Gạo ngon ST24, ST25 đang bị ‘cướp’ nhãn hiệu tại nước ngoài

Nhật Hạ - 08:31, 06/05/2021

TheLEADER‘Chậm chân’ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường Mỹ và Úc, gạo S24, ST25 của doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với nguy cơ mất 2 thị trường lớn hoặc sẽ phải lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó.

Giống lúa mang tên ST24, ST25 do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Gạo ST24, ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa cùng tên, được mang đi thi và đoạt giải quốc tế.

Cụ thể, năm 2019 loại gạo này đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.

Với thắng lợi này, ngành lúa gạo Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Năm 2020, xuất khẩu gạo thắng lớn khi kim ngạch đạt 6,25 triệu tấn, trị giá đạt 3,2 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm 1,9% so với năm 2019, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 11,2%. 

Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. "Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa", Bộ Công thương đánh giá.

Gần một thập kỷ qua, Việt Nam luôn ở Top 3 xuất khẩu gạo, dù theo sản lượng chỉ xếp thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh. 

Tuy nhiên, mới đây, theo thông tin đăng trên website của Văn phòng sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia), Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia) ở nước này ngày 22/4 đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST24 và ST25 kèm nội dung là "Rice; Best rice of the world" (gạo; gạo ngon nhất thế giới).

Hiện cơ quan này vẫn đang ở giai đoạn kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp, dự kiến kéo dài trong 3 – 4 tháng.

Liên quan đến vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến cơ quan sở hữu trí tuệ của Úc để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 do nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, được nhận biết rộng rãi, trong đó có Úc. “Đây là một sự thật không thể chối cãi”.

Đồng thời, đề nghị cơ quan IP Australia xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo ST24, ST25 từ Việt Nam sang Úc.

"Các thủ tục liên quan chứng minh giống lúa này của Việt Nam cần được đẩy nhanh, vì không có Công ty T&L thì sớm hay muộn cũng sẽ có công ty khác thực hiện các việc làm tương tự", Thương vụ Việt Nam tại Úc nhận định.

Ngoài gửi văn bản liên quan tới IP Australia, thương vụ đã trao đổi và đề nghị ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST24 và ST25 phối hợp cùng thương vụ trong quá trình chứng minh.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng làm việc với lãnh đạo Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD và nhận được phản hồi sẽ "kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu". Bên cạnh đó, việc tìm luật sư tại Úc cũng đang được thương vụ tiến hành để chuẩn bị các bước tiếp theo, theo quy định của IP Australia.

Nếu sự việc diễn biến xấu đi, tức là IP Australia đánh giá hồ sơ của T&L Global Foods Supply đáp ứng các yêu cầu để được bảo hộ theo luật nhãn hiệu Australia, Thương vụ Việt Nam tại Úc sẽ vận động mạng lưới doanh nghiệp, các hiệp hội, cả báo chí… ở nước sở tại để thực hiện phương án tổng thể "đòi" lại nhãn hiệu này.

Theo số liệu của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Úc trong quý đầu năm nay đạt hơn 4,7 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020.

‘Cánh cửa’ vào các thị trường lớn hẹp dần với thương hiệu gạo Việt
Giống lúa mang tên ST24, ST25 do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công.

Không chỉ ở Úc, vào ngày 4/5/2021, trên website của Văn phòng Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) cũng đã đăng tải công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc.

Theo thông báo của USPTO, các bên liên quan đến nhãn hiệu đều có thể gửi thông báo phản đối, hoặc làm đơn gia hạn phản đối cho Ban khiếu nại và xét xử nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO trong 30 ngày sau ngày 4/5. Nếu không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không thuyết phục, USPTO sẽ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại Mỹ cho Công ty I&T Enterprise, Inc.

Ngoài công ty này, USPTO còn nhận được 4 hồ sơ của 3 doanh nghiệp khác ở Mỹ cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ đạt gần 14 triệu USD, tăng 17% so với năm trước đó. Mặc dù, không chiếm tỷ trọng lớn, nhưng trong quý I năm nay, xuất khẩu gạo sang Mỹ tăng đột biến tới 40% so với cùng kỳ, đạt 3,8 triệu USD.

Còn tại thị trường Anh, không riêng gạo ST25, phần lớn sản phẩm gạo của Việt Nam đều mang thương hiệu của nhà phân phối, không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, theo phản ánh của Thương vụ Việt Nam tại Anh.

Lý giải về điều này, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, nhà xuất khẩu chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng nước này biết đến.

Mặt khác, tình trạng này là do trong môi trường cạnh tranh có lợi cho người nhập khẩu sở tại hơn người xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận xuất gạo không có thương hiệu và để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng của họ.

Do đó, để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa và tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường Anh cũng như các thị trường lớn khác, thương vụ cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.

Chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa (như gạo Sóc Trăng Việt Nam) hay tên người tạo ra giống lúa (như gạo Ông Cua) để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.

Gạo ST25 tuy đã được giải thưởng là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 nhưng rất ít người dân Anh biết đến và không có nhiều hiệu quả marketing trên thị trường Anh.

Hiện nay, gạo Việt Nam được bán tại Anh với các thương hiệu Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood). Sản phẩm mang thương hiệu của nhà phân phối mà không mang thương hiệu của nhà sản xuất là một trong những tập quán kinh doanh thông thường tại Anh được Luật pháp cho phép.

Khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh năm 2020 đã tăng thêm 13,5% từ 671.601 tấn (năm 2019) lên 762.526 tấn. Trong đó, gạo nhập từ Việt Nam tăng từ 1.296 tấn (trị giá 1,3 triệu USD) lên 3.396 tấn (trị giá 2,67 triệu USD) trong cùng thời gian.

Như vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019. Tuy nhiên, thị phần gạo Việt Nam tại Anh chỉ chiếm 0,43% năm 2019 và 0,45% năm 2020.

ST25 không phải là thương hiệu trong nước đầu tiên gặp tình cảnh trên. Trước đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước từng bị các doanh nghiệp nước ngoài ‘chèn ép’ như thương hiệu café Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc… Phần lớn họ phải tốn không ít công sức và chi phí để “đòi lại” thương hiệu đã mất.

Điển hình như Trung Nguyên phải mất 2 năm đàm phán và chi phí không nhỏ với Công ty Rice Field tại Mỹ để lấy lại thương hiệu café Trung Nguyên sau khi công ty này ‘nhanh chân’ đăng ký bảo hộ trước tại Mỹ. Sau thương vụ trên, Trung Nguyên đã đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia.