Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ: Lo ngại nguy cơ đội vốn đầu tư

An Chi - 08:42, 25/05/2022

TheLEADERTheo nhiều đại biểu Quốc hội, việc dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến tộ sẽ kéo theo chi phí thực hiện bị đội lên. Đây là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh dự án đang có khoảng 171 km vẫn chưa bố trí được vốn để triển khai.

Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ: Lo ngại nguy cơ đội vốn đầu tư
Trong 5 năm (2017 - 2021), dự án đường Hồ Chí Minh chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng.

Đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 từ năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km và dự kiến thông tuyến vào năm 2010.

Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. 

Theo đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với hai làn xe. Qua 18 năm thực hiện hai nghị quyết của Quốc hội, theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh.

Tuy nhiên, tiến độ, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn một số bất cập. Tại chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020, dự án hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. 

Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Đáng chú ý, trong 5 năm (2017 - 2021), dự án chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng. 

Bên cạnh đó, về khả năng cân đối nguồn lực, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. 

Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư. 

Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Trước việc chậm tiến độ so với yêu cầu của dự án đường Hồ Chí Minh, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, khi dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra, cần tính đến kinh phí “đội giá” nguyên vật liệu khi xây dựng đường trong giai đoạn hiện nay.

Theo đại biểu Tráng A Dương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần tính toán đến việc “đội giá” nguyên vật liệu kèm theo chi phí phát sinh, tăng chi phí đầu tư... 

Mặt khác, Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng việc phân kỳ đầu tư cho các giai đoạn để có lộ trình triển khai khẩn trương, thích hợp nhất. Đối với 3 dự án chưa được phân bổ vốn cũng cần tính toán một cách hợp lý để sao cho triển khai được nhanh chóng, hiệu quả. 

Song song với đó, các địa phương thực hiện dự án cũng cần triển khai nhanh chóng và tính toán việc giải phóng mặt bằng, xây dựng chính sách di dân, tái định cư cho người dân đến nơi ở mới.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện chuyển đổi phương thức đầu tư dự án. Theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn La Sơn - Túy Loan thực hiện theo phương thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên đoạn từ Hòa Liên - Túy Loan (dài khoảng 11km) đã phải chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công.

Với phương thức chuyển đổi này, ông Sơn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ hơn lý do chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bộ làm rõ việc chuyển đổi từ hình thức BT sang đầu tư công thì có được đưa vào Luật Đầu tư công không, tính hiệu quả của dự án, lưu lượng giao thông qua tuyến đường như thế nào?

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc dự án chậm tiến độ thì chi phí thực hiện chắc chắn sẽ đội lên. Đây không chỉ là sự lãng phí về kinh phí đầu tư mà còn là sự lãng phí về thời gian. 

Mặt khác, trong kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo chưa đưa ra thời gian cụ thể hoàn thành thông tuyến. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa ra thời gian chính xác về việc hoàn thiện dự án cũng như có những giải pháp cụ thể hơn nữa để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.