ĐBSCL sẽ có thêm ít nhất 880 triệu USD cho phát triển bền vững

Phương Anh - 20:00, 18/06/2019

TheLEADERTừ năm 2015 tới nay, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phần lớn gắn với phát biển bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL sẽ có thêm ít nhất 880 triệu USD cho phát triển bền vững
ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho biết, khoản tài chính trên được sử dụng cho các chương trình thí điểm sáng tạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.

Bên cạnh đó, World Bank cũng sử dụng vào việc thúc đẩy tăng trưởng cho người dân ở nông thôn và thành phố tại các tỉnh và trên toàn vùng.

“Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp tỉnh và trung ương, cũng như các đối tác trong và ngoài nước khác để đưa ra những quan điểm mới, bằng chứng mới, kiến thức mới, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp với ĐBSCL”, ông Ousmane Dione chia sẻ.

Vị đại diện World Bank tại Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, tổ chức này đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết số 120.

Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở trung ương, địa phương và các bên liên quan khác cũng như nắm bắt các cơ hội đến từ biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực.

Giám đốc quốc gia World Bank nhấn mạnh, bất kỳ một hỗ trợ mới nào với ĐBSCL chỉ có thể tạo ra sự khác biệt khi có thể chế mạnh, triển khai hiệu quả, thông tin đầy đủ, cam kết đổi mới sáng tạo và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

“Suy nghĩ làm thế nào để tăng cường phối hợp tại ĐBSCL, phải biến chính sách thành hành động trong việc thiết lập một thể chế điều phối khu vực mạnh, giúp phối hợp theo cả chiều dọc và ngang một cách có hiệu lực và hiệu quả”, ông khuyến nghị.

Việt Nam được cho là cần cải thiện cơ chế phối hợp để có thể quy tụ các lợi ích khác nhau và xác định định hướng phát triển chung cho ĐBSCL. Điều này cũng giúp xác định các ưu tiên đầu tư, phân trách nhiệm và chia sẻ lợi ích.

Sự phối hợp chặt chẽ hơn sẽ giúp cung cấp thông tin cho việc hiệu chỉnh chính sách và huy động tài chính cũng như tăng tính hiệu quả trong công tác thực thi ngân sách và thúc đẩy vị thế xuyên biên giới của Việt Nam.

Tuy nhiên, thể chế mạnh cần một kế hoạch mạnh. Ở ĐBSCL, Quy hoạch vùng tích hợp mà Chính phủ đang chuẩn bị có thể đóng vai trò như là khuôn mẫu để xây dựng khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu, thịnh vượng và bền vững thông qua việc xác định cơ cấu kinh tế, đô thị và công nghiệp phù hợp.

Ông Ousmane Dione cho rằng, chỉ có thể xây dựng được Quy hoạch vùng tích hợp có ý nghĩa khi có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan và có cơ sở bằng chứng, phân tích cụ thể.

Ngoài ra, một cơ chế điều phối vùng hiệu quả và một quy hoạch vùng tích hợp toàn diện cũng vô nghĩa nếu không có nguồn lực tài chính. Trong tình hình tài khóa – ngân sách mới tại Việt Nam, đại diện World Bank tại Việt Nam cho rằng, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phải được ưu tiên hàng đầu.

Đổi mới sáng tạo, thông tin và sự tham gia của các bên liên quan cũng có vai trò then chốt trong việc biến các quyết định tương lai thành hành động. Công nghệ và đổi mới tân tiến nhất có thể giúp dự đoán và phối hợp với các động lực phát triển liên tục của ĐBSCL và những thách thức từ bên ngoài.

“Để đẩy nhanh việc đưa Nghị quyết 120 từ chính sách thành thực tiễn, đã đến lúc kết thúc việc hoạt động như cũ và xây dựng thể chế mạnh mẽ, hỗ trợ thực hiện hiệu quả, thúc đẩy đổi mới, sử dụng thông tin hiện có và huy động sự tham gia của các bên liên quan”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.