Đọc vị người mua xe điện

Tùng Anh - 15:50, 16/06/2023

TheLEADERDù có truyền thông về tính cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, xu hướng chuyển sang xe điện phần lớn xuất phát dựa trên quan điểm cho rằng lựa chọn này sẽ giúp cắt giảm chi phí vận hành xe.

Đọc vị người mua xe điện
Nhiều người mua xe điện vì tiết kiệm được chi phí vận hành xe

Làm công việc nghiên cứu ở một tổ chức quốc tế lớn có văn phòng tại trung tâm thành phố Hà Nội, anh Hùng trước đây vẫn thường đi xe đạp đến cơ quan do cách nhà không quá xa. Sau khi cưới vợ và chuyển về sinh sống ở khu Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), vợ chồng anh quyết định mua ô tô để đi lại cho thuận tiện vì đường vào trung tâm thành phố khá xa xôi.

Làm trong lĩnh vực về phát triển bền vững, vợ chồng anh quyết định mua một chiếc xe điện vì có cùng lo ngại vấn đề biến đổi khí hậu đang trở nên ngày một trầm trọng hơn.

Tại Việt Nam, theo một khảo sát mới nhất của Deloitte, lý do lo ngại về biến đổi khí hậu như vợ chồng anh Hùng không phải là ưu tiên hàng đầu khi đưa ra quyết định mua xe điện. Xu hướng chuyển sang xe điện phần lớn xuất phát dựa trên quan điểm cho rằng lựa chọn này sẽ giúp người tiêu dùng cắt giảm chi phí vận hành xe.

"Chi phí nhiên liệu thấp hơn" cũng là động lực hàng đầu của phần lớn người mua xe điện ở khu vực Đông Nam Á. Sự quan tâm đến xe điện đang gia tăng trên khắp khu vực khi người tiêu dùng phải chịu áp lực từ tình trạng siêu lạm phát và tìm cách giảm chi phí vận hành.

Deloitte nhận định, có sự dịch chuyển trong nhu cầu sử dụng xe ô tô động cơ đốt trong sang các loại xe điện. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, với tỷ lệ người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên dòng xe động cơ đốt trong là 49%, sau Singapore (34%) và Thái Lan (36%). Dù vậy, nếu có giải pháp nhiên liệu bền vững với môi trường cho động cơ đốt trong, một lượng lớn người có dự định mua xe điện sẽ cân nhắc lại quyết định của họ.

Đọc vị người mua ô tô điện
Phản hồi cho câu hỏi "có suy nghĩ lại về việc mua xe điện nếu có giải pháp nhiên liệu bền vững với môi trường cho động cơ đốt trong". Nguồn: Deloitte

Hai dòng xe điện được người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc nhiều nhất cho chiếc xe tiếp theo là xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe thuần điện (BEV).

Một số động lực khác để người tiêu dùng Việt Nam quyết định mua xe điện có thể kể đến theo thứ tự là: quan tâm đến sức khỏe cá nhân, trải nghiệm lái xe tốt hơn, khả năng sử dụng xe làm nguồn pin/điện dự phòng, các gói khuyến khích/kích cầu của chính phủ, bảo trì ít hơn...

Ở tất cả thị trường Đông Nam Á, người tiêu dùng dựa vào nhận thức về chất lượng sản phẩm để đưa ra quyết định mua hàng. Tại Việt Nam, tính năng xe và hình ảnh thương hiệu là những yếu tố quan trọng kế tiếp.

Minh bạch về giá là ưu tiên quan trọng nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam khi mua xe. Điều này cũng tương đồng với người tiêu dùng ở các thị trường khác trong khu vực khi nói về kỳ vọng trong trải nghiệm mua xe.

Sự ưa chuộng các nhà cung cấp chính hãng là nơi cung cấp dịch vụ chính phản ánh rõ ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á do nhận thức về chất lượng công việc và sự tin tưởng. Việt Nam khác hơn một chút khi những nhà cung cấp dịch vụ hậu mãi chiếm thị phần gần như ngang bằng nhà cung cấp chính hãng trên thị trường dịch vụ xe do các yếu tố: chất lượng công việc, chi phí và sự tiện lợi.

Chia sẻ về địa điểm dự định sạc xe điện thường xuyên nhất, hơn một nửa trong số 330 người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sạc tại nhà; 28% lựa chọn các điểm sạc công cộng và 17% chọn nơi làm việc.

Tuy nhiên, lắp đạt bộ sạc tại nhà lại là một thách thức lớn. Phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam không có nhu cầu lắp đặt sạc tại nhà do các rào cản trong việc lắp đặt cũng như chi phí.

Bên cạnh đó, ngoại trừ Singapore với mối lo ngại lớn nhất là thời gian sạc, người tiêu dùng thường lo ngại nhất về việc thiếu cơ sở vật chất sạc điện công cộng. Điều này mở ra cơ hội cho việc nâng cấp cũng như lắp đặt các trạm sạc công cộng.

Lúc này, việc giúp người sở hữu xe điện thanh toán dễ dàng khi sử dụng sạc công cộng có vai trò vô cùng quan trọng khi đưa vào áp dụng tổng thể và tạo nên điểm khác biệt chính để các cơ sở vận hành trong hệ thống củng cố vị thế của họ trong thị trường siêu cạnh tranh. Tại Việt Nam, phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất khi sạc xe điện ở nơi công cộng là qua ứng dụng điện thoại với tỷ lệ người đồng tình là 60%.

Theo Deloitte, việc cho rằng thời gian sạc xe điện cần phải tương xứng với thời gian đổ đầy bình nhiên liệu hóa thạch là nói quá khi người tiêu dùng ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á sẵn sàng chờ lâu hơn 10 phút để nạp năng lượng.

Khi người tiêu dùng sẵn sàng dành nhiều thời gian tại các trạm sạc, nhà cung cấp dịch vụ có thể tập trung vào các tiện nghi như đồ uống, kết nối Wi-Fi, phòng chờ và phòng vệ sinh.

Ngoài ra, báo cáo của Deloitte cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để có thể truy cập tính năng “cập nhật về tình trạng tắc nghẽn giao thông và đề xuất tuyến đường thay thế” và “cập nhật để cải thiện an toàn giao thông và ngăn ngừa va chạm”.