Giải cứu “vua gỗ”

Hứa Phương - 09:53, 06/02/2022

TheLEADERQuá trình vực dậy Gỗ Trường Thành gặp nhiều khó khăn và chậm hơn rất nhiều so với kỳ vọng nhưng ông Mai Hữu Tín vẫn tự tin hướng đến tương lai để đem lại giá trị cho những cổ đông đã đặt niềm tin vào ông.

Lỗ lũy kế của Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành càng ngày càng dày thêm kể từ khi ông Mai Hữu Tín tiếp quản chức Tổng giám đốc cách đây hơn bốn năm. Đến thời điểm hiện tại, khoản lỗ đã gần gấp đôi so với lúc ông Tín nhảy vào giải cứu doanh nghiệp gỗ đang chìm trong thua lỗ và nợ nần.

Mặc dù được ví như một “trùm giải cứu” khi đã từng vực dậy những doanh nghiệp lao đao như Bồn nước Toàn Mỹ hay Giấy Sài Gòn, nhưng ông Tín cũng không thể ngờ công cuộc đưa Gỗ Trường Thành trở lại đường đua lại gian nan và kéo dài đến vậy. “Chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của tôi”, ông Tín thẳng thắn khi được hỏi kết quả giải cứu đến nay có đúng như ông đã từng kỳ vọng trước đây hay không.

Giải cứu “vua gỗ”
Ông Mai Hữu Tín

Chui vào mớ bòng bong

Thực ra, ngay khi bước chân vào Gỗ Trường Thành, ông Tín cũng không thể ngờ đây lại là mớ bòng bong mà ông phải mất cả năm trời mới nhận diện được những gốc rễ sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của một doanh nghiệp gỗ từng nổi danh một thời. “Chúng tôi mất hai năm để tìm ra con số lỗ khủng tại công ty”, ông Tín nói về khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2.000 tỷ đồng so với con số được giới lãnh đạo cũ công bố là 1.690 tỷ đồng trước khi ông Tín trở thành Tổng giám đốc tháng 4/2017.

Thời gian xác định được khoản lỗ lũy kế kéo dài một phần là do việc kiểm đếm rừng trồng thực tế của doanh nghiệp mất nhiều thời gian vì chỉ có thể kiểm đếm được rừng vào mùa khô. Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn khiến ông Tín cùng đội ngũ lãnh đạo mới phải hao tổn công sức nhiều hơn là “các giao dịch lòng vòng giữa các công ty con để tạo doanh số ảo trước đây” mà cần nhiều thời gian để lần ra được từng việc.

Chính những giao dịch lòng vòng giữa các công ty con mà ông Tín cho rằng có yếu tố “lừa đảo” đã từng khiến một doanh nghiệp là Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Liên Phát đã nhảy vào giải cứu Gỗ Trường Thành nhưng sau đó lại quyết định rút lui.

Gỗ Trường Thành do doanh nhân Võ Trường Thành sáng lập năm 1993 đã phất lên như diều gặp gió kể từ năm 2005 khi trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam, đồng thời, hợp tác với doanh nghiệp lớn của Nhật Bản để trồng rừng ở Phú Yên. Nhưng sau đó, do đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực khác như bất động sản, thủy sản, y tế… cộng với tổn thất nặng nề do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, doanh thu của Gỗ Trường Thành tụt dốc không phanh, các khoản nợ bủa vây và mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn.

Nhưng thật ngạc nhiên, trong khi năm 2013, lượng tiền mặt của công ty chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, thì hai năm sau đó đánh dấu “thời hoàng kim trở lại” của “vua gỗ” khi doanh thu năm 2015 được công bố tăng gần gấp đôi lên 2.752 tỷ đồng và khoản lợi nhuận tới 189 tỷ đồng.

Những con số hào nhoáng này khiến Tân Liên Phát bỏ ra 1.800 tỷ đồng để mua 49,9% cổ phần của Gỗ Trường Thành, đồng thời có ý định cung cấp một khoản vay chuyển đổi trị giá 1.200 tỷ đồng. Nhưng không lâu sau, Tân Liên Phát đã phát hiện những sai lệch rất nghiêm trọng về số lượng hàng tồn kho trong báo cáo tài chính nên quyết định tạm ngưng chuyển đổi khoản vay này.

Sau đó, các cổ đông của Gỗ Trường Thành liên tiếp nhận được những “cú đấm trời giáng”. Cổ phiếu TTF đã giảm sàn 24 phiên liên tiếp, từ mức 43.600 đồng xuống còn 8.100 đồng. Sau đó, trong báo cáo tài chính quý II/2016, công ty công bố khoản lỗ tới 1.081 tỷ đồng.

