Hợp tác công – tư thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Phạm Nhật - 09:54, 05/06/2024

TheLEADERTheo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi nỗ lực cả từ phía chính sách cùng sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp.

Chuẩn bị cho việc thực thi trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc theo công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nhiều doanh nghiệp đã triển khai sáng kiến tái thiết kế bao bì theo hướng giảm phát sinh rác thải, tăng khả năng xử lý và thu gom, đơn cử các hãng Coca Cola, La Vie… đã loại bỏ màng co nắp chai.

Tuy nhiên, theo các nhà tái chế, những sáng kiến đột phá hơn đối với bao bì khó có thể áp dụng bởi chưa có chính sách quy định chi tiết quy cách bao bì bền vững, chẳng hạn như yêu cầu keo dán nhãn phải dễ tan trong nước hay các cấu kiện của chai phải làm từ cùng một loại nhựa.

Điều này cho thấy, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp khó có thể tạo ra đột phá nếu chính sách không theo kịp và phát huy vai trò điều phối, thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chính vì vậy, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thiết lập quan hệ hợp tác công – tư lành mạnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hợp tác công – tư thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
TS. Trần Thị Hồng Minh tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững". Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Bởi lẽ, như ví dụ ở trên, doanh nghiệp khó có thể tự triển khai hiệu quả kinh tế tuần hoàn nếu không có chính sách, do kinh tế tuần hoàn là khái niệm còn mới đối với doanh nghiệp và người lao động.

“Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách phải lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp một cách thân thiện”, Viện trưởng CIEM nói.

Mặt khác, đi trên một con đường hoàn toàn mới là kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp khó tránh khỏi những rủi ro trong quá trình thiết kế hoặc thực thi. Như vậy, chính sách cần đóng vai trò như một “vùng đệm” để doanh nghiệp hạn chế rủi ro, qua đó mạnh dạn triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, nỗ lực của các chủ thể chính sách cũng không có nghĩa lý gì nếu thiếu vắng đi sự chủ động tham gia và thực hiện từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Sự chủ động này, theo bà Minh, xuất phát từ chính nhu cầu thường trực của doanh nghiệp là tìm kiếm giải pháp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, tiếp cận thị trường, tiếp cận các nhà đầu tư cũng như nhu cầu đổi mới công nghệ.

Chính vì vậy, bà Minh nhấn mạnh, Việt Nam cần cân nhắc, tập trung xử lý các vấn đề bất cập trong hợp tác công – tư để phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cả khu vực công và khu vực tư về mô hình này.

Nhận thức đúng và đồng nhất từ khâu thiết kế tới khâu triển khai, từ lãnh đạo, cấp quản lý tới từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và người dân là tiền đề quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt khi nếp sản xuất, tư duy tiêu dùng cũ đã ăn sâu, trong khi công tác truyền thông nâng cao nhận thức vẫn còn hạn chế.

Trong tình hình đó, bà Minh cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn, chính sách cần nâng cao nhận thức về khía cạnh “kinh tế” của kinh tế tuần hoàn thông qua tiết giảm tài nguyên, tái tạo thiên nhiên, thay vì chỉ dừng ở nội dung cắt giảm khí thải.

Bên cạnh đó, khung chính sách và pháp lý về kinh tế tuần hoàn phải đủ rộng nhưng cũng đủ ổn định trong trung và dài hạn, có giải pháp gắn kết các lĩnh vực để tạo thuận lợi, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bởi đây là khái niệm mới nên sự đối thoại, trao đổi giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng để tìm hiểu vướng mắc và kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Mặt khác, cần nghiên cứu ban hành cơ chế huy động sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, mua sắm công xanh, từ đó có nguồn lực bổ sung quan trọng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.