Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có cơ hội làm tuyến cao tốc Bắc - Nam

An Chi - 16:47, 05/06/2019

TheLEADERTheo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam. Các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có cơ hội tham gia thực hiện dự án này.

Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có cơ hội làm tuyến cao tốc Bắc - Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình tiêu biểu của thế hệ hôm nay để lại cho con cháu hàng trăm năm sau.

Ông Nghĩa cho rằng, với dự án cao tốc Bắc Nam, nếu có cách làm tốt sẽ huy động được nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước và người dân thông qua phát hành trái phiếu, qua đó giảm gánh nặng nợ nước ngoài.

Trong khi đó, nếu lựa chọn các nhà thấu nước ngoài, "Chính phủ có biện pháp gì để bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn nhà thầu dựa vào giá rẻ, sau đó đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém", ông Nghĩa chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự án cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm quốc gia, lấy chất lượng làm hàng đầu. Bộ sẽ kiểm soát các đơn vị tư vấn, thi công chặt chẽ ngay từ đầu. "Công trình trọng điểm quốc gia mà kém chất lượng thì rất nguy hiểm", ông Thể nói.

Đây là dự án lớn, trọng điểm cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Thậm chí, bộ sẽ kiến nghị Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài giám sát, lập hồ sơ mời thầu, cho ý kiến về hồ sơ mời thầu, cố gắng thực hiện công tác đấu thầu thu hút được những doanh nghiệp có năng lực.

Cũng theo bộ trưởng, ngân sách, nguồn lực trong nước đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án BOT giai đoạn trước nên nguồn lực rất hạn chế. Tín dụng ngân hàng đã đầu tư nhiều dự án BOT, nhiều doanh nghiệp trong nước có khó khăn về nguồn vốn, tín dụng.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đấu thầu cao tốc Bắc Nam, ông Thể khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước nên liên doanh 3 – 4 doanh nghiệp trong nước thành một đơn vị.

Như thế các doanh nghiệp sẽ có thể có được tài chính bảo đảm 20% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và thu xếp các nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có cơ hội tham gia thực hiện dự án. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài. Dự án đấu thầu quốc tế, các doanh nghiệp trong và người nước đều có thể liên doanh, liên kết với nhau.

"Tôi tin rằng với dự án này, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được. Đáng mừng là, hiện bộ đã bán được 81 hồ sơ, có 34 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài, 24 doanh nghiệp trong nước. Tiến độ bán hồ sơ vẫn tiếp tục, Bộ Giao thông vận tải sẽ cố gắng để tháng 8 mở thầu sơ tuyển", ông Thể cho hay.

Về vấn đề này, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, trong thời gian tới, ngành giao thông phải khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh tiến độ dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu đầu tư cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ năng lực, trình độ. Nếu lựa chọn các nhà nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài, các đơn vị này phải có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng nhằm tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2017, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52 thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. 

Dự án được chia thành 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, ba dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (BOT) sẽ được đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. 

Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước góp 55.000 tỷ đồng để đầu tư ba dự án công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn vào các dự án PPP.