FPT hướng tới mục tiêu doanh thu 1,8 tỷ USD

Việt Hưng - 14:07, 19/03/2022

TheLEADERTại ĐHCĐ thường niên sắp tới, FPT sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới. Mới đây, Tập đoàn cũng tái bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Nguyễn Văn Khoa.

Tại ĐHĐCĐ dự kiến diễn ra ngày 7/4, Tập đoàn FPT dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu tăng trưởng 19% so với năm 2021, đạt 42.420 tỷ đồng (tương đương 1,8 tỷ USD); lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đổng.

Đánh giá kết quả kinh doanh 2021, dù đặt ra kế hoạch năm khá thách thức, nhưng FPT đã hiện thực hóa mục tiêu khi doanh thu hợp nhất dạt 35.657 tỷ đồng, tăng 19,5% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6.337 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2020.

Tập đoàn FPT đã tiếp cận và hợp tác với hơn 20 tập đoàn lớn nhất Việt Nam, khối lượng hợp đồng ký mới với các doanh nghiệp tăng 45%; FPT ký kết hợp tác chuyên đổi số và đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi sô cho lãnh đạo các cấp của hơn 40 tỉnh thành.

Thông qua thương vụ Base, Tập đoàn FPT đã hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm - giải pháp công nghệ Made by FPT cho doanh nghiệp ở mọi quy mô. Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng vượt bậc ở mức 72% cho thấy FPT đã bắt kịp xu hướng lớn là chuyển đổi số với nhu cầu gia tăng.

FPT hướng tới mục tiêu doanh thu 1,8 tỷ USD
FPT hướng tới mục tiêu doanh thu 1,8 tỷ USD

Ở khía cạnh công nghệ, các sản phẩm dịch vụ công nghệ mới (AI, RPA, Lowcode, Blockchain…) tiếp tục tăng trưởng nhanh với mức tăng trên 50%. Riêng nền tảng FPT Cloud đưa ra thị trường 37 sản phẩm mới.

Ở khía cạnh quản trị, chương trình luân chuyển được triển khai quyết liệt năm 2021 với gần 500 cán bộ, bồi dưỡng nhân lực trẻ, có năng lực. Các chương trình chuyển đổi số nội bộ đem lại lợi ích quy đổi tương đưởng 240 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, HĐQT FPT dự kiến đề xuất ĐHĐCĐ phê duyệt chính sách chi trả cổ tức tỷ lệ 40%. Cụ thể, cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% (10% đã thực hiện chi trả trong năm 2021, 10% còn lại sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt); chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% (tỷ lệ 5:1). Thời gian dự kiến trước khi kết thúc quý III/2022.

Bên cạnh đó, HĐQT thông qua việc tái bổ nhiệm Tổng giám đốc FPT với ông Nguyễn Văn Khoa. Trong 3 năm giữ vị trí Tổng giám đốc, có tới 2 năm môi trường kinh doanh biến động dữ dội vì đại dịch Covid-19 xuất hiện và càn quét trên toàn cầu, tuy nhiên, ông Khoa cùng đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn đã thể hiện sự đổi mới, linh hoạt và quyết liệt trong quản trị chỉ đạo điều hành giúp Tập đoàn FPT gặt hái được những kết quả ấn tượng.

Tính tới cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của FPT tăng 44,9% so với đầu năm 2019, đạt 21.418 tỷ đồng. Trên bảng xếp hạng vốn hóa cao nhất thị trường, FPT cũng nằm trong Top 20 doanh nghiệp với vốn hóa 84,4 nghìn tỷ đồng tại cuối năm 2021, tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tăng trưởng trung bình 18%/năm trong suốt 3 năm qua bất chấp đại dịch.