Kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi sang năng lượng sạch là 2 giải pháp tạo ra tác động lan tỏa cho nền kinh tế, thúc đẩy cả nền kinh tế chuyển đổi vận hành theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt vào tháng 10/2021, tức là ngay trước thềm diễn ra COP26 - nơi Thủ tướng đưa ra cam kết về mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.
Ngay sau khi Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, hàng loạt nghị quyết, nghị định, đề án về giảm phát thải, tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan hướng đến phát triển bền vững đã được ban hành. Những điều này cho thấy quyết tâm tăng trưởng xanh của cả bộ máy chính trị Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, dù có quyết tâm cao nhưng việc thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thách thức lớn nhất phải kể đến là nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, lại tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên, do đó chi phí đầu tư chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng xanh là rất lớn nhưng nguồn lực của Nhà nước lại hữu hạn. Cơ chế thu hút đầu tư ngoài nhà nước chưa có hiệu quả cao.
Trình độ khoa học công nghệ và chuyển dịch lao động cũng là 2 mắt xích còn yếu của Việt Nam trong công cuộc hướng đến tăng trưởng xanh.
Trước thực trạng thách thức gia tăng, nguồn lực hữu hạn, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, với nhiều nội dung đột phá so với kế hoạch của giai đoạn trước, điển hình như bổ sung nội dung về kinh tế tuần hoàn, giao thông xanh, khuyến khích các ngành tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.
Trong đó, ông Việt Anh chỉ ra 2 lĩnh vực sẽ là trọng tâm cho những giải pháp để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Thứ nhất là giải quyết bài toán năng lượng. Theo số liệu của nhiều báo cáo gần đây, năng lượng là lĩnh vực tạo ra phát thải lớn nhất Việt Nam, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải năm 2020.
“Ngành năng lượng có tính chất quyết định trong hiện thực hóa mục tiêu COP26 cũng như các mục tiêu tăng trưởng xanh”, ông Việt Anh nói tại hội thảo khoa học quốc gia Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi sang năng lượng sạch gắn liền với xanh hóa trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp sản xuất… Do đó, năng lượng sạch không chỉ giảm trực tiếp tổng lượng khí thải mà còn gián tiếp tạo ra động lực lan tỏa để chuyển đổi xanh cho toàn nền kinh tế.
Thứ hai là đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn. Theo ông Việt Anh, kinh tế tuần hoàn là một bộ phận và là một mô hình của kinh tế xanh, do đó việc chuyển đổi mô hình từ tuyến tính sang tuần hoàn được xác định là ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế.
Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai dựa trên nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, ví dụ như áp dụng cho ngành xây dựng; vận hành khu công nghiệp theo hướng tuần hoàn…
Kinh tế tuần hoàn có thể được áp dụng trên cả bình diện vi mô như giải pháp mang tính cơ sở, chẳng hạn việc thay đổi phương thức kinh doanh, thiết kế lại chuỗi cung ứng của một hoặc một số doanh nghiệp, cả trên bình diện vĩ mô như chuyển đổi cho toàn ngành và toàn nền kinh tế.
Một điểm đặc biệt là mô hình kinh tế tuần hoàn hứa hẹn tạo ra đa giá trị, phù hợp với một nội dung then chốt mới được bổ sung vào nội hàm của tăng trưởng xanh là đảm bảo tính “kinh tế”, thông qua việc tạo ra việc làm, nâng cao sinh kế cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cũng nhấn mạnh nội dung lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tuần hoàn giúp giảm 15% cường độ phát thải nhà kính so với năm 2014, qua đó đóng góp tích cực vào thực hiện cam kết tại COP26.
Đáng chú ý, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng sạch cũng sẽ bổ trợ lẫn nhau để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn gắn với năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải nhà kính, đồng thời giúp tái chế, tái sử dụng những vật liệu quý hiếm, vật liệu carbon thấp và tạo ra những hệ thống tuần hoàn.
Ông Quân nhận định, phát triển năng lượng tái tạo có thể chưa phải tăng trưởng xanh nhưng nếu kết hợp với kinh tế tuần hoàn sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là tổ chức phối hợp liên ngành có nhiệm vụ đôn đốc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng giao.
Theo chuyên gia, rủi ro cắt giảm sản lượng theo hợp đồng mua bán điện đang gây khó khăn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong hỗ trợ dự án xanh hiệu quả.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tuyên bố những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên vẫn còn khoảng trống không nhỏ giữa tuyên bố và thực tế.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.