Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi!

Hường Hoàng - 08:00, 24/01/2023

TheLEADERTháng 5/2022, Viettel có thêm 2 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ, nâng tổng số bằng sáng chế tại thị trường này lên 12. Đây là hai bằng sáng chế thuộc lĩnh vực quang điện tử và công nghiệp vật liệu, có ý nghĩa quan trọng đối với Viettel nói riêng và an ninh quốc phòng toàn dân nói chung.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi!
Viettel là doanh nghiệp có nhiều bằng sáng chế nhất tại Việt Nam (Ảnh: Viettel Telecom)

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Đến nay, Viettel đã được cấp tất cả 58 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 12 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Viettel là doanh nghiệp Việt có nhiều bằng sáng chế nhất tại hai thị trường này.

Các sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ đã minh chứng được năng lực tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi, chế tạo công nghệ cao. Mỹ là quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ, vì vậy những bằng sáng chế do Mỹ cấp được coi là vật chứng bảo đảm cho thành công của doanh nghiệp khi tiến bước vào thị trường quốc tế.

Có được những bằng sáng chế này đều là nhờ vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo của Viettel trong vòng 34 năm qua. Từ một doanh nghiệp xây lắp công trình viễn thông, Viettel đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi!
Viettel được cấp tất cả 12 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ (Ảnh: USPTO)

Năm 2022, Viettel là thương hiệu viễn thông giá trị nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trên toàn thế giới. Để có được những thành tựu đó, Viettel không chỉ dừng chân ở thị trường nội địa, mà còn tiên phong đưa những sản phẩm, dịch vụ của mình xuất khẩu ra ngoài thế giới.

Ngoài Viettel, một số tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đang không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tiên phong. Cụ thể, FPT tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia. Vingroup đang mở ra những con đường mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y học và môi trường.

Đặc điểm nổi bật của những doanh nghiệp này đó là họ đang đi trên những con đường mới, khó đi, gập ghềnh, vừa tốn nguồn lực lại không chắc chắn về hiệu quả so với những con đường đã cũ. Do đó, đây là những doanh nghiệp đã và đang gặt hái những thành quả mà không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được!

Họ chính là những “viên đá dò đường” đầy bản lĩnh, thúc đẩy bản thân doanh nghiệp nói riêng và những cá nhân, doanh nghiệp khác nói chung đổi mới sáng tạo, đưa nước ta đến những ngày tươi sáng mới.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi!

Năm 2009, với mức thu nhập bình quân 1.110 USD/người, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức đưa Việt Nam vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình (từ 1.000-12.000 USD). Cho đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.560 USD.

Điều này có nghĩa là sau hơn 10 năm, mặc dù tăng mạnh, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức thu nhập trung bình.

Thực tế, nhiều nền kinh tế ở châu Á đã nhanh chóng chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chỉ có một số ít như Đài Loan, Hàn Quốc bứt phá và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thành công. Còn lại, hàng loạt quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines vẫn mãi loanh quanh, không thể vượt lên được, duy trì mức thu nhập trung bình sau nhiều thập kỷ.

Điều này phổ biến đến mức nhà kinh tế người Nhật Kenichi Ohno gọi bẫy thu nhập trung bình là cái “trần thủy tinh” của các nước Đông Nam Á.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 1
Vingroup là một trong những tập đoàn lớn của Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực xe điện (Ảnh: Bitcar)

Để tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần những doanh nghiệp, những tổ chức, cá nhân tiên phong, sẵn sàng đổi mới sáng tạo như Viettel, Vingroup, FPT... Bởi chỉ có đổi mới sáng tạo mới giúp Việt Nam phát triển yếu tố con người, xây dựng nền kinh tế trí thức, thúc đẩy công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ đó tạo ra giá trị gia tăng lớn trong chuỗi giá trị.

Trong khi đó, cùng với xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đang bước vào thời đại công nghiệp 4.0 – thời kì mà những thành tựu mới trong khoa học công nghệ có thể đạp đổ tất cả những thành tựu đã cũ.

Hệ thống vệ tinh Starlink của Elon Musk rồi đây sẽ thay thế dần những hệ thống viễn thông 5G, 6G mà nhiều nước nỗ lực phát triển trong những năm qua. Hay hệ thống lưu trữ đám mây đã, đang và sẽ thay thế những ổ nhớ có dung lượng nhiều Terabyte trên máy tính.

Vì vậy, đây là thời cơ có một không hai mà Việt Nam cần phải nắm lấy. Với cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các quốc gia trên thế giới đều công bằng với nhau về khả năng tiếp cận và phát triển công nghệ. Với nguyên liệu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bằng công cụ đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể tiến những bước dài trên con đường phát triển.

