Hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

Phạm Sơn - 09:55, 21/09/2020

TheLEADERVới dư địa của giai đoạn bùng nổ kinh tế kéo dài 30 năm, cùng những thành công trong việc khống chế đại dịch, Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển đang bị gián đoạn thông qua các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế thích hợp.

Hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam
Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á chứng kiến mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Vừa qua, đơn vị nghiên cứu thị trường McKinsey đã thực hiện loạt báo cáo đánh giá toàn bộ tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam cùng những tiềm năng phục hồi và phát triển của quốc gia này.

McKinsey đánh giá, những nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 nhất quán và triệt để đã giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng vững sau những cú sốc nặng nề. Trước đó, các nghiên cứu của nhiều tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)Oxford Economics đều dự đoán Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á chứng kiến mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Việt Nam cũng được xếp hạng vào nhóm 11 quốc gia đạt hiệu suất toàn cầu vượt trội vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên tới hơn 5% mỗi năm và công tác xóa đói giảm nghèo thành công ngoài mong đợi.

Tiềm năng phát triển vẫn còn dồi dào ở thị trường năng động bậc nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng ấy, Việt Nam cần có những quyết sách phù hợp nhằm tái định hình nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Định vị lại vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động du lịch cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực gia công, chế tạo.

Thu hút FDI là một trong những nền tảng tạo ra tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trong suốt thời gian qua và vẫn sẽ đóng góp lớn vào nền kinh tế hậu đại dịch. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển dòng vốn nhằm tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp cho việc thu hút đầu tư có chọn lọc, đồng thời tăng cường hiệu quả dòng vốn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nâng cao chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng

Giáo dục, năng suất lao động và cơ sở hạ tầng là những yếu tố then chốt giúp đảm bảo quá trình phát triển bền vững và lâu dài.

Giáo dục là trọng tâm then chốt trong công tác xã hội của Việt Nam với những thành tựu đáng kể. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Chỉ số vốn nhân lực (HCI) rơi vào khoảng 0,69, cao hơn so với nhiều quốc gia đầu tư mạnh tay hơn vào giáo dục.

Hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giữ vững ở mức trên 6% nhưng không có đóng góp lớn từ sự nâng cao năng suất lao động. Ảnh: McKinsey.

Tuy nhiên, McKinsey đề xuất phương án đầu tư vào giáo dục theo hướng nâng cao năng suất lao động để tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra lợi thế mới cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo một khảo sát của McKinsey, các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra tương đối hào hứng với xu hướng chuyển đổi số nhưng khả năng ứng dụng vẫn chưa sâu, đòi hỏi sự hỗ trợ và nỗ lực từ chính phủ cũng như các bên liên quan.

Về cơ sở hạ tầng, logistics và giao thông vận tải vẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên cần phải cân đối các khoản chi tiêu công, xem xét lại mức nợ công, tránh gây ra những rủi ro cho nền kinh tế.

Đầu tư vào doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực phi chính thức

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp cùng khu vực kinh tế phi chính thức đóng vai trò thúc đẩy nguồn cầu nội địa và cần được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 gây ra những hậu quả nặng nề.

Năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nhận được 741 triệu USD vốn đầu tư, một con số nhỏ so với các quốc gia trong khu vực, đòi hỏi nỗ lực của các bên liên quan trong việc xây dựng cơ chế bài bản và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 28% GDP nhưng có tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với khu vực tư nhân và FDI, tạo ra những cản trở nhất định cho nền kinh tế.

Các chuyên gia McKinsey đề xuất khu vực nhà nước cần tiếp tục được tinh gọn, mặc dù đã giảm hơn 90% về số lượng kể từ năm 2001, thông qua các chính sách cổ phần hóa và thoái vốn. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra động lực giúp các công ty quốc doanh mở rộng tầm ảnh hưởng và sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nội địa cũng là nội dung chính trong chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro gây ra bởi sự phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI.

Hướng tới phát triển bền vững

Nằm trong top 10 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong tiến trình cắt giảm khí thải nhà kính thông qua thúc đẩy năng lượng sạch cũng như chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thâm dụng vốn tự nhiên.

Theo mục tiêu mới nhất của chính phủ Việt Nam, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 25% cơ cấu năng lượng, thay vì 13% như chiến lược cũ.

Để thực hiện được mục tiêu này, McKinsey đề xuất chính phủ cần có chính sách khuyến khích đầu tư thông qua ưu đãi, bên cạnh tiến hành đánh giá chi tiết năng lực lưới điện cho các dự án năng lượng mới.