 (khoảng 1,5 tỷ đồng); Mercedes-Benz EQS (từ 4,8 tỷ đồng) và Porsche Taycan (từ 5,7 tỷ đồng).
Cả 4 mẫu xe trên đều không nằm ở phân khúc bình dân và cao hơn nhiều so với các mẫu xe điện của VinFast. Với mức giá cao, những dòng xe này chưa thực sự được người tiêu dùng đón nhận khi những e ngại về xe điện vẫn còn khá phổ biến.
Chính vì vậy, sự xuất hiện của những hãng xe Trung Quốc được coi là sự bổ sung hoàn hảo cho phân khúc còn thiếu của thị trường xe điện của Việt Nam, đặc biệt là với những mẫu xe giá rẻ. Thông qua phân khúc bình dân, người tiêu dùng Việt có thể sẽ thân quen hơn với những chiếc ô tô không xả khí thải trên đường, từ đó thực sự mở ra cuộc đua xe điện.
Thành công đánh bại những ông lớn tại sân nhà Trung Quốc để trở thành xe ô tô điện có doanh số cao nhất thế giới, tuy nhiên Wuling Hongguang Mini EV khó có thể làm được điều tương tự tại thị trường Việt Nam.
Từng hứng chịu không ít hoài nghi, ô tô điện hiện nay đang trở thành lựa chọn ưu tiên, thậm chí là “phải có” trong danh mục cân nhắc khi mua ô tô của rất nhiều người dùng Việt. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, VinFast - hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam đã đi một quãng đường dài trên hành trình tạo dựng niềm tin cho người dùng vào phương tiện xanh.
Với việc tiên phong dẫn dắt làn sóng điện hóa phương tiện di chuyển tại Việt Nam, VinFast đã trở thành thương hiệu đầu tiên được người Việt nghĩ đến và cũng là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng khi chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.