Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ ngừng xuất khẩu nhà máy điện than

Nhật Minh - 10:44, 23/09/2021

TheLEADERCùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, động thái mới nhất từ Trung Quốc sẽ thắt chặt đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện mới trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

Mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết, động thái này có thể hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy điện than tại các nước đang phát triển.

Nhiều áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc trong việc chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than tại nước ngoài đã được đưa ra, nhằm giúp thế giới giảm lượng khí thải các-bon, và dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Ông Tập cho biết thêm Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và thúc đẩy nguồn năng lượng các-bon thấp.

a
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia đầu tư nhiệt điện than tại nước ngoài lớn nhất thế giới.

Justin Guay, Giám đốc chiến lược khí hậu toàn cầu tại Sunrise Project – một nhóm vận động cho quá trình chuyển dịch toàn cầu khỏi than và nhiên liệu hóa thạch, nhận định nếu như không có nguồn tài chính từ Trung Quốc, sẽ có rất ít hoặc hầu như là sẽ không còn sự gia tăng của điện than trên toàn cầu.

Theo tính toán từ Global Energy Monitor, động thái mới nhất của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến 44 nhà máy điện than với tổng trị giá đầu tư 50 tỷ USD.

Tuyên bố của ông Tập tiếp nối các động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản, khi các quốc gia cung cấp tài chính lớn này đã cam kết chấm dứt tài trợ công cho điện than ở nước ngoài.

Những dịch chuyển này được đánh giá sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong việc cung cấp tài chính và hỗ trợ khác cho việc mở rộng công suất điện than tại châu Á.

Cụ thể, vào tháng 7/2020, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ không cung cấp hỗ trợ mới liên quan đến than cho các nước không hiểu về tình hình năng lượng địa phương, các cam kết về khí hậu và các chính sách phát triển các-bon thấp.

Trước đó, một số công ty thương mại và ngân hàng ở Nhật Bản đã bắt đầu rút khỏi lĩnh vực than, bao gồm Daiichi Life Insurance, Sumitomo Mitsui Financial Group, Marubeni Corporation, Mitsui &Co., và Mitsubishi Corporation.

Cuối tháng 4 năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khí hậu do Mỹ tổ chức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố Hàn Quốc sẽ chấm dứt hoạt động sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ xây dựng nhà máy điện than ở nước ngoài.

Quốc gia này hiện là nhà đầu tư điện than ở nước ngoài lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Một số tổ chức tài chính tư nhân và công ty của Hàn Quốc trước đó đã tuyên bố chấm dứt ủng hộ các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm KB Financial Group, Shinhan, KEB Hana và Samsung.

Quy mô đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào điện than

Theo dữ liệu phân tích của Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, trong giai đoạn 2013 – 2019, các tổ chức của Trung Quốc (bao gồm các ngân hàng chính sách, các ngân hàng thương mại nhà nước và tư nhân, các công ty) đã tham gia đầu tư và tài trợ 68,8GW công suất các dự án điện than ở nước ngoài, trong đó khoảng 32GW đã hoạt động, và 37GW đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc xây dựng.

Hai ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (ChEXIM), là nguồn cung cấp tài chính điện than ở nước ngoài lớn nhất.

Từ năm 2013 đến năm 2018, CDB và ChEXIM đã cung cấp 15,6 tỷ USD cho các dự án điện than ở nước ngoài, chiếm 50% tổng quy mô tài trợ điện than xuyên biên giới từ khu vực công của Trung Quốc trong cùng thời kỳ. Khoản tài trợ này dành cho việc xây dựng 16GW công suất lắp đặt điện than.

Quy mô công suất lắp đặt điện than ở nước ngoài do các nguồn tài chính khác của Trung Quốc hỗ trợ, chẳng hạn như các ngân hàng thương mại quốc doanh và tư nhân, bằng một nửa con số của CDB và ChEXIM.

Hầu hết các dự án được hỗ trợ bởi nguồn tài chính ngoài lĩnh vực công vẫn nằm trong quy hoạch hoặc đang trong giai đoạn xây dựng.

Tính từ năm 2000, các quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhận vốn từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc vào các dự án điện than là Indonesia, Việt Nam, Pakistan, Nam Phi, Ấn Độ và Bangladesh. 

a
Nguồn: Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu, Trường Đại học Boston.

Trong những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài đã giảm mạnh.

Năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và thủy điện) ở các nước nằm trong sáng kiến Vành đai và con đường lần đầu tiên vượt quá mức đầu tư vào các dự án năng lượng hóa thạch, chiếm 56% tổng đầu tư vào năng lượng ở các nước đó.

Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc không cấp vốn hoặc đầu tư vào bất kỳ dự án than nào (kể cả điện than và khai thác than) ở các nước thuộc Vành đai và con đường, theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Kể từ năm 2020, ngày càng nhiều các nền kinh tế đang phát triển dọc theo Vành đai và con đường đã thực hiện những bước đi lớn nhằm thoát khỏi các kế hoạch mở rộng điện than đầy tham vọng trước đây.

Sự tăng cường đồng thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu và nhu cầu về một quá trình chuyển đổi năng lượng đã đóng một phần vai trò trong sự thay đổi này.

Vì vậy, bản chất gây tranh cãi và rủi ro của các dự án nhà máy điện, và khó khăn ngày càng tăng trong việc đảm bảo nguồn tài chính càng đẩy nhanh quá trình đó khi các ngân hàng từ các nước phương Tây và châu Á không tài trợ cho lĩnh vực điện than và khai thác mỏ nữa.

Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh trong triển vọng tăng trưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 đã khiến cho nguy cơ thừa công suất điện than và trở thành tài sản mắc kẹt ngày càng hiện hữu.