Và tiếp theo là phát hiện những số liệu bị “xào nấu” khi việc kiểm kê cho thấy thiếu tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng hóa, và các giao dịch lòng vòng giữa các công ty liên quan để tạo doanh thu khống. Công ty còn không trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi.

Đúng lúc Gỗ Trường Thành lâm nguy, dù có nhiều lựa chọn đầu tư dễ dàng hơn nhưng vì một lời hứa với bạn bè nên Công ty CP Xây dựng U&I của ông Mai Hữu Tín bắt đầu mua cổ phiếu TTF. Ông Tín chính thức trở thành Tổng giám đốc của Gỗ Trường Thành từ tháng 4/2017, khi đã chi hơn 232 tỷ đồng để sở hữu 29 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng với 20% vốn điều lệ.

Mấy tháng sau, Công ty CP Sam Holdings cũng chi 147 tỷ đồng để mua vào 20,8 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ hai chỉ sau U&I. Nhưng có lẽ do nhận ra những vấn đề quá lớn ở Gỗ Trường Thành nên Sam Holdings đã nhanh chóng rút lui khi bán hết cổ phần sau đó mấy tháng, để lại ông Tín “đơn thương độc mã” đại diện cho cổ đông lớn nhất.

Nhớ lại thời điểm tiếp quản, ông Tín đối mặt với muôn vàn khó khăn. Thiếu vốn, thiếu nhân sự giỏi và chịu dấn thân, không có khách hàng tốt, các nhà máy đã cũ kỹ với thiết bị lạc hậu, khả năng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn hoặc đang có nhu cầu trên thị trường thấp. Bên cạnh đó là tồn kho rất lớn nhưng không thanh lý được do đang thế chấp ngân hàng, có nợ xấu đã nhiều năm nên không thể vay ngân hàng tiếp, nợ nhiều và mất uy tín với các nhà cung cấp, không có dữ liệu đúng để có thể ra những quyết định phù hợp…

Giải cứu “vua gỗ” 1
Gỗ Trường Thành

Nhưng, với lòng tự trọng của một doanh nhân từng được ví như đấu sĩ trên mặt trận kinh tế và mặc dù Gỗ Trường Thành khi ấy như một cơ thể nhiều bệnh tật nhưng ông Tín vẫn kiên định với quyết định của mình. Ông xác định phải nhận diện và giải quyết từng vấn đề, trong đó việc quan trọng là cải thiện chất lượng quản trị, khâu yếu kém nhất khiến nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam rơi vào khủng hoảng và thua lỗ nặng nề.

“Những việc mà TTF đặt trọng tâm và yêu cầu phải làm quyết liệt là tăng vốn, thanh lý hàng tồn không cần thiết và các khoản đầu tư không hiệu quả, tăng chất lượng con người và công tác quản trị, tập trung vào nơi mà TTF có thế mạnh lớn nhất là cung ứng hàng nội thất cho các dự án trong nước”, ông Tín nói.

Nhưng vấn đề tăng tiềm lực tài chính để có vốn hoạt động và mở rộng kinh doanh là bài toán hóc búa với chính ông Tín. Nhiều phương án được đưa ra, có phương án thành công, nhưng cũng có phương án bế tắc.

Như việc Gỗ Trường Thành dự định phát hành cổ phiếu để hoán đổi cho các khoản nợ của Ngân hàng TMCP Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước bác bỏ, khiến ông Tín phải tìm phương án khác.

Và khi năm 2021 dần khép lại thì cũng là lúc Gỗ Trường Thành công bố đã thanh toán xong khoản nợ khoảng 123 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Đông Á. Đây cũng là khoản nợ cuối cùng của công ty với các ngân hàng. Đây được đánh giá là dấu mốc quan trọng bởi vì sau hơn bốn năm dưới sự lèo lái của ông Tín, Gỗ Trường Thành đã sạch nợ với ngân hàng và có thể được cấp tín dụng trở lại bình thường.

Gỡ từng nút thắt

Nhưng con đường từ chỗ ngập ngụa trong nợ nần đến lúc thoát khỏi gánh nặng không hề dễ dàng. Sau khi phương án phát hành cổ phiếu bị hoán đổi nợ bị phá sản, ông Tín tính đến khả năng chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư riêng lẻ và hoán đổi nợ cho các nhà đầu tư cá nhân.

Tôi nghĩ những nhà đầu tư chấp nhận tham gia đợt phát hành lần này tin vào cá nhân tôi là chính. Và đương nhiên tôi không thể cho phép mình phụ niềm tin của họ.”
Ông Mai Hữu Tín

Tuy nhiên, làm thế nào để thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân rót tiền vào một doanh nghiệp thua lỗ nặng và vẫn chưa tìm thấy đường ra là không hề dễ dàng. Một cổ đông đã đặt câu hỏi với ông Tín rằng “bao giờ TTF mới trở lại mặt đất?” với ngụ ý rằng bao giờ công ty mới thoát lỗ và bao giờ cổ phiếu TTF mới trở lại mệnh giá? Nếu không tin vào triển vọng công ty cũng như giá cổ phiếu sẽ tăng, nhà đầu tư sẽ khó chấp nhận rót tiền vào Gỗ Trường Thành, nhất là có lúc cổ phiếu đã giảm về mức tương đương với “cốc trà đá”, chỉ hơn 2.000 đồng.

