Hai lộ trình giúp Việt Nam đạt mục tiêu kép về tăng trưởng và khí hậu

Kiều Mai - 11:18, 25/07/2022

TheLEADERHai lộ trình này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, đồng thời tăng GDP bình quân đầu người hơn 5%/năm – tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, theo Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Theo phân tích của Nhóm Ngân hàng Thế giới, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, và có thể khiến tới một triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Để giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai, “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam” của Nhóm Ngân hàng Thế giới mới đây đã đưa ra các khuyến nghị cho cả khu vực nhà nước và tư nhân để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, hoàn thành cam kết về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Việt Nam cần áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu; và giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng thông qua cắt giảm lượng phát thải và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon.

Nếu được thiết kế hiệu quả, hai lộ trình này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, mà còn thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng hơn 5% một năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Cụ thể, trong lộ trình xây dựng khả năng thích ứng, các biện pháp thích ứng cần tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại và công nghiệp, các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Việt Nam có thể chuyển các khoản trợ cấp đầu vào nông nghiệp (chủ yếu là sử dụng nước và phân bón) sang thúc đẩy áp dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu, hỗ trợ đầu tư nông nghiệp quy mô lớn bằng cách tăng cường các mô hình trang trại hợp tác và tạo điều kiện gia nhập thị trường cho các nhà khai thác lớn.

Bên cạnh đó, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các nông hộ có quy mô nhỏ bằng cách loại bỏ trần cho vay của ngân hàng, và cho phép sử dụng biên lai lưu kho và cây trồng làm tài sản thế chấp.

Nhóm Ngân hàng Thế giới lưu ý các cải cách chính sách bổ trợ trong lĩnh vực tài khóa và tài chính có thể kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Đơn cử, Việt Nam có thể sử dụng công cụ chia sẻ rủi ro như các phương tiện bảo đảm vốn công được phối hợp với vốn tư thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro; ngân hàng xanh và vốn vay xanh cung cấp tài chính cho các dự án được xem xét đóng góp vào phát triển thích ứng với khí hậu.

Hay Việt Nam có thể sử dụng các trái phiếu xanh, trong đó tiền lãi được sử dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án khả thi đóng góp cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng nhu cầu tài chính ước tính khoảng 254 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040, bao gồm khoảng 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng, cộng với 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội.

Với lộ trình khử carbon, Nhóm Ngân hàng Thế giới đề xuất Việt Nam cần đầu tư lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp – các lĩnh vực phát thải chính.

Dựa trên các phân tích ngành, có thể thấy sự chuyển dịch năng lượng cần phải là xương sống trong chương trình quốc gia và nhiều quyết định đầu tư cần đưa ra trước để đạt hiệu quả nhất.

Báo cáo lưu ý các khoản đầu tư ngành sẽ cần được hỗ trợ bởi công cụ định giá carbon. Công cụ này sẽ thay đổi hành vi sang các hoạt động phát thải thấp, và giúp huy động vốn cho quá trình chuyển đổi.

Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP, đơn cử như ưu tiên các hành động giảm ô nhiễm không khí, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hay cải thiện khả năng dịch chuyển lao động trên thị trường trong nước.

Trong lộ trình khử carbon, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2022 – 2040 lên tới 114 tỷ USD, chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỷ USD), một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỷ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỷ USD).