TS. Lê Anh Ngọc, Giám đốc Swinburne Innovation Space đã từng nhận định: “Chúng ta đang nói về những công nghệ lõi để tạo ra một bức tranh hội tụ và sáng tạo. Sự thật là cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh, không một quốc gia nào bỏ qua cơ hội này. Với Việt Nam - một nước đang phát triển, đây là cơ hội duy nhất để vượt lên”.

Nếu bỏ qua thời kỳ này, Việt Nam có nguy cơ bị sa lầy vào những hoạt động sản xuất dễ dãi và tụt lại phía sau. Nếu mãi tận dụng những nguồn lực cũ như nguồn nhân lực giá rẻ và những chính sách thuận lợi để kêu gọi đầu tư, các doanh nghiệp FDI lớn như Apple, Samsung… sẽ sớm rời bỏ Việt Nam để đến với những thị trường rẻ hơn.

Vì vậy, tất cả các thành phần trong nền kinh tế không thể đứng ngoài. Nhà nước, doanh nghiệp, các viện, trường đào tạo, các cá nhân cần phải nhận thức rõ nét về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo để có thể tận dụng được cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả nhất.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 2
Momo là một trong những kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam (Ảnh: Momo)

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” mới xuất hiện lần đầu tiên tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tuy nhiên, khái niệm này đã được Đảng và nhà nước ta quan tâm dưới nội hàm ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội từ Đại hội VI (năm 1986).

Sau 36 năm đổi mới, với Việt Nam, định nghĩa “đổi mới sáng tạo” đã biến chuyển với những hàm ý khác biệt hoàn toàn: Từ làm sao để có thể áp dụng được khoa học công nghệ của nước ngoài vào sản xuất và kinh doanh trong nước thành tự xây dựng và phát triển công nghệ, sản phẩm, quy trình có hàm lượng tri thức cao.

Trong quá trình đó, tuy mới hình thành kể từ năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam, đang ngày càng trở nên sôi động.

Một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm những cấu phần sau: các startup, các định chế tài chính cung cấp vốn, các cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hệ sinh thái khởi nghiệp, những cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ startup (Incubator, Accelerators, Coworking Space), cũng như các sự kiện và truyền thông về startup.

Theo đó, đến nay, về cơ bản, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tương đối trọn vẹn.

Thứ nhất, theo số liệu của NSSC (Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia về hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), trong năm 2022, có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.

Theo dự đoán của ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, năm 2022, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2021, cao gấp 2,3 lần so với con số kỷ lục của năm 2019 là 874 triệu USD.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam liên tục xếp ở vị trí thứ 3 về tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp từ năm 2019 đến nay. Theo Báo cáo của NIC, vốn rót vào startup Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020.

Thứ hai, về các doanh nghiệp startup, theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2022 là 125.821 doanh nghiệp, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có tất cả 4 kỳ lân gồm: MoMo (2021), Sky Mavis (2021), VNG (2014) và VNLIFE (2019); và 6 cận kỳ lân bao gồm: Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Trusting Social, KyberSwap, Kiot Viet, Amanotes và Giao hàng nhanh. Điều này minh chứng cho tính hiệu quả của cơ chế, chính sách và sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp Việt.

Thứ ba, về số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam, tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng. Hầu hết đây là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở thế hệ sau. Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thần như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel, Angel4us…

Thứ tư, về cơ sở vật chất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 200 khu làm việc chung (co-working space) và còn đang tiếp tục mở rộng, đáp ứng cả nhu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật và nhu cầu đào tạo, kết nối của các startup, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn.

Thứ năm, về hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với quốc tế. Hiện tại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp được thể hiện ở một số chương trình như: chương trình IPP (được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan), hay cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel” (do Bộ KH&CN hợp tác với Đại sứ quán Israel tổ chức) nhằm lựa chọn những startup tiêu biểu tham gia chuyến học hỏi kinh nghiệm thực tế ở Israel….

Những hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (TECHFEST) thường niên do Bộ BH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức cùng các tổ chức chính trị – xã hội và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã góp phần phát triển cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam và khu vực.

Tóm lại, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái đó đều đã có những bước phát triển vượt bậc, với số lượng và chất lượng ngày một nâng cao qua từng năm.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 3
TECHFEST VIETNAM là một trong những chương trình hiệu quả kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam (Ảnh: TECHFEST VIETNAM 2022)

Xu hướng đổi mới sáng tạo

Nhìn chung, trong những năm qua, đặc biệt là trong 2 năm đại dịch COVID-19, xu hướng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam không xa rời xu hướng đổi mới sáng tạo thế giới, với những thành tựu đặc biệt trong 3 lĩnh vực: công nghệ, y tế và môi trường.