Nhưng ông Tín tỏ ra rất tự tin khi khẳng định rằng cổ phiếu TTF đã sớm về mệnh giá và thực tế, khi năm 2021 khép lại, cố phiếu TTF đã đóng cửa ở mức trên 13.000 đồng, một mức tăng ấn tượng so với mức đáy sau khi ông Tín nhảy vào tiếp quản doanh nghiệp.

Và trong những ngày cuối của năm 2021, Gỗ Trường Thành đã thành công trong việc tăng vốn điều lệ lên 4.112 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 59,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và phát hành 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho nhà đầu tư cá nhân. Nhờ đó, Gỗ Trường Thành có tiền trả nốt khoản nợ ngân hàng cuối cùng.

Để thu hút các nhà đầu tư mua cổ phiếu, Gỗ Trường Thành đã phải chấp nhận phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng với mức cổ tức cố định 12%/năm, tức là cao gấp đôi so với mức lãi suất ngân hàng. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu từ đợt phát hành này có thể một phần là vì cổ tức hấp dẫn và họ thấy Gỗ Trường Thành không còn là một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và những khoản lỗ trong quá khứ đều đã được xác định.

Nhưng quan trọng hơn, họ có niềm tin vào ông Tín sẽ dẫn dắt Gỗ Trường Thành thoát khỏi khó khăn, bởi ông đã “đặt cược” vào “canh bạc” này.

“Tôi nghĩ những nhà đầu tư chấp nhận tham gia đợt phát hành lần này tin vào cá nhân tôi là chính. Và đương nhiên tôi không thể cho phép mình phụ niềm tin của họ”, ông Tín chia sẻ.

“Nói không hề giấu giếm là bao nhiêu tiền tôi có được từ các hoạt động kinh doanh khác thì tôi dồn cả vào đây… Tôi đặt một mục tiêu rất lớn”, ông Tín nói tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Một trong những mục tiêu đó là đưa vốn hóa của Gỗ Trường Thành lên 1 tỷ USD và ông Tín cũng xác định một kế hoạch dài hạn nhưng có mục tiêu rõ ràng là đưa TTF thành doanh nghiệp nội thất hàng đầu ASEAN trước khi thập kỷ này kết thúc. Từ trước đến nay Trường Thành là một doanh nghiệp sản xuất thuần túy.

Giải cứu “vua gỗ” 3
Thay đổi thương hiệu từ gỗ Trường Thành sang Total Furniture

Để trở thành hàng đầu, Gỗ Trường Thành buộc phải tham gia vào những khâu tạo ra nhiều giá trị hơn về thương hiệu, thiết kế, phân phối, bán lẻ, cũng như các dịch vụ tạo giá trị gia tăng khác cho khách hàng, cả ở trong nước lẫn thị trường bên ngoài.

Thực tế, ông Tín đã chuẩn bị cho kế hoạch này ngay từ những ngày đầu tiếp quản gỗ Trường Thành. Đơn cử như việc thay đổi thương hiệu từ gỗ Trường Thành sang Total Furniture là thay đổi thương hiệu doanh nghiệp chứ không phải một sản phẩm cụ thể nên xác định sẽ phải dành nguồn lực và thời gian để vực dậy.

“Chúng ta không thể làm thương hiệu nếu không xác định tầm nhìn, chiến lược rõ ràng. Với Total Furniture, chúng tôi định hướng phải là công ty nội thất hàng đầu Đông Nam Á, muốn vậy phải thể hiện được giá trị cốt lõi nào, để có được chiến lược đi theo sát giá trị cốt lõi đó”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, Total Furniture có ba giá trị cốt lõi là tốc độ, giá trị và sự minh bạch. Ông và các cộng sự sẽ theo đuổi ba giá trị này tới cùng, triển khai tới từng người lao động. Khi đó, người trong ngành mới tin tưởng Total Furniture và sẽ mời gọi nhiều đối tác đi cùng.

Từ đó, ông Tín khẳng định Total Furniture sẽ bước vào một cuộc chơi lớn hơn, thú vị hơn và cũng thách thức hơn. Nhưng điều đó lại mang đến cho ông và các cộng sự nhiều cảm hứng hơn. Dù làm việc lớn hay việc nhỏ thì vẫn phải cố gắng như nhau, vậy thì tại sao không dấn thân tối đa làm việc lớn để có một thành quả xứng đáng hơn?