Khơi thông dòng vốn từ thỏa thuận khí hậu JEPT

Phương Anh - 14:15, 24/07/2023

TheLEADERNguồn vốn từ khu vực tư nhân trong thỏa thuận về khí hậu JEPT mang đến cơ hội tiếp cận tài chính bền vững, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của quốc tế.

Việt Nam cùng Nhóm các nước đối tác quốc tế (International Partners Group – IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, cuối năm ngoái đã thiết lập thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP).

Thỏa thuận JETP Việt Nam sẽ xoay quanh vấn đề huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư, nhằm giúp Việt Nam đạt được tham vọng cân bằng phát thải.

Bà Lương Phương Mai, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam và bất động sản, HSBC Việt Nam, trong nhận định mới nhất, nhấn mạnh một trong ba mục tiêu cơ bản của thỏa thuận JEPT là huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân, để tài trợ cho những nỗ lực giảm phát thải.

Theo đó, khả năng đáp ứng được các điều kiện tài trợ của dự án, và tỷ lệ thu hồi vốn cho ngân hàng trong trường hợp dự án gặp khó khăn, sẽ là những vấn đề đầu tiên cần chia sẻ với bên cho vay, nếu các doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu các cơ hội tiếp cận tài chính bền vững.

a
Bà Lương Phương Mai, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam và bất động sản, HSBC Việt Nam.

Bà Mai khuyến nghị, doanh nghiệp nên chia sẻ với ngân hàng một cách cẩn trọng về kế hoạch, có một số vùng đệm trong đánh giá độ nhạy rủi ro của dự án, ví dụ như sản lượng điện có thể bị cắt giảm, chi phí vận hành và bảo trì có thể tăng, lãi suất tăng, biến động ngoại tệ bất lợi.

Cùng với đó, trong ngành năng lượng và vận tải – hai ngành được đánh giá sẽ có cơ hội chuyển dịch lớn nhờ JEPT, cũng đối mặt với một số hạn chế.

Đơn cử, rào cản lớn để nguồn vốn có thể chảy vào chuyển dịch năng lượng là khả năng đáp ứng các điều kiện để nhận tài trợ trong các hợp đồng mua bán điện còn thấp.

Bên cạnh đó, tốc độ chuyển dịch trong ngành vận tải còn chậm, do thiếu vắng sức ép từ các quy định hiện hành, và hạ tầng sạc điện còn hạn chế.

Ngoài ra, những bên cho vay, ví dụ như HSBC, sẽ rất lưu tâm đến vấn đề rủi ro "tẩy xanh" (greenwashing).

Bà Mai cho biết, trên thực tế, giảm thiểu rủi ro này được lồng ghép trong chiến lược của ngân hàng này. Đơn cử, khi cung cấp tiện ích xanh hoặc liên kết bền vững, điều quan trọng là đảm bảo được yếu tố "xanh" cho khoản đầu tư hoặc mục đích sử dụng vốn vay bằng các chứng nhận, báo cáo giám sát, và kiểm toán phù hợp.

“Chúng tôi thường yêu cầu những chứng nhận hoặc báo cáo kiểm toán như vậy từ một bên thứ ba có đủ năng lực, để có được những đánh giá độc lập, đạt tiêu chuẩn quốc tế, và duy trì thống nhất tại các thị trường”, bà cho biết thêm.

Ngoài ra, các khoản vay xanh, trái phiếu xanh cần phải đáp ứng và đảm bảo thỏa mãn các nguyên tắc của quốc tế.

Ngoài huy động nguồn vốn tư nhân, một lợi ích quan trọng cho Việt Nam khi tham gia thỏa thuận JETP là thu hút vốn FDI xanh hơn, cũng như dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo bà Mai, để thu hút các nhà đầu tư nghiêm túc với phát triển bền vững, Việt Nam cần tạo dựng vị thế và hình ảnh tương xứng, từ chính sách, cơ sở hạ tầng, đến hệ sinh thái chuỗi cung ứng đều phải hướng tới mục tiêu xanh, bền vững.

Cuối cùng, nếu Việt Nam và các quốc gia tham gia thỏa thuận có thể chứng minh JETP thực sự là một hướng tiếp cận đúng đắn trong sử dụng tài chính khí hậu và gặt hái thành công, mô hình JEPT có thể sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài năng lượng.

“Tất nhiên, kết quả không thể nhìn thấy ngay trong ngày một ngày hai, nhưng đây là một cơ hội chúng ta không thể bỏ qua để đạt được những bước tiến lớn trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải”, bà Mai nhấn mạnh. 

Mục tiêu của JEPT là hỗ trợ sự phát triển ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch công bằng và khử carbon trong hệ thống điện.

Đồng thời, giúp Việt Nam phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới tương lai không phát thải ròng.

Đáng chú ý, thông qua JETP Việt Nam, các đối tác cam kết huy động ít nhất 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để hỗ trợ nhu cầu chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, phù hợp với khuôn khổ của quốc gia này về quản lý nợ công và nợ nước ngoài.

Trong đó, IPG cùng với các thành viên Liên minh Tài chính Glasgow vì cân bằng phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, hướng tới huy động và tạo điều kiện thu hút ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư, nhằm hỗ trợ hành trình chuyển dịch đầy tham vọng và kế hoạch đầu tư.

Cùng với đó, các thành viên IPG sẽ huy động 7,75 tỷ USD từ khối công, từ đó có tiềm năng trong việc thu hút thêm khối lượng lớn từ tài chính tư.