Đề xuất phát hành trái phiếu năng lượng cho điện than

Nguyễn Cảnh - 09:46, 23/12/2021

TheLEADERĐại diện Ngân hàng MB đề xuất cần có cơ chế tài chính riêng để phát triển các dự án điện than.

Đề xuất phát hành trái phiếu năng lượng cho điện than
Đại diện MB đề xuất cơ chế riêng về tài chính để làm các dự án điện than (ảnh: Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nguồn: evn.com.vn)

Ông Phạm Như Ánh, thành viên ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đề xuất, trước khi đưa ra phương án phát hành trái phiếu năng lượng để xây dựng các dự án điện than, ông Ánh nhấn mạnh quan điểm: vẫn cần phát triển điện than trong bối cảnh chuyển tiếp sang quy hoạch điện VIII thời gian tới đây.

Ông Ánh lý giải, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời (dù phát triển mạnh mẽ) vẫn chưa thể thay thế ngay được điện than. Đồng thời, đây cũng chính là nguồn điện giúp Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn chuyển tiếp từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (còn gọi là Quy hoạch điện VII) sang Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính trên thế giới đã và đang dừng cho vay điện than. Trong khi đó, khoảng một nửa các ngân hàng trong nước cũng vướng các quy định, cam kết quốc tế về cho vay điện than. Vì vậy, làm thế nào để các nhà máy điện than có thể huy động được vốn là vấn đề được ông Ánh nêu lên.

Ông Ánh đề xuất cơ chế riêng về tài chính để làm các dự án điện than, trong đó có phương án phát hành trái phiếu năng lượng nhằm huy động vốn từ các doanh nghiệp (không phải định chế tài chính) và các cá nhân, có kỳ hạn từ 10 -15 năm.

Liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo, ngân hàng MB đang có tổng dư nợ và cam kết cho vay khoảng 50.000 tỷ đồng cho các dự án điện gió, điện mặt trời. Các dự án năng lượng tái tạo hiện nay cơ bản có quy mô nhỏ, từ 100 - 200MW, phù hợp với năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo thu hút được đông đảo các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia.

Tuy nhiên, cũng theo ông Ánh, trong lĩnh vực điện gió, có khoảng 7 tỉ USD đang trong trạng thái ‘chơi vơi’. Trong số này, các ngân hàng góp tới 4 tỉ USD (cho vay khoảng 70% tổng vốn đầu tư dự án). Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến các dự án rơi vào cảnh đình trệ ít nhất khoảng 4 tháng (bao gồm 2 tháng do logistics và 2 tháng do hạn chế vận tải trong nước).

Cứ mỗi ngày trôi qua, khoản tiền 7 tỉ USD của nhà đầu tư và các ngân hàng không sinh lời. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khó giải ngân với các dự án chưa có COD. "Chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao", ông Ánh lo lắng.

Trước bối cảnh này, đại diện MB cho rằng cần có tháo gỡ để các dự án này sinh ra dòng tiền, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và các nhà đầu tư có bức tranh tài chính sáng hơn. Đề nghị Bộ Công thương cần có cơ chế gia hạn tối thiểu 4 tháng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thông thường, trước khi quyết định đầu tư dự án, các phương án, kịch bản và tình huống đầu tư đều được đưa ra tính toán. Song có tình huống mà nhà đầu tư không thể tính được là sau thời điểm hết ưu đãi giá FIT, cơ chế giá mới sẽ ra sao. Đây chính là điểm bất cập trong chính sách đầu tư hiện tại khi cơ chế cho năng lượng tái tạo bị ‘đứt mạch’.

Chính sách đưa ra không nên dừng đột ngột. Trước khi quyết định này hết hiệu lực, trước đó tối thiểu 3 tháng, cơ quan quản lý cần đưa ra cơ chế tiếp theo để nhà đầu tư tính toán. Cách làm cứ "on - off" sẽ rất khó cho nhà đầu tư, ông Ánh cho biết.

Trước đó, tại tọa đàm về "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững", nhiều ý kiến của giới chuyên gia đã nhận định nhiệt điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng đối với hệ thống điện.

Cụ thể, theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, hiện xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, trong đó điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều. 

Với Việt Nam, việc chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn cần phải có lộ trình, nghiên cứu thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ... Do đó, cần phải tỉnh táo và cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản nhìn nhận, hệ thống năng lượng điện của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với thế giới và mục tiêu đặt ra phải đảm bảo cung ứng đủ phụ tải. Vì vậy, điện than vẫn là loại hình năng lượng quan trọng. Tất nhiên, trong tương lai, điện gió, điện mặt trời, hydro sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Xu hướng của thế giới chuyển dần từ điện than sang điện khí, năng lượng tái tạo như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu,… nhưng cần rất lưu ý khi nào thì Việt Nam làm được. 

Các nhà máy nhiệt điện tại Mỹ đã vận hành 40 năm, đủ khấu hao và có thể chuyển đổi; còn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, các nhà máy vận hành trong 10-15 năm cần phải tính toán chuyển đổi thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội,… 

Ngoài ra, muốn chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ tích trữ là điều bắt buộc đi kèm.