Khi sáng kiến phát triển bền vững được đưa ra bởi bộ phận kinh doanh
Phạm Sơn
Thứ tư, 20/03/2024 - 10:41
Giải pháp phát triển bền vững hiệu quả có thể xuất phát bởi ý tưởng từ bất cứ bộ phận, phòng ban nào khi nhân sự sử dụng tư duy bền vững để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, bút tiêm insulin là sản phẩm cần thiết hỗ trợ điều trị một cách thuận tiện ngay tại nhà. Để phục vụ cho 5 triệu người bệnh đái tháo đường, mỗi năm, có khoảng 8,8 triệu chiếc bút tiêm insulin làm bằng nhựa được sử dụng tại Việt Nam, tương đương với gần 230 nghìn tấn nhựa bị thải bỏ ra môi trường.
Đáng chú ý, bút tiêm insulin sau khi sử dụng sẽ trở thành rác thải y tế nhưng thường được vứt chung với rác sinh hoạt, tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ tới môi trường và sức khỏe con người.
Giải quyết vấn nạn rác thải từ bút tiêm insulin là bài toán khó đối với Sanofi Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp đang phân phối bút tiêm insulin khác. Bởi lẽ, một mặt Sanofi Việt Nam mong muốn giảm rác thải ra môi trường, mặt khác lại không thể tiết giảm việc phân phối bút tiêm insulin, sản phẩm thiết yếu của bệnh nhân đái tháo đường.
Một sáng kiến vẹn toàn đã được Sanofi Việt Nam triển khai từ giữa năm 2022, đó là hợp tác với đơn vị phân phối dược phẩm FPT Long Châu và Công ty Môi trường đô thị TP.HCM để thu hồi bút tiêm insulin đã qua sử dụng, sau đó xử lý theo đúng quy cách đối với rác thải y tế.
Đáng chú ý, người phụ trách dự án, cũng là chủ nhân của ý tưởng thu hồi bút tiêm insulin, không phải là nhân sự, chuyên gia về phát triển bền vững. Đó là chị Chị Huỳnh Hạ Quyên, Trưởng bộ phận Thương mại và quản lý doanh thu, Sanofi Việt Nam.
Nhân viên được “trao quyền” để bền vững
Kể câu chuyện tại chương trình Mở Đường Dẫn Lối mùa hai do Dear Our Community sản xuất, chị Quyên cho biết, sáng kiến thu hồi bút tiêm insulin đến một cách tình cờ, khi bộ phận của chị nhận được mục tiêu được ban giám đốc giao là đưa sản phẩm bút tiêm insulin tiếp cận được nhiều bệnh nhân tại thị trường Việt Nam hơn nữa.
Là trưởng bộ phận về kinh doanh, những ý tưởng quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường có thể đến rất nhanh để hoàn thành nhiệm vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, văn hóa “có trách nhiệm” của công ty đã giúp chị Quyên nghĩ rộng hơn và bật ra ý tưởng về việc sẽ thu hồi và xử lý đúng cách những chiếc bút tiêm insulin đã qua sử dụng.
Đem ý tưởng trao đổi với đồng nghiệp và các phòng ban có liên quan, chị Quyên may mắn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Đội nhóm thực hiện dự án được thành lập, bắt tay vào phân tích số liệu, lên kế hoạch, quy trình thu gom, xử lý bút tiêm insulin.
Lên phương án triển khai một dự án nằm ngoài phạm vi kinh doanh nhưng chị Quyên cho biết, bản thân chị và đội ngũ rất “phấn khích” vì cảm thấy hành động của mình thật ý nghĩa, đóng góp tích cực cho môi trường cũng như cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.
Càng “phấn khích” hơn khi sáng kiến thu hồi bút tiêm insulin được ban lãnh đạo Sanofi Việt Nam ủng hộ và chấp nhận ngay.
Toàn bộ quá trình từ khi bật ra ý tưởng cho đến lúc phát triển thành một dự án hoàn chỉnh, theo chị Quyên, thể hiện văn hóa “trao quyền” của Sanofi Việt Nam.
