Đừng để biến thành 'nền nông nghiệp giải cứu'

Phạm Anh - 19:15, 06/09/2017

Theo các chuyên gia, nhiều nội dung trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn dựa trên nền tư duy cũ là “cơi nới”, “rải mành”. Điều quan trọng, cần phải tập trung chính sách hỗ trợ, tránh cơ chế xin-cho, cứ kiểu ưu đãi, cho mãi không khéo sẽ thành “nền nông nghiệp giải cứu”.

Đừng để biến thành 'nền nông nghiệp giải cứu'
Theo các doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp cần minh bạch, theo hướng thị trường, tránh cơ chế xin-cho. Ảnh: Bình Phương.

Giấy phép con vẫn “hành” nông nghiệp

Tại hội thảo "Tham vấn chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 5/9, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, Nghị định 210 ra đời cuối năm 2013 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đến nay hiệu quả rất hạn chế. Sau gần 4 năm, chỉ có 64 dự án tại 23 địa phương được hỗ trợ. Tỷ lệ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên tổng mức đầu tư dự án đạt chưa tới 6%.

Theo ông Ngọc, để doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách, phải đạt rất nhiều tiêu chí, quá tầm với của doanh nghiệp như: Sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu hay quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương…Chưa kể, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính với 16 bước (khoảng 40 văn bản liên quan) làm nản lòng các nhà đầu tư. 

Nhắc lại lời của Thủ tướng mới đây, rằng “thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, ông Ngọc cho rằng, các loại “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn hiện hình, khiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp rất khó khăn.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 3 - 5 tỷ đồng, đối với các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Trường Hải, Vingroup… chả thấm gì. Do vậy, việc sửa đổi chính sách là để thúc đẩy, chứ không phải theo hướng cho tiền. 

“Với khoảng 5.000 doanh nghiệp, nếu nhà nước hỗ trợ mỗi doanh nghiệp 5 tỷ đồng, đã mất 25.000 tỷ đồng, ngân sách lấy đâu ra, vì thế phải có cơ chế”, ông Báo nói.

Theo ông Báo, cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, trong đó, biến nông thôn thành doanh nghiệp, nông dân thành doanh nhân thì mới phát triển được. “Tuy nhiên, vừa rồi, qua điều tra một hộ kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp, chưa làm được gì đã mất mỗi năm 10 - 50 triệu cho các khoản thuế má này nọ…thì rất khó”, ông Báo nói.

Là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giống cây trồng, thủy sản, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cũng cho rằng, xây dựng chính sách kiến tạo chứ không phải phân bổ nguồn lực; hạn chế lấy nguồn ngân sách trong bối cảnh khó khăn. Theo ông, cần chính sách tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch trong bối cảnh nhiều rào cản về thủ tục hành chính.

Ông Hải cũng cho rằng, việc đầu tư vào nông nghiệp không nên phân tới 4 nhóm, vì dễ nảy sinh cơ chế xin-cho ở các địa phương. “Quan trọng là yếu tố khả thi, tính thị trường, chứ để lấy được 5-10 tỷ đồng từ hỗ trợ mà đến hàng chục bước như thế thì rất mất thời gian. Chúng tôi là tập đoàn lớn, đầu tư hàng trăm tỷ, thì không cần hỗ trợ đó”, ông Hải nói.

Không hỗ trợ kiểu cơi nới

Góp ý về Dự thảo Nghị định 210 sửa đổi, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận dựa vào hộ gia đình là của khoán hộ trước đây, chứ không phải thị trường. Chính sách phát triển nông nghiệp thì doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như là chủ đạo.

Theo ông Thiên, cách tiếp cận khi làm chính sách vẫn mang tính hỗ trợ, kiểu cho thêm, mang tính ban phát. Cách làm đó trong điều kiện thị trường thì không ổn… Ông Thiên nói: “Ở đây, nếu cứ đặt vấn đề trước đây giảm 5% là chưa đủ, bây giờ giảm 10%, đó là kiểu cơi nới, giống như trước 20 giây trói, bây giờ giảm một giây thì có giải quyết được gì đâu".

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cũng cho rằng: "Dự thảo nghị định hiện đang có nhiều vấn đề như việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn…rất khó khăn.Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp luôn phải đối mặt với rủi ro về thiên tai, rủi ro chính sách kể cả nhân tai”.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt trong chuỗi liên kết nông nghiệp. Về Dự thảo Nghị định 210 sửa đổi, ông Cường yêu cầu tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục chắt lọc, bổ sung thêm các ý kiến hoàn thiện trước 15/9, báo cáo lãnh đạo bộ, sau đó bộ sẽ gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư.