5 dự án đường sắt đô thị đội vốn hơn 80 nghìn tỷ đồng do đâu?

Minh Anh - 14:33, 05/06/2019

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn là do chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư còn nhiều yếu kém.

5 dự án đường sắt đô thị đội vốn hơn 80 nghìn tỷ đồng do đâu?
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Báo cáo gửi Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã nêu chi tiết thực trạng đầu tư, xây dựng cơ bản các dự án giao thông, điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM. 

Trong đó, năm dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đều chậm tiến độ, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Số liệu cập nhật tới cuối tháng 3/2019, lượng vốn tăng thêm của các dự án này gần 81.050 tỷ đồng. Con số này giảm trên 3.760 tỷ đồng so với dữ liệu được Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu tại một báo cáo về quản lý, sử dụng vốn ODA hồi tháng 8/2018.

Hai dự án đường sắt đô thị TP. HCM là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương có số vốn đội nhiều nhất hơn 51.710 tỷ đồng. Trong khi đó, ba dự án đường sắt đô thị của Hà Nội gồm: Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi có số tiền đầu tư tăng thêm so với phê duyệt ban đầu lần lượt là 14.052 tỷ, 9.232 tỷ và 5.602 tỷ đồng.

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 5/6 về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, ông Thể cho rằng, vừa qua thanh tra bộ đã thanh tra tất cả dự án được phản ánh về chất lượng, các cơ quan chức năng khác cũng vào cuộc.

Bộ trưởng Giao thông lý giải nguyên nhân khiến nhiều dự án đường sắt đô thị đội vốn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VGP

Về việc nhiều dự án giao thông chậm tiến độ, theo ông Thể, nguyên nhân khách quan là do khâu giải phóng mặt bằng, bố trí vốn cho dự án không kịp thời, trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ.

Về việc nhiều dự án đường sắt đô thị bị đội vốn, Bộ trưởng Thể cho rằng, chất lượng việc lập, thẩm định dự án đầu tư kém là nguyên nhân chính dẫn tới việc đội vốn các dự án. 

Riêng các dự án đường sắt đô thị là loại hình mới, thực hiện theo công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008. Trong khi đó, thời điểm này, nền kinh tế diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ 2009 đến 2013 trượt giá 49%.

Do thiếu kinh nghiệm, các tư vấn lập dự án đã tính toán tổng mức đầu tư chưa sát với thực tế. Điều này dẫn tới việc dự án phải điều chỉnh nhiều nội dung không phù hợp với thiết kế cơ bản ban đầu như mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm, kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao, bổ sung kết cấu nhà ga ngầm.

Ngoài ra, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư cũng dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Trách nhiệm của việc đội vốn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ, thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.

"Trước sự quan tâm của dư luận, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra tất cả dự án đội vốn; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", ông Thể nhấn mạnh. 

Về việc chậm tiến độ của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định. 

Quá trình triển khai dự án, tổng thầu xây dựng đường sắt tốt, nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành.

Hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã thuê một số tư vấn nước ngoài, trong đó đơn vị tư vấn của Pháp đứng đầu để đánh giá an toàn hệ thống của dự án. 

Khi 1% phần việc còn lại của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được hoàn thành và dự án được chứng nhận tất cả các thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống, dự án mới có thể đi vào vận hành thương mại, ông Thể cho hay.