Kẻ ngược đường trong cuộc chơi điện than

Minh Nhật - 07:16, 27/04/2022

TheLEADERTrong khi phần lớn thế giới đang cam kết và hành động cắt giảm điện than vì mục tiêu khí hậu, Trung Quốc lại cho thấy sự gia tăng đáng chú ý, chiếm tới 56% lượng bổ sung mới.

Sự gia tăng của các nhà máy điện than mới với công suất hơn 25GW của Trung Quốc gần như đã lấp đầy khoảng trống của các nhà máy dừng hoạt động trên phần còn lại của thế giới vào năm 2021, theo dữ liệu báo cáo mới nhất từ Cơ quan Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM).

Mức tổng công suất của các nhà máy điện than mới tại Trung Quốc năm 2021 chiếm tới 56% lượng bổ sung mới trên toàn cầu. Trong khi đó, công suất bị dừng hoạt động chỉ ở khoảng 1,2 – 2,1GW (chỉ tính tới việc dừng hoạt động của các tổ máy từ 30MW trở lên) – mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Kẻ ngược đường trong cuộc chơi điện than
Công suất điện than được xây dựng vào năm 2021 theo quốc gia (GW). Nguồn: GEM.

Không chỉ vậy, trong suốt năm 2021, thị phần điện than đang phát triển của Trung Quốc tăng đáng chú ý, từ 7% lên 55%, tương đương 251GW, ghi nhận lần đầu tiên Trung Quốc chiếm hơn một nửa công suất đang phát triển. Công suất này bao gồm các giai đoạn đã được công bố, trước khi cho phép, được cho phép và đang xây dựng.

Các nhà máy điện than mới đã khởi công năm ngoái tại Trung Quốc đánh dấu mức lớn nhất kể từ năm 2016, và gần gấp ba so với phần còn lại của thế giới.

Kẻ ngược đường trong cuộc chơi điện than
Điện than toàn cầu trong quá trình đang xây dựng và tiền xây dựng, giai đoạn 2015–2021 (GW).

GEM đánh giá các mục tiêu về khí hậu của Trung Quốc vẫn chưa khiến nước này buộc phải thu hẹp công suất điện than. Các động lực chính của việc tiếp tục mở rộng điện than ở thị trường tỷ dân này bao gồm đầu tư không đủ vào năng lượng sạch; việc quy hoạch và vận hành lưới điện lạc hậu, với mỗi tỉnh đều quy hoạch công suất như một hòn đảo biệt lập.

Cùng với đó là mâu thuẫn giữa chính sách của chính quyền trung ương về tăng cường truyền tải điện từ tây sang đông với sự ưu tiên của chính quyền các tỉnh miền đông và ven biển để tạo ra điện tại địa phương.

Cụ thể, trong nửa cuối 2021, Trung Quốc đã trải qua tình trạng thiếu than và điện than, dẫn đến việc phân bổ điện ở hơn một nửa số tỉnh ở mức đỉnh điểm thiếu thốn vào tháng 9. Cuộc khủng hoảng đã được các nhóm ủng hộ than tận dụng thành công để viết lại chính sách năng lượng tại quốc gia này.

Theo GEM, sự chuyển dịch các luồng gió chính trị dường như đã dẫn đến việc tiếp tục cho phép các nhà máy điện than vào đầu năm nay, với ít nhất 7,3GW công suất mới được cho phép chỉ trong sáu tuần đầu tiên, nhiều hơn gấp đôi so với toàn bộ công suất năm ngoái.

Ngoài ra, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia (NDRC) của Trung Quốc gần đây đã kêu gọi tăng tốc phê duyệt và xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới để thúc đẩy nhu cầu về ngành sản xuất thiết bị (nhà máy điện) – thay vì từ nhu cầu tăng công suất điện than.

Các dự án điện than mới nhất của Trung Quốc bắt đầu tại các khu vực xuất khẩu điện là Quý Châu, Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây và Cam Túc, và nhiều trong số này cũng đóng vai trò chính trong phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, các kế hoạch truyền tải điện từ Tây sang Đông lại phụ thuộc nhiều vào mở rộng nhiệt điện than, GEM đánh giá.

Bên cạnh đó, Hồ Nam đã công bố tám dự án phát nhiệt điện trong kế hoạch 5 năm sau khi gặp phải tình trạng thiếu điện vào mùa đông giai đoạn 2020 – 2021, khi nhiều nhà máy điện than không thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C và sản lượng thủy điện yếu do mưa ít.

Tình trạng thiếu điện vẫn xảy ra mặc dù khu vực lưới điện trung ương, trực thuộc Hồ Nam, có công suất điện lớn hơn nhiều so với mức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm, cho thấy cách thức quản lý lưới điện vẫn còn thiếu sót.

Các nhà máy điện than mới có tuổi thọ điển hình là 20 – 50 năm, và sẽ khiến ngành điện rơi vào tình trạng phụ thuộc nhiều hơn vào than. Nếu theo Thỏa thuận chung Paris, sẽ không còn chỗ xây dựng và vận hành cho lượng công suất mới này.

Theo đó, cần phải chuyển dịch hoàn toàn các đầu tư mới sang công suất điện sạch để đưa Trung Quốc đi đúng hướng trong phát thải CO2 và tránh tình trạng dư thừa công suất không cần thiết.

“Do ngành điện của Trung Quốc là nguồn gia tăng lượng khí thải hóa thạch toàn cầu chính trong hai năm qua, việc hướng tất cả các khoản đầu tư mới vào sản xuất điện sạch sẽ là một đóng góp quan trọng nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”, GEM nhấn mạnh.