Doanh nghiệp tiếp tục tăng tiền gửi ở ngân hàng

Trần Anh - 17:28, 23/07/2021

TheLEADERTiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước những rủi ro kinh tế mà đại dịch mang lại, nhiều doanh nghiệp chọn phương án phòng thủ khi giảm hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh tích trữ tiền mặt.

Ngân hàng Nhà nước vừa thống kê tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) trong 5 tháng đầu năm 2021. Tính đến hết tháng 5, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm.

Tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và đạt hơn 5 triệu tỷ đồng.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,05%, thấp hơn mức tăng 2,34% của khu vực dân cư. Riêng trong tháng 5, doanh nghiệp đã gửi thêm 59.121 tỷ đồng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi tăng thêm vào hệ thống.

Trong gian đoạn 2015 trở về trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư luôn cao hơn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp hàng năm đã vượt nhóm dân cư.

Nếu năm 2012, tiền gửi của dân cư chiếm khoảng 57% trong tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 51%.

Kể từ năm 2020, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh hơn hẳn so với tiền gửi của người dân. So với đầu năm năm 2020, tiền gửi của dân cư tại các TCTD đến cuối tháng 5/2021 chỉ tăng 9,2% trong khi tiền gửi của doanh nghiệp đã tăng tới 27,1%.

Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước những rủi ro kinh tế mà đại dịch mang lại, nhiều doanh nghiệp chọn phương án phòng thủ khi giảm hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh tích trữ tiền mặt.

Trong khi đó, việc lãi suất huy động liên tục giảm xuống mức kỷ lục thời gian qua khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi tiền tiết kiệm.

Thống kê của NHNN từ đầu năm 2020, cơ quan này đã giảm tổng cộng 150-200 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành, giảm 60-100%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. 

Lãi suất tiền gửi bằng VND hiện ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường cũng giảm mức tương đương 150-200 điểm cơ bản. 

Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa chỉ 4%/năm theo quy định của NHNN. Đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất cao nhất là 7%/năm, thấp nhất là 5%/năm, kém xa so với giai đoạn trước đó.

Lãi suất thấp khiến dòng tiền trong dân dịch chuyển sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng hơn như chứng khoán, bất động sản.

Theo số liệu của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với năm 2020, nhiều hơn cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại.

Lĩnh vực bất động sản cũng sốt trong thời gian qua, ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.