'Đặc khu kinh tế không nên chiều nhà đầu tư ưu đãi quá cao bằng mọi giá'

An Chi - 08:15, 19/05/2018

TheLEADERTheo ông Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hình thức ưu đãi tại các đặc khu kinh tế không chỉ là thuế, phí, đất đai, nếu quá chú trọng đến các ưu đãi này, sẽ khiến hụt thu ngân sách, trong khi đó hiệu quả lại không như mong đợi.

'Đặc khu kinh tế không nên chiều nhà đầu tư ưu đãi quá cao bằng mọi giá'
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) đang chờ Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 19/5 đến 14/6 tới. Các địa phương được nghiên cứu phát triển thành đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đây là bộ luật được kỳ vọng sẽ có những cải cách đột phá, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, nhất là đầu nước ngoài. Tuy nhiên, bản dự thảo luật cập nhật mới nhất đã có nhiều thay đổi quan trọng về thể chế của các đặc khu cùng với những thu hẹp đáng kể trong ưu đãi đầu tư đang gây nhiều ý kiến trái chiều. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Uỷ viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông là một trong những đại biểu Quốc hội rất tâm huyết với vấn đề đặc khu kinh tế và có nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật này.

Nhiều ý kiến cho rằng, đặc khu kinh tế của Việt Nam ra đời quá muộn so với các quốc gia khác trên thế giới, ông có đồng tình với quan điểm này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Dự thảo luật đặc khu kinh tế là một dự án luật rất cần thiết. Sau khi xây dựng và phát triển thành công, các đặc khu tinh tế này sẽ có tác động lan toả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành luật đặc khu của Việt Nam hơi muộn so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên theo tôi, nói như vậy là chưa thoả đáng, bởi trong phát triển kinh tế không có có gì là muộn hay sớm.

Kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như của thế giới như một guồng máy luôn tiếp tục phát triển và vận động không ngừng. Khi nào chúng ta thấy có điều kiện đủ chín muồi để xây dựng đặc khu thì chúng ta thực hiện, không phải là vấn đề sớm hay muộn.

Với những ưu đãi trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như hiện nay, theo ông đã đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Mục đích của các đặc khu kinh tế là thu hút đầu tư, do đó, những ưu đãi về đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển đương nhiên phải có. 

Các nhà đầu tư khi vào các đặc khu kinh tế luôn muốn tối đa hoá về lợi nhuận và tính hiệu quả. Họ phát triển ở đây những dự án rất lớn, dự án thấp nhất cũng phải trăm tỷ, có những dự án 6 nghìn tỷ. Cùng một lúc bỏ ra số tiền vốn lớn như vậy tất nhiên các nhà đầu tư sẽ lo ngại về vấn đề rủi ro. 

Do đó, các đặc khu kinh tế cần các ưu đãi ban đầu cho các nhà đầu tư. Ưu đãi này không phải khiến họ giàu thêm mà để giúp giảm bớt các rủi ro, thậm chí giảm những chi phí ban đầu cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, không một đặc khu nào không có ưu đãi, điều quan trọng là chúng ta phải cân nhắc về tính chất, mức độ thời gian ưu đãi như thế nào cho phù hợp.

Những ưu đãi tại các đặc khu kinh tế cũng có thể là ưu đãi về tinh thần, chưa chắc đã phải là ưu đãi về kinh tế. Bởi qua nghiên cứu cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam không chỉ quan tâm đến ưu đãi. Ưu đãi chỉ là điều kiện cần nhưng chưa phải điều kiện đủ để họ quyết tâm đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài cần một môi trường tốt để có thể tin tưởng, an tâm đầu tư. Do đó, các đặc khu của Việt Nam bên cạnh các ưu đãi cần thu hút các nhà đầu tư bằng thể chế chính sách, bình ổn an ninh xã hội hoặc cũng có thể là cam kết đào tạo một đội ngũ nhân sự chất lượng cao giúp các nhà đầu tư. 

Hình thức ưu đãi có rất nhiều không chỉ là thuế, phí, đất đai. Nếu quá chú trọng đến các ưu đãi này, sẽ khiến hụt thu ngân sách, trong khi đó, hiệu quá lại không thực sự như mong đợi.

Khi xây dựng đặc khu kinh tế, phải xác định rõ việc chỉ thu hút một đối tượng các nhà đầu tư nào đó phù hợp chứ không nên chiều lòng tất cả các nhà đầu tư bằng cách đưa ưu đãi quá cao bằng mọi giá.

Bên cạnh những ưu đãi về đầu tư, vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền tại các đặc khu là điều các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Dự thảo mới nhất của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đưa ra đưa ra phương án có cả HĐND và UBND tại các đặc khu kinh tế tương lai, ông có bình luận gì về điều này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Luật đặc khu kinh tế chắc chắn sẽ phải mang tính đột phá, phải tốt hơn đạo luật khác. Đạo luật này chỉ có thể thấp hơn Hiến pháp, còn sẵn sàng vượt qua các các quy định khác bởi đây là thể chế đặc thù. Đặc thù mà phải tuân theo các quy định ràng buộc khác thì không phải đặc thù.

Ví dụ như Hiến pháp quy định chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND thì các đặc khu kinh tế vẫn phải tuân theo. Vấn đề ở đây là đột phá ở HĐND và UBND là gì?

Theo dự thảo luật mới, HĐND chủ yếu quyết định mang tính định hướng, còn việc điều hành, triển khai như thế nào thì phải giao cho chủ tịch UBND đặc khu quyết định.

Tôi đề nghị xây dựng cơ chế tư lệnh đặc khu giao cho chủ tịch UBND đặc khu. Đây sẽ là một cá nhân chịu trách nghiệm trước pháp luật, Chính phủ, đại biểu Quốc hội về sự phát triển của đặc khu kinh tế. Vì thế chúng ta phải tìm được một cá nhân thực sự xuất sắc để đảm đương nhiệm vụ này. 

Xin cảm ơn ông!

Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được sửa đổi gần đây nhất, chính quyền đặc khu được tổ chức theo phương án gồm có HĐND và UBND đặc khu.

HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND. HĐND đặc khu có chủ tịch và một phó chủ tịch HĐND. Kết quả bầu Chủ tịch HĐND đặc khu phải được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

UBND đặc khu chỉ bao gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch. Chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu.

Cũng theo dự thảo luật mới này, hàng loạt các ưu đãi tại đặc khu kinh tế đã bị cắt giảm. Cụ thể, dự thảo luật đã giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số loại dự án đầu tư và giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược.

Những ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, thuê mặt nước trong dự thảo luật mới cũng được thu hẹp. Theo đó, dự thảo luật chỉ quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê chỉ đối với một số ít dự án.