Doanh nghiệp hiến kế để Việt Nam chuyển đổi số xanh

Việt Hưng - 11:51, 15/06/2023

TheLEADERNhững nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ mới như AI, Blockchain, tự động hoá được các doanh nghiệp kì vọng sẽ tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quyết tâm chuyển đổi số xanh của người đứng đầu

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới, nhiều thành quả.

Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên các lĩnh vực với những khía cạnh chủ yếu.

Trong đó, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tổng thể, vừa bao trùm.

Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển mà trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số.

Đồng thời, các cấp, ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số, tăng trưởng xanh.

Doanh nghiệp hiến kế để Việt Nam chuyển đổi số xanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023

Thủ tướng nhấn mạnh, là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam với rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ cách mạng công nghệ lần thứ tư. Đó là, có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo; hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện.

Vì vậy, theo Thủ tướng, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh hạnh phúc.

Đột phá kinh doanh bằng sức mạnh công nghệ

Góp mặt tại diễn đàn, ông Sarat Kumar Saikia - Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị rủi ro và tài chính - Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong chuỗi giá trị sản xuất.

Quá trình vận hành nhà máy sản xuất và cung ứng sản phẩm tiêu tốn thời gian và chi phí. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận khoản vay ngân hàng, dẫn tới tình trạng 12,5% doanh nghiệp chấp nhận hình thức vay nặng lãi (tín dụng phi chính thức). Ngân hàng cũng mong muốn có những kênh kết nối, tiếp cận tới doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả.

Do đó, FPT IS đã phát triển Hệ sinh thái tài chính số eTradevn ứng dụng Blockchain giúp kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, giải quyết bài toán tổng thể về tài trợ vốn trong giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp.

Giải pháp giúp số hóa toàn trình chuỗi hoạt động tài trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam, giúp tăng tốc giao dịch, giảm 90% thời gian chuyển giao giấy tờ, 50% thời gian xử lý tác nghiệp của nhân viên ngân hàng, tăng 3 lần năng suất và hiệu quả công việc.

Doanh nghiệp hiến kế để Việt Nam chuyển đổi số xanh 1
Ông Sarat Kumar Saikia - Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị rủi ro và tài chính - Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS)

Trong khi đó, ông Dương Lê Minh Đức - Phó Giám đôc Trung tâm AI - FPT Smart Cloud cho rằng, AI sẽ là năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong thời đại số.

Tại Việt Nam, AI cũng đang được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh mẽ, tập trung trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. FPT có bộ giải pháp FPT.AI đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, từng bước tạo ra những thay đổi vượt trội, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong thời đại số.

Nói về định hướng đầu tư nghiên cứu AI của FPT để thúc đẩy chuyển đổi số, ông Lê Vũ Minh - Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số - FPT Digital cho biết, FPT đầu tư rất lớn vào nghiên cứu, cử những kỹ sư hàng đầu tham gia những chương trình mới và mời chuyên gia trên thế giới để giúp công nghệ Việt Nam có vị thế tốt hơn.

FPT cũng đầu tư phát triển các trường đại học, với các khoa giảng dạy về trí tuệ nhân tạo, trung tâm tại Quy Nhơn với quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỷ để xây dựng đội ngũ kỹ sư trí tuệ nhân tạo chất lượng cao, ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. 

Năng lượng xanh là một hệ sinh thái

Nói về các giải pháp công nghệ điện mặt trời cho Việt Nam, ông Lê Nho Thông - Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghệ Năng lượng số của Huawei Việt Nam chỉ ra 3 yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng tượng từ "tài nguyên thiên nhiên" sang "đổi mới sáng tạo công nghệ".

Đó là sự đồng hành chặt chẽ trên toàn cầu trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon; đảm bảo an ninh năng lượng để đạt được mục tiêu độc lập năng lượng; và những tiến bộ của công nghệ mang lại giá trị kinh doanh.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, Huawei Digital Power đã triển khai các giải pháp năng lượng số tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ 1/3 dân số thế giới.

Doanh nghiệp hiến kế để Việt Nam chuyển đổi số xanh 2
Ông Lê Nho Thông - Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghệ Năng lượng số của Huawei Việt Nam

Năm 2022, mảng kinh doanh công nghệ năng lượng số được tập đoàn nâng lên tầm cao mới với khi xuất xưởng được tổng công suất lắp đặt lên tới 90,7 GW bộ điều khiển điện mặt trời trong đó phân bổ: 56,6GW cho ngành tiện ích cơ bản (nhà máy điện, nước, khí đốt…), 24,7 GW cho ngành công nghiệp và thương mại cùng 9,4GW cho dân dụng. 

Ông Thông cho biết, đến năm 2022, Huawei đang nắm giữ 30% thị phần toàn cầu của thị trường hệ thống điều khiển điện mặt trời thông minh (Smart PV Controller), với tổng công suất lên tới 300GW.

Năm 2022, bộ lưu trữ năng lượng chuỗi thông minh (Smart String ESS) của Huawei cũng chiếm 14% thị phần toàn cầu và tỷ lệ doanh số bán hàng của các đối tác tăng lên 77% so với 65% của năm 2021.

Các giải pháp công nghệ năng lượng số của Huawei đã góp phần sản xuất ra 7.695 tỷ kWh điện xanh, giảm phát thải 3,5 triệu tấn carbon - tương đương với việc trồng 4,8 tỷ cây xanh - đóng góp to lớn vào tương lai chuyển đổi năng lượng xanh và thông minh hơn của thế giới.

Ông Thông nhấn mạnh, nếu 10 năm trước ngành điện mặt trời phát triển công nghệ chuỗi thông minh, thì công nghệ lưu trữ thông minh (ESS) sẽ được ứng dụng rộng rãi trong 10 năm tới. Sự kết hợp của điện mặt trời và bộ lưu trữ thông minh (ESS) sẽ tăng tốc đưa điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính trong tương lai.

Trong khi đó, tổ hợp "Điện mặt trời - Bộ lưu trữ thông minh (ESS) - Lưới điện - Nhà máy điện ảo" sẽ tạo ra các siêu nhà máy phát điện mặt trời thông minh.