Grab đặt một chân vào thị trường cung ứng cho các cửa hàng

Việt Hưng - 14:52, 15/06/2020

TheLEADERCác đối tác kinh doanh của Grab có thể mua hàng và nguyên liệu ở mức giá bán sỉ, đồng thời được giao hàng nhanh chóng, tiện lợi ngay ngày hôm sau.

Grab vừa qua công bố Chương trình hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thích nghi với trạng thái bình thường mới hậu Covid-19. Chương trình bao gồm các công cụ và sáng kiến ​​hỗ trợ doanh nghiệp đang kinh doanh offline dễ dàng chuyển sang kinh doanh online.

Cụ thể là GrabMerchant - một nền tảng tự phục vụ gồm tất cả-trong-một để các chủ doanh nghiệp có thể phát triển tập khách hàng trên nền tảng trực tuyến, tối ưu hóa vận hành, đồng thời kiểm soát chi phí.

Nổi bật là tính năng Cung ứng (Supplies): Đối tác kinh doanh của Grab có thể mua hàng và nguyên liệu ở mức giá bán sỉ, đồng thời được giao hàng nhanh chóng, tiện lợi ngay ngày hôm sau.

Grab đặt một chân vào thị trường cung ứng cho các cửa hàng
Grab đặt một chân vào thị trường cung ứng cho các cửa hàng

Self-onboarding (Tự đăng ký cửa hàng): Các doanh nghiệp nhỏ có thể xây dựng một cửa hàng trực tuyến, thiết lập các tùy chọn thanh toán không tiền mặt và hoạt động trên Grab, tất cả chỉ trong vòng 24 giờ.

Phân tích chi tiết (Insights): Công cụ phân tích chi tiết cung cấp cho đối tác kinh doanh của Grab những thông tin về doanh số, vận hành, thói quen mua hàng của người tiêu dùng, cũng như mức độ hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị. Công cụ này cho phép các đối tác của Grab phát hiện và nhanh chóng bắt kịp các cơ hội mới, ví dụ như tạo ra các bữa ăn dựa trên những món khách hàng đang đặt. Đồng thời, công cụ cũng giúp doanh nghiệp giải quyết sự thiếu hiệu quả trong vận hành.

Quảng cáo (Ads): Công cụ chạy quảng cáo tạo điều kiện cho các đối tác cửa hàng xây dựng banner quảng cáo và tìm kiếm món ăn, đồng thời có thể theo dõi hiệu suất quảng cáo theo thời gian thực.

Dự kiến, GrabMerchant phiên bản ứng dụng sẽ bắt đầu được ra mắt vào tháng 6/2020, sau đó là phiên bản website từ tháng 7/2020 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

"Dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng các dịch vụ online tăng vượt bậc gần như chỉ sau một đêm. Điều này đang thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở Đông Nam Á, nhưng cũng tạo ra nguy cơ về khoảng cách số[1] trong khu vực. Các doanh nghiệp nhỏ là xương sống của nền kinh tế Đông Nam Á, dù vậy đại đa số họ đều hoạt động offline. Họ cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau", bà Hooi Ling Tan, đồng sáng lập Grab cho biết.

Bà Hooi Ling Tan đánh giá, các biện pháp giãn cách xã hội đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Xu hướng này được dự báo có thể kéo dài vĩnh viễn ngay cả khi những hạn chế di chuyển được gỡ bỏ. 

Người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn khi ra ngoài, nhiều công ty thậm chí đã có kế hoạch cho nhân viên làm việc tại nhà vô thời hạn. Tuy nhiên, chỉ có 34% doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á đang có mặt trên nền tảng trực tuyến.

Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số - bằng cách cho phép cửa hàng của họ xuất hiện trên nền tảng Grab, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp này tích hợp thanh toán điện tử.

Theo một cuộc khảo sát nội bộ với các doanh nghiệp nhỏ đã có cửa hàng trên nền tảng Grab, 76% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ thêm để tăng hiển thị trực tuyến, 56% doanh nghiệp muốn hỗ trợ thêm các công cụ để cải tiến cũng như nắm bắt được xu hướng và hành vi của khách hàng để phát triển doanh nghiệp.