Góc nhìn pháp lý trong khai thác bản quyền hình ảnh nhìn từ bảng giá thủ môn Bùi Tiến Dũng

An Chi - 10:05, 10/02/2018

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể về quyền khai thác hình ảnh cá nhân để hạn chế các tranh chấp giữa người nổi tiếng với đơn vị quản lý.

Góc nhìn pháp lý trong khai thác bản quyền hình ảnh nhìn từ bảng giá thủ môn Bùi Tiến Dũng
Thủ môn Bùi Tiến Dũng

Chưa có quy định cụ thể trong luật

Sau chiến tích thần kỳ tại giải đấu U23 châu Á 2018, thủ môn U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng đã ngay lập tức vướng vào lùm xùm liên quan đến việc tranh chấp khai thác bản quyền hình hảnh.

Theo đó, CLB FLC Thanh Hoá đã doạ kiện một công ty truyền thông khi tung ra bảng giá kinh doanh hình ảnh của Bùi Tiến Dũng khi chưa được cho phép của tổ chức này.

Bảng giá mà đơn vị này đưa ra áp dụng từ 1/2/2018 với giá một status trên facebook của Bùi Tiến Dũng là 2.500 USD, một lần livestream là 5.500 USD. Cát xê dự sự kiện của chàng thủ thành ở khoảng 10.000 USD (hơn 220 triệu đồng) cho một lần tham dự. Chụp ảnh check-in là 5.000 USD, tham gia chụp ảnh 10.000 USD và giá quay quảng cáo lên đến 50.000 USD.

Đặc biệt, nếu trở thành gương mặt đại diện cho một ngành hàng thì mức thù lao được ấn định cho Bùi Tiến Dũng lên tới hơn 123.000 USD, tương đương hơn 2,7 tỷ đồng. Đây quả thưc là số tiền mà ngay cả những ngôi sao đình đám của giới showbiz cũng phải mơ ước.

Cùng với sức nóng của Bùi Tiến Dũng và các đồng đội của mình, thông tin về bảng giá của thủ môn này cũng "hot" không kém khi chỉ trong một thời gian ngắn, sự việc đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng. 

Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc tranh cãi giữa CLB FLC Thanh Hoá và công ty truyền thông đã tạm lắng xuống khi ban quản lý đội bóng xứ Thanh đã không đưa sự việc lên đỉnh điểm là ra toà như lời công bố của họ trước đó. 

Tuy nhiên, qua vụ việc, một vấn đề rất lớn đang đặt ra hiện nay là việc khai thác bản quyền hình ảnh của các cầu thủ nói riêng và người nổi tiếng nói chung cần phải quản lý như thế nào cho hợp lý.

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, vụ việc của thủ môn Bùi Tiến Dũng như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan pháp luật. Đã đến lúc câu chuyện bản quyền hình ảnh của mỗi cá nhân cần phải được nhìn nhận một cách đúng luật để tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra.

Vấn đề bản quyền khai thác hình ảnh nhìn từ bảng giá thủ môn số 1 U23 Việt Nam
Luật sư Phạm Đức Cường

Trước đó, trao đổi với TheLEADER về vụ việc của CLB FLC Thanh Hoá, Thủ môn Bùi Tiến Dũng và Công ty Truyền thông Orion Football Total, Luật sư Phạm Đức Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Phú Cường cho rằng, hiện nay các quy định pháp luật về quyền chuyển nhượng hình ảnh, thương hiệu cá nhân của các cầu thủ nói riêng hay người nổi tiếng nói riêng còn chưa rõ ràng.

Do đó, trong vụ việc giữa ba bên CLB FLC Thanh Hoá, Thủ môn Bùi Tiến Dũng và Công ty truyền thông, tính pháp lý hoàn toàn phụ thuộc vào bản hợp đồng được ký giữa các bên với nhau. Nếu CLB FLC Thanh Hoá đưa vụ việc ra toà án để xét xử, pháp luật sẽ căn cứ trên các bản bản hợp đồng này để quyết định, Luật sư Cường khẳng định.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cũng cho rằng, nếu như trên thế giới, các quy định về bản quyền hình ảnh của cá nhân đã được quy định rất rõ ràng thì tại Việt Nam phải đến thời gian gần đây mới bắt đầu đặt ra những quy định cho việc này. 

Tuy nhiên, các quy định pháp luật vẫn còn rất mơ hồ. Bộ luật Lao động hiện tại hoàn toàn không có đề cập gì đến quyền lợi của người lao động cũng như các thành viên trong CLB với cầu thủ về vấn đề hình ảnh.

Cũng theo bộ luật này, nếu coi các cầu thủ bóng đá như những người lao động thì các cơ quan, tổ chức không có bất cứ quyền gì để hạn chế quyền của người lao động. Luật không hạn chế họ ký hợp đồng bàn quyền thương hiệu với các công ty khác, trừ các CLB có cam kết, thoả thuận riêng với cầu thủ.

Chính vì vậy, hợp đồng giữa hai bên là căn cứ duy nhất để xác định thính pháp lý của vụ việc. Theo Luật sư Đức, đa số các liên đoàn bóng đá, CLB hiện nay đều tự đặt ra một số quy tắc ứng xử riêng cho mình.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là vì chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng, chưa có kinh nghiêm thực tế nên đa số các hợp đồng này còn sơ sài. Điều này dẫn đến việc dễ xảy ra tranh chấp.

Cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng về quyền khai thác hình ảnh

Từ câu chuyện của thủ môn Bùi Tiến Dũng, nhìn rộng ra là vấn đề bản quyền hình ảnh của Việt Nam. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Việt Nam đã bước đầu đã có nhiều hợp đồng, cam kết thoả thuận, các công ty chuyên nghiệp đứng ra thực hiện việc khai thác quản lý các hình ảnh của các cá nhân, nhất là đối với những người nổi tiếng.

Tuy nhiên về số đông dư luận, kể cả các cơ quan báo chí, công ty hay một đơn vị bất kỳ khi in lịch hoặc quảng cáo về một sản phẩm nào đấy, họ vẫn thường lấy các hình ảnh đẹp của những người nổi tiếng để PR cho sản phẩm của minh.

Trong khi đó, dẫn quy định tại Điều 32, Bộ Luật Dân sự, vị luật sư này cho rằng, về nguyên tắc cá nhân có quyền quyết định toàn bộ đối với hành ảnh của mình. Các cá nhân, tổ chức khai thác hình ảnh sẽ phải trả tiền bản quyền hoặc có thoả thuận từ trước với người sở hữu hình ảnh.

Khi khai thác hình ảnh của người nổi tiếng theo hướng tích cực, đồng nghĩa với việc hình ảnh đó sẽ giúp các tổ chức, cá nhân lôi kéo được sự quan tâm của cộng đồng, từ đó có lợi cho sản xuất kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp. Do đó, người bị khai thác hình hành đương nhiên sẽ phải được chia sẻ lợi nhuận. 

Số lợi nhuận từ việc khai thác hình hảnh này có thể thuộc về cá nhân người sở hữu hình ảnh đó hoặc phải chia cho công ty, đơn bị quản lý.

Theo Luật sư Đức, về lâu dài, các cơ quan pháp lý cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để đảm bảo hạn chế các tranh chấp giữa người nổi tiếng với đơn vị quản lý trong tương lai.

Giữa các các cá nhân và cơ quan quản lý cần có các ràng buộc ngay từ đầu về việc khai thác hình ảnh để ký kết các thoả thuận, cam kết. Đồng thời, giúp người sở hữu hình ảnh có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhận định.