Về công nghệ, theo các chuyên gia, trong năm 2022, những công nghệ siêu kết nối như 5G, IoT; cho đến những công nghệ hạ tầng, hay nền tảng xử lý tính toán thông minh như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) tiếp tục là những công nghệ phát triển mạnh tại Việt Nam.

Đây là những công nghệ có xu thế dẫn dắt, tương hỗ lẫn nhau trong tổng thể hệ sinh thái công nghệ số giai đoạn hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Đặc biệt, AI đang trở thành một phần cốt lõi của ngành công nghệ. Hiện Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến 2030, nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thêm vào đó, với sự nở rộ của Blockchain trong lĩnh vực game, tài sản số (NFT), trong năm 2021, công nghệ này lại tiếp tục được các doanh nghiệp, tổ chức thử nghiệm trong năm 2022 ở nhiều lĩnh vực mới như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Hiện nay, tại Việt Nam, một số ngân hàng đã áp dụng thành công công nghệ blockchain trong hoạt động chuyển tiền liên ngân hàng (TPBank, VietinBank, VIB và NAPAS) hay trong giao dịch thư tín dụng (HSBC, BIDV, HDBank, Vietinbank, MBBank và Vietcombank). Song tại Việt Nam, công nghệ blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, nên việc ứng dụng còn nhiều bất cập, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 4
BIDV là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ blockchain trong giao dịch thư tín dụng (L/C) (Ảnh: BIDV)

Đây là những công nghệ đã và đang được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của COVID-19, những năm gần đây, các công nghệ này đang được đẩy mạnh ứng dụng trong các lĩnh vực thiết yếu của con người như giáo dục, y tế, thương mại logistics… hơn bao giờ hết.

Về ngành y tế, trong giai đoạn hai năm COVID-19, với sự chỉ đạo sát sao của nhà nước và sự nhanh nhạy của khối tư nhân, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn đại dịch và đạt được một số thành tựu nhất định, không chỉ hiệu quả tức thì trong đại dịch, mà còn có ý nghĩa quan trọng về sau.

Cụ thể, chỉ chưa đầy 2 tháng từ khi phát hiện bệnh dịch, hàng loạt doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam tuyên bố đã phát triển thành công nhiều loại test kit, góp phần bảo đảm nguồn cung nội địa trong đại dịch.

Đặc biệt, không đứng ngoài cuộc đua vắc-xin toàn cầu, Việt Nam cũng có 3 ứng cử viên là Covivac, ARCT-154 và Nanocovax với tốc độ nghiên cứu nhanh và đánh giá thử nghiệm tương đối tốt.

Tuy nhiên, thời gian qua vì nhiều lý do, tiến độ nghiên cứu các vaccine này còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa vắc xin nào được cấp phép và sử dụng trong thực tế. Dù vậy, những kết quả trên cũng cho thấy mức độ triển khai và nghiên cứu nhanh chóng của nền y tế Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 5
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam có 3 ứng cử viên vaccine sáng giá (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Về truyền thông, thông tin, Bộ Y tế đã thành công triển khai các ứng dụng, tờ khai, sổ tay điện tử để hỗ trợ kiểm soát hệ thống y tế, qua đó tạo nền tảng cho việc số hóa hồ sơ sức khỏe cá nhân của cộng đồng trong tương lai.

Đáng nói, chưa đầy một năm từ khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống khám bệnh từ xa (Telehealth) kết nối 1.000 cơ sở y tế trong cả nước. Đây được đánh giá là bước tiến lớn của ngành y nhằm tận dụng tri thức của các bác sĩ đầu ngành, tuyến trên để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến cơ sở và nâng cao năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở.

Đánh giá ý nghĩa, giá trị của giải pháp này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này. Kết nối Telehealth tới cấp huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế”.

Về môi trường, trong thời gian qua, nhà nước ta đang từng bước khuyến khích phát triển công nghệ môi trường, hướng tới công nghệ xanh, sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và “Giảm phát thải bằng 0 - Net Zero” vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng chính phủ tại COP26.

Đó là những chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các sáng chế, giải pháp tập trung vào công nghệ thanh lọc và quản lý chất thải (xử lý nước thải, rác thải rắn..) và công nghệ năng lượng bền vững (năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng..).

Đây là cơ sở để tin tưởng rằng số lượng đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là những sáng chế liên quan đến công nghệ cao có tính bền vững, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Theo Nikkei Asia, Việt Nam đang thiếu đi một đội ngũ những doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo như của Đài Loan, Hàn Quốc vào thập kỷ 70 trong hành trình trở thành một quốc gia phát triển. Vậy câu hỏi là vì đâu?

