Giáo sư Ohno: Năng suất lao động thấp tạo áp lực đến tăng trưởng kinh tế

Vũ Long (thực hiện) - 11:42, 13/09/2017

TheLEADERGiáo sư Kenichi Ohno, một trong những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản tham gia vào xây dựng và tư vấn Chính phủ Việt Nam chiến lược phát triển kinh tế các ngành công nghiệp trong suốt gần hai thập kỷ qua, trao đổi với TheLEADER về mối tương quan giữa năng suất lao động với tăng lương và tăng trưởng kinh tế.

Giáo sư Ohno: Năng suất lao động thấp tạo áp lực đến tăng trưởng kinh tế
Ông Kenichi Ohno. Ảnh: Tuổi trẻ

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhằm đảm bảo mức độ tăng trưởng kinh tế và chiến lược phát triển bền vững, theo ông đâu là vấn đề thiết yếu cần tập trung giải quyết hiện nay?

GS. Kenichi Ohno: Có rất nhiều vấn đề, tuy vậy quan trọng hiện nay là tập trung vào năng suất lao động.

Ngành công nghiệp phụ trợ đã có những thay đổi với những luật mới để hỗ trợ, thực sự doanh nghiệp nhận được hỗ trợ vẫn còn khá nhỏ bé, chúng ta vẫn còn nghĩ đến dàn trải và ảnh hưởng đến số đông. Chúng ta cũng đã cố gắng tập trung vào hỗ trợ ngành công nghiệp cụ thể, tuy nhiên vẫn thất bại, chủ yếu là bởi tư duy và năng lực của phía Việt Nam vẫn còn hạn chế và đôi khi cũng có vấn đề từ phía dự án Nhật Bản.

Sau khi nhìn nhận những vấn đề chung, cần tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực riêng rẽ cụ thể, để từ đó lượng hoá được ngân sách, kế hoạch hành động và tiến hành.

Chúng ta không thể tiến hành làm đến 10 vấn đề cùng một thời điểm được, trong khi rất nhiều vấn đề lại có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Một thời, chúng ta đã nói rất nhiều về ngành công nghiệp phụ trợ, chúng ta bàn về bẫy thu nhập trung bình, những vấn đề liên quan trong thời gian dài. Chúng ta phải nghĩ đến nhân lực thực hiện, kết nối với quy trình đào tạo, hệ thống hậu cần phục vụ được kết nối.

Tôi nghĩ cơ sở hạ tầng đã phát triển rất nhanh trong 20 năm vừa qua, những sân bay, đường cao tốc, tuy vậy hệ thống mềm hỗ trợ vẫn chưa tốt lắm, cụ thể thủ tục, luật cần minh bạch. Chúng ta có nhiều dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, tuy vậy chúng ta cần cải tiến hệ thống. Tôi nghĩ hiện giờ chính phủ đã nhận thức được năng suất lao động là quan trọng. Nhẽ ra là chúng ta nên nhìn nhận về năng suất lao động từ những năm 1990 thay vì đến tận bây giờ.

Ông vừa bắt bệnh cho nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển bền vững cần nâng cao năng suất lao động, ông có thể chẩn đoán kỹ hơn?

GS. Kenichi Ohno: Năng suất lao động Việt Nam làm sao tăng lên từ chỉ số mới chỉ khoảng 4-5% một năm hiện nay. Đó chủ yếu là bởi vì đầu tư vào máy móc thay vì cải thiện kỹ năng lao động. Do vậy, chúng ta cần phải có việc nhìn nhận và bắt đầu tổ chức sắp xếp lại chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). 

Đầu tiên, chúng ta cần biết rõ thực trạng, sau đó mới đưa ra chỉ tiêu làm sao nâng cao năng suất lao động, mức tăng trưởng hiện tại 4-5% hiện tại là khá thấp, có lẽ nên ở mức tăng trưởng 7-8%. Chúng ta cũng cần có phương thức đánh giá chính xác năng suất lao động.

