Khai phá tiềm năng Tây Nguyên

15:38, 16/11/2022

TheLEADERChương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW với nhiều nội dung đột phá, hứa hẹn mở ra cơ hội mới cho Tây Nguyên phát triển bền vững.

Tây Nguyên được biết đến như một vùng cao nguyên rộng lớn, sở hữu nhiều lợi thế như khí hậu, thổ nhưỡng cùng nhiều tài nguyên quý hiếm. Đặc biệt, Tây Nguyên là nơi có sự hiện diện của cả 54 dân tộc anh em, trong đó đồng bảo thiểu số chiếm khoảng gần 40%, tức là 2,2 triệu người. Đồng bào dân tộc đã tạo cho vùng đất này nhiều giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm vật thể và phi vật thể, được chứng nhận ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhìn ra những tiềm năng đó để triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, điển hình như những dự án xây nhà kính trồng hoa quả chất lượng cao; canh tác dược liệu dưới tán rừng; chăn nuôi gia súc công nghệ cao…

Nhìn nhận, đánh giá lại 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo Thứ trưởng, Tây Nguyên đã đạt được mức tăng trưởng nhanh về quy mô kinh tế, trở thành vùng chủ lực sản xuất một số loại nông sản chủ lực. Một số địa phương thuộc Tây Nguyên cũng có những bước đi mang tính đột phá, trở thành điểm sáng của vùng và của cả nước.

Về văn hóa, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc, tôn giáo đã được thực hiện tốt, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tinh thần nỗ lực phấn đấu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, những thành tựu ấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Tây Nguyên. Tăng trưởng kinh tế của vùng bộc lộ nhiều yếu tố thiếu bền vững và đang có xu hướng chững lại. Thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong cả 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.

Những thách thức này đặt ra yêu cầu cần phải có những cơ chế mới nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng của Tây Nguyên phù hợp với xu thế chung về phát triển bền vững của thế giới. Từ đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khai phá tiềm năng Tây Nguyên
Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì Họp báo về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Ảnh. MPI

Thực hiện Nghị quyết 23, ông Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, với nhiều nội dung đột phá, hứa hẹn sẽ khơi thông điểm nghẽn, cởi trói tiềm năng cho Tây Nguyên phát triển bền vững.

Về kinh tế, Tây Nguyên sẽ chú trọng thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, khai phá lợi thế về điện gió, điện mặt trời; khai thác mỏ bô xít bền vững gắn với chế biến sâu để tạo ra nhôm thành phẩm; phát triển hệ sinh thái rừng, nông nghiệp, dược liệu dưới tán rừng.

Cơ sở hạ tầng là điểm nghẽn cản trở Tây Nguyên. Theo Thứ trưởng, Chương trình hành động cũng sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện 5 tuyến cao tốc đến năm 2030, bao gồm các tuyến kết nối nội vùng và kết nối liên vùng. 3 cảng hàng không hiện có là Liên Khương; Pleiku và Buôn Ma Thuột sẽ được mở rộng và nâng cấp.

Đặc biệt, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là tuyến đường sắt cổ, có từ thời Pháp thuộc, sẽ được nghiên cứu khai thác trở lại để phục vụ du lịch.

Du lịch Tây Nguyên được định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, du lịch gắn với sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường và phát huy văn hóa truyền thống của Tây Nguyên. Chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Thứ trưởng cho biết, trung tâm của các nhóm giải pháp phát triển Tây Nguyên là bản quy hoạch vùng, sẽ được hoàn thành vào năm 2023. Quy hoạch vùng dự kiến chia Tây Nguyên thành 3 tiểu vùng, với định hướng phát triển riêng phù hợp với thế mạnh. Các tiểu vùng cũng sẽ được chú trọng liên kết chặt chẽ với những vùng lân cận như Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ…

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW sẽ được Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố tại hội nghị ngày 19 - 20/11/2022 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với chủ đề Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững. Đây là hội nghị “3 trong 1”, vừa công bố Chương trình hành động, vừa kêu gọi, xúc tiến đầu tư và tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững.