Doanh nghiệp đối mặt khó khăn chất chồng

An Chi - 11:19, 02/06/2023

TheLEADERCác đại biểu Quốc hội nhìn nhận doanh nghiệp Việt đang đối mặt với vô số thách thức nan giải, rất cần được Chính phủ hỗ trợ kịp thời hơn nữa.

Doanh nghiệp đối mặt khó khăn chất chồng
Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp

Những "bất thường" trong hoạt động của các doanh nghiệp

Dẫn số liệu về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn tỉnh Hà Nam cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 77 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Theo bà Hiền, đây là con số "bất thường", rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. "Đây là điều chưa từng thấy". 

Số liệu thống kê từ năm 2020 khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp đến nay cho thấy số doanh nghiệp gia nhập thị trường hàng năm luôn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. 

Mặt khác, con số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là một mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp năm 2022, 10.000 vào năm 2021.

Nguy hiểm hơn, bà Hiền nhận định, điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm. Đây vốn là thời điểm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh. Điều đó chứng tỏ, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn rất lớn. 

Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, bà Hiền cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ để tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp, vượt qua khó khăn.

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn TP. Hà Nội cũng nêu thực trạng các doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn chất chồng, rất cần được quan tâm, hỗ trợ. 

Theo ông Lộc, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với vô số thách thức nan giải. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Trong khi đó, phần "chìm của tảng băng" chính là các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng đang gặp phải khó khăn rất lớn, buộc phải cầm cự, thu hẹp quy mô.... Đằng sau họ là người dân lao động, các gia đình, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế mà còn cả đối với an sinh xã hội.

Vị đại biểu này chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thị trường. Thị trường trong nước và thế giới suy giảm do tăng trưởng chậm lại đã dẫn đến lượng hàng tồn kho gia tăng, doanh nghiệp không bán được hàng. Kéo theo đó là thiếu khả năng thanh khoản, nợ đọng tăng cao, gây tác động dây chuyền rất lớn. 

Thị trường thế giới đang rất khó khăn, nên việc tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức. Các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng. Còn với thị trường trong nước, trong những tháng qua, dù có tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng, tuy nhiên, vẫn còn trong xu thế suy giảm, ông Lộc nhận định.

Trước những thách thức rất lớn đang đặt ra với hoạt động doanh nghiệp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn tỉnh Nam Định phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt tài sản để có dòng tiền duy trì hoạt động, phần lớn các bên mua lại là doanh nghiệp nước ngoài có nhiều tiềm lực.

Bà Hoa cho rằng, tình trạng này rất đáng lo ngại, nhất là khi các doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ để phát triển nền kinh tế. Các doanh nghiệp không thể hồi phục và phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế cũng sẽ không thể hồi phục tích cực. 

Dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Để hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần sử dụng các hai biện pháp quan trọng là giảm thuế và thúc đẩy thị trường phát triển.

Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 để hỗ trợ các doanh nghiệp. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào hoạt động sản xuất. 

Hiện ngân sách nhà nước có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách này, thậm chí với quy mô rộng hơn. Đánh giá cao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thời gian qua cho thấy, dư địa chính sách tài chính cho đến nay còn rất nhiều, do vậy, cần mở rộng chính sách tiền tệ để yểm trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, Chính phủ cần kích cầu thị trường trong nước và xúc tiến, kết nối tìm kiếm các thị trường quốc tế, coi đây cũng là giải pháp quan trọng giúp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Hoa cũng cho rằng, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, phương án của Chính phủ là kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn. Trong khi đó, khó khăn thách thức trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, Chính phủ cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp có nguồn vốn để phục hồi, phát triển.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Trần Chí Cường, đoàn TP. Đà Nẵng, Chính phủ cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt các thủ tục cho doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt.