Đại sứ Nhật Bản: Cần nâng cao tính cạnh tranh của Chính phủ Việt Nam

Phương Anh - 11:43, 12/01/2018

TheLEADERTrong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của bản thân Chính phủ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhìn nhận.

Đại sứ Nhật Bản: Cần nâng cao tính cạnh tranh của Chính phủ Việt Nam
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio.

Theo ông Kunio, không chỉ có khu vực tư nhân mà ngay cả Chính phủ Việt cũng cần cải thiện tính cạnh tranh, tức là tăng khả năng hỗ trợ khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần có những cải cách quốc doanh nhằm hướng tới tương lai tốt đẹp hơn đối với bản thân Việt Nam.

Đại sứ Nhật Bản cũng khẳng định, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia. Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong vấn đề năng suất lao động nói riêng và các lĩnh vực khác mà Nhật Bản có thể.

Đối với vấn đề cải thiện năng suất của người lao động, ông Kunio cho rằng, Việt Nam cần nâng cao nhận thức trên toàn bộ cộng đồng, xây dựng một chiến dịch toàn quốc để đẩy mạnh ý thức, nhận thức của người dân về tăng năng suất lao động, đưa chiến dịch lan rộng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế tính theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động).

Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD. 

Năng suất này chỉ bằng 7% của Singapore - 17,6% của Malaysia - 36,5% của Thái Lan - 42,3% của Indonesia - 56,7% của Philippines và còn thấp hơn cả Lào (chỉ bằng 87,4%).

Một nghiên cứu của World Bank cũng cho biết, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016.

Tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD và Lào từ 220 USD lên 1.422 USD. 

Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản nhìn nhận, nâng cao năng suất lao động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam hiện nay. Một Chính phủ khôn ngoan là một Chính phủ xây dựng được các doanh nghiệp cạnh tranh.

Theo ông Ohno, nền kinh tế cần sự năng động của khu vực tư nhân. Việt Nam cần phải có một tầm nhìn rõ ràng, có chiến lược thu hút vốn nhưng phải có sự lựa chọn và đi cùng với đó là phát triển năng lực địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên có báo cáo về năng suất bao gồm dữ liệu của Việt Nam, của các quốc gia khác và các giải pháp cụ thể liên quan đến chính sách.

Tại hội thảo “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế lần thứ hai, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn khẳng định, cải thiện năng suất lao động không chỉ nằm ở việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn.

Theo ông Tuấn, quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc cải thiện năng suất chính là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.