Dừng thí điểm taxi công nghệ: Grab, FastGo toan tính gì?

Việt Hưng - 08:09, 20/02/2020

TheLEADERSau 4 năm thí điểm, thị trường gọi xe Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, hiện đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD, tăng trưởng 57% mỗi năm, cao nhất ở Đông Nam Á.

Năm 2016, Quyết định 24 của Bộ GTVT cho phép thí điểm taxi công nghệ được xem là một quyết định "mở đường" cho các dịch vụ gọi xe trên mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, gồm 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Sau 4 năm thí điểm, thị trường gọi xe Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, hiện đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD, gấp đôi giá trị năm 2018. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.

Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, Việt Nam liên tục thu hút đầu tư của các ông lớn quốc tế, lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be...

Theo báo cáo gần nhất của ABI Research, Grab đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là Be (hơn 31 triệu cuốc).

Cũng theo số liệu này, Go-Viet đã hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, còn FastGo là gần 2,4 triệu cuốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 tại thị trường gọi xe Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200 ngàn cuốc.

Dừng thí điểm taxi công nghệ, Grab, FastGo toan tính gì?
Grab đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành

Mặc dù tăng trưởng nóng, nhưng thị trường gọi xe tại Việt Nam vẫn có những nút thắt liên quan tới hành lang pháp lý, như quy định thế nào là gọi xe công nghệ, quản lý các mô hình mới khác gì mô hình cũ, hoặc các doanh nghiệp như Grab, Go-Viet, FastGo là công ty công nghệ hay công ty vận tải...

Đến nay, duy nhất ứng dụng gọi xe Be của Việt Nam là chủ động đăng kí lĩnh vực kinh doanh vận tải, thay vì chờ đợi hướng dẫn của cơ quan nhà nước. Cuối năm ngoái, Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 đã được đưa ra dự thảo bàn bạc.

Vừa qua, Bộ GTVT đã có quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (như Grab, FastGo,...) kể từ ngày 1/4/2020.

Trong đó, Bộ GTVT nhấn mạnh và tập trung vào việc yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Theo đó, các xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ đều được xác định là taxi. Khi được xác định là taxi, những chiếc xe này sẽ hoặc phải gắn “mào” taxi trên nóc xe hoặc là phải dán chữ "XE TAXI" bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.

Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1/4, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1/7/2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020.

Trước những hướng dẫn nêu trên, đại diện Grab Việt Nam cho hay: "Thông báo về việc hết hiệu lực của Đề án thí điểm là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường hiện nay".

Thông tin thêm, phía Grab Việt Nam cho biết công ty hiện đang nghiên cứu Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.

"Nhưng dù lựa chọn phương án nào thì tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến", đại diện này nói.

Dừng thí điểm taxi công nghệ, Grab, FastGo toan tính gì? 1
FastGo vẫn ưu tiên lựa chọn theo mô hình là ứng dụng kết nối vận tải

Theo đánh giá của đại diện FastGo, Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ràng, chi tiết về loại hình kinh doanh taxi, xe hợp đồng và đơn vị chỉ cung cấp ứng dụng kết nối vận tải, điều này sẽ tác động lớn đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ.

Về phía FastGo, công ty ngay từ đầu vẫn ưu tiên lựa chọn theo mô hình là ứng dụng kết nối vận tải, tức là mô hình thứ 3 trong nghị định mới. Theo đó, FastGo sẽ cung cấp các giải pháp ứng dụng giúp các doanh nghiệp taxi và đơn vị kinh doanh xe hợp đồng để quản lý đối tác, lái xe, thiết lập chính sách kinh doanh với từng đối tượng khách hàng.

Với các đơn vị taxi hoặc kinh doanh chưa có hệ thống điều hành, FastGo sẽ hỗ trợ miễn phí. Với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ, FastGo cũng cho phép kết nối hai hệ thống với nhau để cùng khai thác khách hàng.

"Chúng tôi không thay đổi sứ mệnh là giúp các doanh nghiệp điện tử hoá, thích nghi với các sự thay đổi mới trong thời đại số. Nghị định mới này chỉ trong phạm vi Việt Nam, không ảnh hưởng đến các thị trường nước ngoài mà FastGo đang triển khai", đại diện FastGo chia sẻ thêm.