Tại Nhật Bản, khi phát triển nhanh, lúc đó năng suất lao động tăng trưởng luôn ở mức 10% hàng năm, cụ thể thời điểm những năm 1960.

Nếu có thể tăng trưởng được năng suất lao động ở mức 10% là con số rất tốt. Nếu phát triển năng suất lao động ở mức 10%, mức lương cũng sẽ tăng ở mức 10%. Điều đó sẽ đem lại hạnh phúc cho người lao động. Hiện nay nếu chỉ tăng trưởng ở mức 4-5% là không đủ. Tuy nhiên trong tình hình Việt Nam hiện nay, tôi chỉ đưa ra con số trung bình tăng trưởng ở mức 7-8%/một năm.

Câu hỏi chính bây giờ là làm sao cải thiện năng suất lao động ở mức 7-8%. Chúng tôi cũng có nghiên cứu những trường hợp cụ thể về phát triển năng suất quốc gia, năng suất thay đổi, đào tạo lao động, liên kết với những chỉ tiêu về hậu cần. Đấy là một quy trình tuần tự.

Vấn đề trong 20 năm qua của Việt Nam là nói quá nhiều về những vấn đề tương tự nhưng rất ít cụ thể hoá những hành động đạt được mục tiêu.

Tôi cho rằng rất nhiều kết quả đạt được là do nỗ lực của con người, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong khi chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ vẫn chưa đem lại nhiều kết quả to lớn.

Năng suất lao động thấp như hiện nay, đang ảnh hưởng như thế nào đến năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

GS. Kenichi Ohno: Vẫn thấp hơn rất nhiều so với chúng tôi kỳ vọng 20 năm trước. 20 năm trước chúng tôi nói Việt Nam chăm chỉ, dân số trẻ lớn, nhưng đấy là sự phát triển ở mức cá nhân. Khá ngược lại với sự phát triển các doanh nghiệp, không nhiều doanh nghiệp cạnh tranh tốt, mới chỉ khoảng con số 300. Có bao nhiêu doanh nghiệp đủ sức có thương hiệu lớn như FPT, Vinamilk, Viettel? Năng suất lao động nói chung vẫn chưa cao. Cần có biện pháp cụ thể để tiến hành.

Nếu như chúng ta có 100 triệu dân, chúng ta trông mong nhiều hơn thế các công ty có khả năng cạnh tranh toàn cầu hoá sau 20 năm, và năng suất lao động vẫn không được cao, và tôi cho rằng tư duy cần thay đổi.

22 năm qua rồi, giá trị thay đổi, nguồn nhân lực đã thay đổi nhưng nhiều câu chuyện thảo luận vẫn giống vậy. Bây giờ chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực cụ thể mà chúng ta có năng lực thay vì làm tất cả mọi điều, không tập chung vào những điều chung chung. Ở Nhật Bản chúng tôi ban đầu cũng vậy thôi, muốn làm tất cả mọi điều và thường là thất bại.

Vậy Chính phủ cần có biện pháp cụ thể gì để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp?

GS. Kenichi Ohno: Dự báo tăng trưởng năng suất là chấp nhận được, giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình cũng được. Tuy nhiên, tôi cần nhấn mạnh những biện pháp cụ thể để đạt được những mục đích đặt ra là cả vấn đề lớn, và quan trọng là theo đuổi những mục tiêu.

Vậy ai sẽ có thể cam kết và giám sát một cách sát sao kế hoạch đặt ra, từ đó nắm bắt những vấn đề phát sinh để có hướng giải quyết. Tôi hy vọng là Thủ tướng hoặc một ai đó tương tự có thể đứng ra giữ vai trò này. Tại Singapore, Đài Loan, hay châu Phi, Rwanda, Etiopia, lãnh đạo cấp cao rất nghiêm túc theo đuổi những mục tiêu đưa ra.