Khởi nghiệp Việt Nam đón sóng Hàn Quốc

Việt Hưng - 12:28, 11/11/2019

TheLEADERThị trường Việt Nam đang trở thành đích đến của các quỹ đầu tư Hàn Quốc khi số thương vụ ngày càng tăng, chiếm 30% tổng giao dịch. Trong khi giai đoạn 2017-2018 phần lớn các giao dịch là từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore và Nhật Bản.

Theo báo cáo của ESP Capital và Cento Ventures, trong khoảng 2 năm trở lại đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đã nhanh chóng vươn lên trở thành Top 3 cộng động mạnh nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Vốn đầu tư Hàn Quốc chiếm đến 246 triệu USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019. 

Trước đó, giai đoạn 2017 - 2018, Việt Nam nhận được vốn chủ yếu từ Singapore và Nhật Bản. Hiện nay, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các quỹ Hàn Quốc khi số vụ rót vốn tăng 30%. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, số vốn được nhận đã gấp 6 lần cùng kỳ năm 2017.

Vào tháng 7/2019, Base - startup cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp trên nền tảng SaaS (Software as a Service) nhận được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc). Quỹ này được ra mắt từ năm 2015 và đã rót hàng chục triệu đô vào các startup như Luxstay, JamJa, EcoTruck, Leflair.

Ông Chris Chae - Giám đốc điều hành NexTrans, phụ trách thị trường Việt Nam cho biết, trong hơn 4 năm đã tiếp xúc với 500 doanh nghiệp Việt, trong đó có những startup kỳ lân như VNG, Tiki cho đến những startup còn non trẻ. Ông cũng khẳng định hệ sinh thái Việt Nam hiện đang vô cùng sôi động và có sức hút với nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đại diện NexTrans còn cho biết, cộng đồng khởi nghiệp Việt có nét tương đồng với Hàn Quốc và có tiềm năng lớn, giàu khao khát và nhiều tài năng. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như các startup.

Khởi nghiệp Việt Nam đón sóng Hàn Quốc
Ông Chris Chae - Giám đốc điều hành NexTrans, phụ trách thị trường Việt Nam

Vừa qua, Bộ KH&CN phối hợp cùng Vietnam Sillicon Valley, Ban tổ chức Techfest Việt Nam và Vườn ươm khởi nghiệp Seoul Venture Incubator tổ chức "Vietnam Startup Roadshow in Korea 2019" tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Chương trình nhằm kết nối các startup Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội gọi vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc đang muốn tìm hiểu về thị trường khởi nghiệp Việt Nam.

Chương trình được thực hiện theo đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), với mục đích tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, thông qua khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan chức năng phụ trách các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, những nhà hoạch định chính sách... hiểu sâu hơn về các hệ sinh thái khởi nghiệp tiên tiến trên thế giới, có cái nhìn rõ ràng và toàn diện hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong quá trình hòa nhập với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Tại đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá, thị trường Việt hấp dẫn bởi người tiêu dùng có nhu cầu cao trong sản phẩm dịch vụ công nghệ. Theo nghiên cứu từ Appota, số liệu về nhân khẩu học của Việt Nam được xem là tiềm năng nhất khu vực, số lượng người tiêu dùng trẻ thuộc tầng lớp trung lưu, sở hữu điện thoại thông minh lên đến 72%, thói quen sử dụng truyền thông trực tuyến và di động cao và đó chính là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ qua di động phát triển mạnh mẽ.

STIC Ventures thuộc STIC Investment cũng là quỹ đầu tư Hàn Quốc hoạt động sôi nổi tại Việt Nam, tìm kiếm các startup tiềm năng để hỗ trợ. Những startup nhận được hỗ trợ như Tiki, Cammsys Việt Nam, Dược Nanogen,…

Ông Seon H. Bae – Giám đốc phụ trách thị trường Indonesia và Việt Nam của STIC Investments cho biết, các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam đã có được khoản lợi nhuận lớn khi tiềm đúng đối tác tiềm năng.

Tham gia cộng đồng khởi nghiệp sớm tuy còn nhiều rủi ro nhưng khả năng sinh lời cũng rất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng thị trường Việt vẫn còn thếu nhiều điều kiện phát triển. Ông Chris Chae – Giám đốc điều hành NexTrans cho biết, rào cản lớn của nền kinh tế và startup Việt là cơ sở hạ tầng và các dịch vụ logistics.

Số lượng startup đông đảo tại Việt Nam cũng không phải là minh chứng cho thành công bởi đến 95% không tồn tại được sau 5 năm. Theo Chris Chae, các doanh nghiệp trẻ vẫn còn cần nhiều kiến thức hơn.

Rất nhiều doanh nghiệp tại Hàn cách đây 10 năm, 20 năm đã thành công và đồng hành cùng startup như những nhà cố vấn, nhà đầu tư thiên thần. Eddy - sáng lập NexTrans là một ví dụ điển hình khi anh thành lập quỹ đầu tư và dành nhiều thời gian, tâm huyết để hỗ trợ startup khởi nghiệp.

Ông Seon H. Bae cho rằng những rắc rối về thủ tục pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài khiến nhiều doanh nghiệp FDI e ngại. Ông cho biết, hầu hết các khoản đầu tư của ông đều mang lại kết quả tích cực tuy nhiên con đường đi đến thành công mất nhiều thời gian hơn những thị trường khác.

Đại diện các quỹ đầu tư Hàn Quốc cho biết thời gian sắp tới vẫn sẽ tiếp tục đầu tư. Những lĩnh vực đầu tư thu hút nhiều vốn nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nền tảng di động, công nghệ tài chính,… ESP Capital dự báo năm 2019 Việt Nam sẽ thu hút được hơn 800 triệu USD từ các công ty công nghệ.

Hiện tại, Việt Nam đang trong một giai đoạn quan trọng khi các thành phần chính của nền kinh tế kỹ thuật số đang bắt đầu thành hình. Báo cáo gần đây của Standard Chartered dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 7% đến năm 2020 và GDP bình quân đầu người sẽ vượt qua mốc 10.000 USD vào năm 2030.

Hơn nữa, đặc điểm nhân khẩu học gồm 60% là dân số trẻ dưới 35 tuổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển di động và internet, mang lại thêm 10 triệu người tiêu dùng trực tuyến vào năm 2023.