Hai bệnh viện đầu tiên tại Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri La hoạt động ra sao?

Trần Anh - 14:05, 31/07/2019

TheLEADERBệnh viện Quốc tế City và Bệnh viện Gia An 115 là 2 trong 6 bệnh viện theo quy hoạch của Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm –Shangri La đã đi vào hoạt động.

Hai bệnh viện đầu tiên tại Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri La hoạt động ra sao?
Bệnh viện Quốc tế City

Năm 2008, hơn 37 ha đất tại Quận Bình Tân (TP. HCM) được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM giao cho liên doanh Hoa Lâm – Shangri La để xây dựng “Thành phố y tế” với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm. 

Đây là dự án Khu y tế kỹ thuật cao có tổng đầu tư 1 tỷ USD được thiết kế dựa trên ý tưởng xây dựng các bệnh viện tư nhân kết hợp với các khu thương mại, khu nhà ở và các tiện ích khác.

Liên doanh Hoa Lâm – Shangri La do tập đoàn Aseana Properties sở hữu 72% cổ phần, phần còn lại thuộc về tập đoàn Hoa Lâm và các nhà đầu tư khác. Aseana Properties là tập đoàn chuyên đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam và Malaysia.

Năm 2014, Bệnh viện quốc tế City (City International Hospital - CIH) do liên doanh này phát triển trong Khu y tế kỹ thuật cao chính thức đi vào hoạt động. Đây là mảng được Hoa Lâm kỳ vọng rất lớn và là mũi nhọn phát triển chủ lực của tập đoàn từ nhiều năm nay.

Báo cáo của Aseana Properties cho thấy, trong vòng 4 năm từ 2015 đến 2018, quy mô khám chữa bệnh, điều trị nội trú của bệnh viện đã tăng hơn 3 lần.

Cụ thể, Bệnh viện Quốc tế ghi nhận 14,8 nghìn lượt điều trị nội trú và 68,4 nghìn lượt điều trị ngoại trú trong năm 2018, tăng mạnh so với 4,5 nghìn lượt điều trị nội trú và 19,3 nghìn lượt điều trị ngoại trú năm 2015.

Doanh thu của bệnh viện, theo đó, cũng tăng từ 4,2 triệu USD năm 2015 lên 12,7 triệu USD vào năm 2018. Sự tăng trưởng của CIH phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người Việt.

Bên cạnh đó, việc CIH giảm chi phí điều trị ngoại trú cũng là biện pháp kích cầu người đên bệnh viện. Năm 2018, mức chi trả cho mỗi lượt điều trị ngoại trú chỉ là 78 USD, giảm khoàng 30% so với mức 102 USD/người năm 2015.

Mặc dù doanh thu tăng, song chi phí vận hành tăng cao và chi phí tài chính lớn khiến bệnh viện chưa có lãi. Bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm từng chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực y tế rất khó lời, phải mất nhiều năm mới thu hồi được vốn.

Nữ doanh nhân này cho biết, xây dựng bệnh viện là ước mơ ấp ủ từ lâu và quyết tâm hoàn thành dù quá trình lập và xây dựng dự án Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri La gặp rất nhiều khó khăn. Bà nói, nếu chỉ vì mục tiêu kiếm tiền sẽ không bao giờ theo đuổi việc xây dựng bệnh viện.

Tại khu vực này, Tập đoàn Hoa Lâm còn đầu tư xây dựng Bệnh viện Gia An 115 theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Dự án có quy mô 367 giường bệnh với tổng đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Bệnh viện Gia An 115 đã đi vào hoạt động cuối năm 2018 với sự hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Nhân dân 115.

Đây là bệnh viện thứ 2 trong Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri La. Bệnh viện Gia An 115 được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện công tuyến cuối tại TP. HCM. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố và đặc biệt cho khu vực cửa ngõ phía Tây.

Từ tháng 4 năm 2019, với việc thông tuyến Bảo hiểm y tế loại 3 toàn quốc, Bệnh viện Gia An 115 đã thu hút đông đảo người bệnh đến khám và điều trị.