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, hệ thống thông tin còn chưa minh bạch, rõ ràng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và nguồn lực, gây trì trệ cho hành trình đổi mới sáng tạo.

Về khu vực tư nhân, nhiều doanh nghiệp tầm cỡ đang còn trong men say chiến thắng với doanh thu lớn, lợi nhuận cao ở những lĩnh vực kinh doanh dễ dàng, dẫn đến đi theo lối mòn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được tiếp cận đủ các nguồn lực để kịp thời tận dụng và phát triển.

Về phía những cơ sở học thuật, các trường đại học, viện nghiên cứu - một trong ba trụ cột chính về đổi mới sáng tạo xã hội - vẫn đang còn loay hoay trong quá trình thương mại hóa, đưa những thành tựu nghiên cứu khoa học của mình ra thị trường. Đây là một lượng thành quả tri thức khổng lồ vẫn đang cần được nền kinh tế khai phá và phát huy.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 6
Hội thảo "Hành trình khám phá bản thân qua sự thấu hiểu về Gen".

Vậy Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy các doanh nghiệp, các cá nhân tích cực đổi mới sáng tạo? Đã tìm ra được vấn đề tức là sẽ có câu trả lời. Chúng ta cần phải cải cách những vấn đề về thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống thông tin, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa những mảnh ghép trong nền kinh tế trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

Không chỉ vậy, để có thể xây dựng và tiếp nối tinh thần đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền về đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Ngày nay, giới trẻ được sinh ra, lớn lên và tiếp cận với những đổi mới sáng tạo hàng ngày. Đây là đối tượng dễ tiếp thu và sẵn sàng thay đổi. Vì vậy, cần định hướng, truyền cảm hứng cho giới trẻ thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo, để mỗi người trẻ hôm nay chính là một hạt giống đổi mới sáng tạo trong tương lai, đưa Việt Nam đi về phía trước.

Để làm được điều đó, chúng ta không thể chỉ cứ hô hào, nói suông. Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà trường phải có những hành động cụ thể, tiên phong để thế hệ trẻ noi theo. Chỉ có làm như vậy, Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp với những con người không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo - con đường Việt Nam nhất định phải đi! 7
FPT tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: FPT)

Cuối cùng, Việt Nam đang mang lợi thế là “một số 0” trên con đường đổi mới sáng tạo. Đây là một lợi thế nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại rất đúng trong một hoạt động đặc thù như đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra cái mới, đập bỏ những cái cũ. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, quá trình phá bỏ này còn diễn ra nhanh và mạnh hơn khiến cho những thành tựu, những cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũ của một doanh nghiệp, quốc gia có thể trở nên hoàn toàn vô tác dụng.

Vì vậy, đối với những doanh nghiệp, quốc gia phát triển nắm trong tay quá nhiều thành tựu từ quá khứ, không phải doanh nghiệp nào, quốc gia nào cũng sẵn sàng thay đổi, đổi mới sáng tạo với tốc độ quá nhanh.

Điển hình, với sự thành công rực rỡ của những chiếc máy ảnh phim, hãng camera Kodak đã không chịu thay đổi sang công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số và cuối cùng bị bỏ lại phía sau. Hay những công nghệ tiên phong trong lĩnh vực xe điện hay điện mặt trời gần đây không đến từ những doanh nghiệp hàng trăm năm tuổi như Ford mà là những doanh nghiệp mới chỉ hơn chục năm tuổi như Tesla. Đó là những bằng chứng cho thấy sự thành công đôi khi có thể níu chân hoạt động đổi mới sáng tạo đến nhường nào.

Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel), ông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhận định, Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 là cuộc cách mạng mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế, trong đó “lợi thế của người đi sau” là một yếu tố quan trọng để Việt Nam đón đầu, sớm hòa nhập vào sự tăng tốc thần kỳ của cuộc cách mạng này.

Những doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia còn nhỏ bé luôn là những đối tượng sẵn sàng đổi mới. Và trong vị thế là một nước đang phát triển, “không có quá nhiều điều để mất”, Việt Nam có nhiều cơ hội để bước những bước đi nhanh chóng và mạnh mẽ trên hành trình đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đang có những thuận lợi và tiềm năng nhất định trong việc tận dụng cuộc cách mạng 4.0 để trở thành một quốc gia khởi nghiệp hùng cường trong tương lai. Và hành trình đổi mới sáng tạo này có thực hiện hiệu quả được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp, các viện, trường đào tạo và mỗi cá nhân chúng ta ngày hôm nay.