“Chúng tôi có một văn hóa là 'trao quyền', tức là mỗi nhân viên đều được trao quyền để sáng tạo những ý tưởng mới, đặc biệt là ý tưởng đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, chị Quyên nói.
Sau gần một năm triển khai thí điểm, đến tháng 4/2023, dự án đã thu hồi gần 3 nghìn bút tiêm insulin trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, chị Quyên cho biết, sáng kiến đã được nhân rộng sang một số chi nhánh của Sanofi ở Đức, Philippines, Singapore và đạt được kết quả khả quan.
Thành công bước đầu là động lực lớn lao để chị Quyên và Sanofi Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm bền vững hóa hơn nữa hoạt động phân phối bút tiêm insulin. Chị Quyên cho biết, sắp tới Sanofi Việt Nam sẽ triển khai ý tưởng tại những bệnh viện, đồng thời đang tích cực nghiên cứu để phát triển dòng bút tiêm insulin có thể tái chế.
Bền vững xuất phát từ những hoạt động thường nhật
Từ câu chuyện thực tế về dự án thu hồi bút tiêm insulin, chị Quyên nhìn nhận, sáng kiến phát triển bền vững không nhất thiết phải đến từ những nhân sự, phòng ban chuyên về phát triển bền vững hay thực thi trách nhiệm xã hội.
Thay vào đó, những sáng kiến ấy xuất hiện ở những công việc hàng ngày, của bất kể phòng ban, bộ phận nào ở doanh nghiệp. Đơn cử, bộ phận marketing có thể chuyển sang cách tiếp cận trực tuyến để hạn chế việc di chuyển gây hiệu ứng nhà kính, hay bộ phận thiết kế tại Sanofi đang đảm nhận nhiệm vụ phát triển sản xuất bút tiêm insulin có khả năng tái chế.
Phát triển bền vững cũng chính là hoạt động kinh doanh, bởi kết quả từ một dự án bền vững có thể quay lại phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Để làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng được một văn hóa bền vững. Thấm nhuần văn hóa đó, mọi nhân sự, mọi phòng ban đều có thể đóng góp ý tưởng tạo ra tác động tích cực từ chính góc nhìn chuyên môn của mình.
Bởi lẽ, mỗi giải pháp phát triển bền vững đều cần được soi chiếu dưới góc nhìn đa ngành, đa lĩnh vực. Theo chị Quyên, một dự án bền vững, muốn “sống” được, phải đạt được sự cân bằng giá trị môi trường, xã hội với giá trị kinh tế của doanh nghiệp.
Muốn đạt được điều đó, dự án cần đảm bảo tính thực tế, tức là xuất phát từ chính những công việc thường nhật của mỗi bộ phận, phòng ban. Điều này cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm được đối tác cùng chung chí hưởng để triển khai dự án, chính là những đối tác, khách hàng đang hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp.
“Có một câu hỏi triệu đô cho những người muốn làm về phát triển bền vững là làm sao để cân bằng giữa tính bền vững với hoạt động kinh doanh? Thật ra, phát triển bền vững cũng chính là hoạt động kinh doanh, bởi kết quả từ một dự án bền vững có thể quay lại phục vụ cho mục đích kinh doanh. Chỉ có như vậy mới thực sự là bền vững”, chị Quyên nói.
Sắp tới, chương trình Mở Đường Dẫn Lối mùa hai sẽ chính thức được phát sóng, với mục tiêu truyền cảm hứng và cung cấp kiến thức cho giới trẻ theo đuổi công việc về phát triển bền vững và tạo tác động xã hội.
TheLEADER có buổi trò chuyện đầu xuân với chị Võ Ngọc Tuyền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dear Our Community, xoay quanh câu chuyện về tiềm năng, cơ hội cũng như những thách thức đặt ra cho người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ, khi quyết tâm theo đuổi các công việc phát triển bền vững.
Xây dựng bộ tiêu chuẩn quản trị tốt đi cùng công bố thông tin minh bạch dựa trên chuẩn mực toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp Việt gia tăng sức bền trên cuộc đua phát triển bền vững.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.