ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Chỗ vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc'

Bảo Bình - 06:06, 07/11/2017

TheLEADERTòa án Nhân dân tối cao cần tìm mọi biện pháp chấn hưng công tác tư pháp, với tư cách là cơ quan đại diện cho một nhánh quyền lực của Nhà nước trong đó quan trọng nhất, quyết liệt nhất là chất lượng thẩm phán, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị trước Quốc hội.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Chỗ vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc'
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, tỉnh Bến Tre.

Phát biểu trước Quốc hội chiều 6/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho rằng, Báo cáo của Ủy ban Tư pháp và các cơ quan tư pháp đã đánh giá đầy đủ, khách quan các mặt hoạt dộng tư pháp, khẳng định hoạt động tư pháp nói chung đã góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên, điều ông Nhưỡng băn khoăn nhất là nếu đánh giá trên bình diện tổng thể các vị trí, vai trò, chức năng thực hiện quyền hạn thì tại sao đến bây giờ các Tòa án Nhân dân (TAND) của đất nước vẫn chưa được người dân và xã hội tin cậy và chưa thể trở thành biểu tượng công lý trong của xã hội.

Ông Nhưỡng cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết số 49 ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì TAND phải là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá của các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được, thì nơi nương náu của công lý vẫn là nơi còn nhiều nguy hiểm, nơi người dân thiếu tin cậy.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng, cán bộ tòa án làm nghề rất rủi ro bởi vì tính chất công việc nhạy cảm, căng thẳng. Có thẩm phán do xét xử chạy kế hoạch đã gục ngay sau khi tuyên án và chết. Nhưng một số thẩm phán, cán bộ tòa án do những cám dỗ và thiên vị đã tạo một phần rủi ro cho bản thân, và đã từ bỏ hoặc thực hiện sai lệch những chuẩn mực của người cầm cân, tự sửa cân công lý – một cái cân thiêng liêng nhất, một điều hết sức kiêng kị.

"Đâu đó ngoài kia dân vẫn kêu ca về án tử, tác phong, thời gian vụ án kéo dài. Chỗ thì vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc", ông Nhưỡng cho biết. 

Tình trạng báo cáo xin chỉ đạo vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt thậm chí ngày càng phức tạp. Tuy nhiên đối với một số thẩm phán đó lại là mong ước của họ vì như vậy rất an toàn, được lòng lãnh đạo cấp dưới, vui lòng cấp trên, giảm bớt khả năng bị hủy án, điều gây ảnh hưởng đến thi đua.

Nguyên tắc độc lập xét xử dường như chỉ tồn tại trên văn bản pháp luật trong khi đó lại là nguyên tắc cốt tử của tố tụng tư pháp. Điều nguy hiểm nhất là thói xấu và căn bệnh ấy luôn được người bệnh giấu kín nên không ai chế ra thuốc giải cứ thế trượt mãi, chưa có điểm dừng, đại biểu Bến Tre lo ngại.

"Điều tôi nói trên đây ai cũng hiểu, chỉ đáng tiếc là không ai nói ra ít nhất cho nhẹ lòng, để có cơ hội cài đặt lại lương tâm vì trách nhiệm và nền công lý của đất nước. Chỉ mong sao có một phép màu tư tưởng, một phép màu pháp chế, một phép màu đạo đức làm thay đổi những bất cập đang âm thầm dai dẳng bấy lâu, để TAND xứng đáng là nơi kiếm tìm chân lý, duy trì công lý và là biểu tượng công lý của xã hội", ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng kiến nghị, TAND Tối cao cần tìm mọi biện pháp chấn hưng công tác tư pháp, với tư cách là cơ quan đại diện cho một nhánh quyền lực của Nhà nước trong đó quan trọng nhất, quyết liệt nhất là chất lượng thẩm phán.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cần xây dựng nhiều án lệ để thống nhất áp dụng, cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm và hãy ngầm bãi bỏ các hình thức cho ý kiến đối với thành thị, qua đó buộc thẩm phán không ỷ lại, phải rèn luyện công lực, đối phó với sự thật, tự quyền quyết định chân lý.