Dự án 'hốt bạc' nhờ cảnh quan

Thu Phương - 16:01, 26/11/2020

TheLEADERCảnh quan giúp gia tăng giá trị cho dự án bất động sản nhưng lại làm tăng chi phí vận hành dự án mà cư dân sẽ phải trả.

Dự án 'hốt bạc' nhờ cảnh quan
Khu đô thị Ecopark Văn Giang, Hưng Yên

Từ kinh nghiệm nhiều năm trong việc thiết kế cảnh quan tại các khu đô thị và dự án bất động sản, ông Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Eden Landscape tiết lộ, nhiều chủ đầu tư ban đầu dự định phân lô bán nền với giá rất rẻ nhưng nhờ thiết kế cảnh quan, đưa cây xanh, tiện ích nên bán được giá cao.

Ông Long lấy dẫn chứng tại dự án Xanh Villas Hoà Lạc, Hà Nội. Dự án này vốn được chủ đầu tư dự kiến bán nền với giá 2 triệu đồng/m2. 

Sau khi được tư vấn làm cảnh quan, đơn vị thiết kế đã hướng dòng suối vào giữa dự án tạo trục cảnh quan cho toàn bộ khu vực. Dòng suối này thực chất là mương thoát nước thải của cư dân sở tại, song nhờ biện pháp xử lý nguồn nước, chủ đầu tư đã biến nó trở thành lợi thế của dự án khiến khách hàng thích thú và qua đó làm gia tăng giá trị bất động sản. 

Kết quả là từ một dự án khó bán, nhờ làm cảnh quan đã giúp dự án thoát được hàng. Quan trọng hơn, chủ đầu tư đã bán được các bất động sản này với giá cao hơn nhiều lần so với mức giá dự kiến ban đầu. 

Theo ông Long, cảnh quan và thiết kế cảnh quan trong khu đô thị là yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc phát triển một dự án bất động sản. Nó không chỉ giúp gia tăng giá trị cho dự án mà còn mang lại lợi ích, không gian sống cho chính những cư dân sau này.

Mặt khác, nếu chỉ xây dựng hạ tầng, đường giao thông đô thị, đối với nhiều chủ đầu tư sẽ là gánh nặng, nhưng nếu làm thiết kế cảnh quan, đây thực chất là hoạt động đầu tư, giúp làm tăng giá trị cho dự án và tạo lợi thế cạnh tranh so với các dự án khác, ông Long nhận định.

Đồng quan điểm, đánh giá tầm quan trọng của kiến tạo cảnh quan trong khu đô thị, ông Vũ Mai Phong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark cũng cho rằng, phần lớn các dự án trên thị trường bất động sản hiện nay đều muốn tối đa hoá diện tích xây dựng để mang lại lợi ích về kinh tế cao nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chủ đầu tư có tâm huyết, uy tín lại hướng tới việc tối đa hoá giá trị cho con người, cụ thể là người dân sống tại dự án sau này. 

Trong đó, cảnh quan là một trong những yếu tố giúp làm tăng trải nghiệm cuộc sống cho khách hàng. Đơn cử như tại khu đô thị Ecopark, chủ đầu tư đã phát triển được hệ thống cây xanh, hồ cảnh quan, đường đi bộ dài 25km quanh dự án. Chủ đầu tư đã thực hiện đúng với phương châm "xây nhà trong công viên" với 1 triệu m2 cây xanh, hơn 400 loài thực vật, nhiệt độ trung bình tại khu đô thị luôn thấp hơn trong trung tâm Hà Nội từ 2 - 3 độ.

Với 10 kinh nghiệm phát triển khu đô thị này, ông Phong thấu hiểu việc làm cảnh quan cho dự án không phải để ngắm cho đẹp mà để cư dân thụ hưởng, để xây dựng nên một khu đô thị đáng sống cho cư dân. Từ đó, cảnh quan tạo sự hấp dẫn cho bất động sản, thu hút người dân về sinh sống, tạo nên một khu đô thị "sống", phát triển mạnh mẽ và gia tăng giá trị theo thời gian.

Không ít khó khăn

Mặc dù cảnh quan có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của khu đô thị, song theo ông Phong, cũng có không ít khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình thiết kế và phát triển cảnh quan cho dự án.

Đơn cử như vấn đề về chi phí vận hành, quản lý hệ thống cảnh quan và cây xanh trong khu đô thị. Việc đầu tư diện tích cây xanh lớn như Ecopark dẫn đến chi phí dịch vụ cao. Số tiền này được đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân. Nếu thu phí dịch vụ cao thì người dân sẽ phản đối, trong khi đó nếu thu phí thấp thì dự án sẽ không có kinh phí để vận hành và quản lý một số lượng cây xanh khổng lồ. Hệ luỵ là rất lớn nếu hệ thống cảnh quan cây xanh này không được chăm sóc.

Ở Ecopark, nếu thu phí dịch vụ 10 nghìn đồng/m2 đối với chung cư và 8 nghìn đồng/m2 đối với biệt thự thì chủ đầu tư chỉ hoà vốn để quản lý vận hành, thậm chí còn phải bù lỗ. Do đó, chủ đầu tư đã đưa ra một số giải pháp như lựa chọn chủng loại cây phù hợp để giảm chi phí vận hành. Đây là các cây cần ít nước tưới và không rụng nhiều lá như những cây có kích thước nhỏ, hay cau, cọ.

Mặt khác, chủ đầu tư cũng cần hết sức chú ý, tránh sử dụng các loại cây lớn, rễ lan ngang, gây ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường ống nước, hệ thống hạ tầng viễn thông. 

Tại khu đô thị Ecopark, trong thời gian đầu khi chưa có kinh nghiệm lựa chọn chủng loại cây, chủ đầu tư đã phải thường xuyên xử lý những sự cố về hạ tầng kỹ thuật do cây xanh gây ra, ông Phong tiết lộ.

Trồng cây lớn ở dưới mặt đất đã rất khó khăn nhưng tới đây, với dự án mới Sol Forest - Rừng thẳng đứng đầu tiên ở Hà Nội, Ecopark sẽ "chinh phục" thử thách mới khi đưa vườn lên cao, biến mỗi không gian ban công căn hộ trở thành một khu vườn. 

Theo ông Phong, điều này là không đơn giản bởi trông cây trên cao sẽ phải đối mặt với sức gió lớn, làm đội chi phí đầu tư và tăng chi phí vận hành sau này của căn hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tâm huyết thực hiện để mạng lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.