Không tháo gỡ “nút thắt” chính sách, ngành mía đường Việt Nam vẫn mãi tụt hậu

Quang Vũ - 07:45, 21/08/2017

TheLEADERSo sánh với Thái Lan và Philippines, ngành mía đường Việt Nam thua thiệt đủ điều: thua về năng suất, sản lượng, giá cả, công nghệ và nhất là nông dân trồng mía chịu nhiều thiệt thòi so với nông dân hai nước nói trên.

Không tháo gỡ “nút thắt” chính sách, ngành mía đường Việt Nam vẫn mãi tụt hậu
Ngành mía đường Việt Nam vẫn chịu nhiều thua thiệt.

Tham dự hội thảo quốc tế về “ Tái cấu trúc ngành mía đường Viêt Nam” trong hai ngày 17 và 18/8 ở Bình Thuận do Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Tập đoàn Thành Thành Công tổ chức với sự tham gia của đại diện ngành mía đường 16 nước, người viết bài này tạm rút ra một nhận định: không tháo gỡ “nút thắt“chính sách, ngành mía đường Việt Nam vẫn mãi tụt hậu.

Thời gian cũng không chờ đợi chúng ta: kể từ năm 2018 trở đi, đường ở các nước trong khối ASEAN sẽ không còn hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam; trong khi hiện nay, đường nhập khẩu trong hạn ngạch cộng với thuế suất 5% vẫn rẻ hơn đường sản xuất trong nước . 

Đây là mối đe doạ trực tiếp với ngành công nghiệp mía đường đang yếu kém. Không thể so sánh với các “cường quốc” mía đường như Brazil, Ấn Độ, chỉ so sánh với hai nước có công nghiệp mía đường trong khu vực là Thái Lan và Philippines thì thấy Việt Nam tụt hậu rất xa. 

"Chu kỳ giảm giá là thách thức của ngành đường" - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành

Về vị trí ngành công nghiệp mía đường trong nền kinh tế, trong năm 2016, Thái Lan sản xuất tổng lượng đường với trị giá 6,3 tỷ USD ( chiếm 16% GDP), Philippines 2 tỷ USD (chiếm 7% GDP) còn Việt Nam chỉ 975 triệu USD (chiếm 5% GDP).

Từ lâu, ngành công nghiệp mía đường Thái Lan và Philippines vận hành trong khuôn khổ pháp lý đã được thiết chế: Thái Lan đã cho ra đời Luật Mía đường từ năm 1984; Philippines ban hành Luật Quản lý mía đường từ năm 1986. Thái Lan có tới 31 hiệp hội người trồng mía, 3 hiệp hội nhà máy đường; Philippines có 18 hiệp hội người trồng mía, 3 hiệp hội nhà máy đường. Các tổ chức trên thực thi và giám sát luật, vì vậy việc phân chia lợi nhuận giữa nhà máy đường và nông dân khá ổn định.

Philippines có hệ thống phân chia chặt chẽ gọi là hệ thống “quedan”, theo đó, nông dân trồng mía có được 65 - 70% thu nhập từ bán đường bất kể thị trường diễn biến ra sao. Thái Lan có một hệ thống đảm bảo tỷ lệ phân chia nông dân - nhà máy là 70 - 30 trên cơ sở Luật Mía đường 1984.

Trong lúc đó, Việt Nam không có luật mía đường, cơ sở pháp lý duy nhất đến nay là văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Chính phủ về đề án tổng quan mía đường Việt Nam đến 2010. 

Việt Nam chỉ có một tổ chức duy nhất là Hiệp hội Mía đường chỉ có chức năng “đánh giá, giám sát”. Hiệp hội này chủ yếu chỉ kiến nghị, không can thiệp được vào chính sách. Do không có pháp lý quy định, việc phân chia lợi nhuận của nhà máy đường và nông dân dựa trên cơ sở thoả thuận, tranh chấp xảy ra thường xuyên trong từng mùa vụ. 

93% diện tích nguồn nguyên liệu mía được các nhà máy đường bao tiêu theo hợp đồng với nông dân, do đó khi tranh chấp, phần lớn thua thiệt thuộc về nông dân.

Việt Nam hiện nay có 41 nhà máy đường, sản xuất bình quân 140.000 tấn mía/ngày, niên vụ 2016/2017 sản xuất hơn 1,2 triệu tấn đường (chiếm khoảng 0,74% tổng sản lương đường của thế giới). 

Muốn tăng diện tích và năng suất trồng mía phải tạo ra những cánh đồng mẫu lớn nhưng do chưa bỏ “hạn điền”, chưa có pháp chế rõ ràng khuyến khích việc tạo cánh đồng mẫu lớn nên phần lớn diện tích nguyên liệu đều đến từ các hộ nông dân trồng mía (khoảng 300.000 hộ với 1 triệu lao động), bình quân mỗi hộ có từ 0,5 đến 1,7ha, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. 

Điều này dẫn đến hạn chế, khó khăn cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hoá, giải pháp khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh. Trong lúc đó diện tích trồng mía Thái Lan gần 2 triệu ha đa phần là những nông trại có diện tích từ 50 - 70ha nên việc cơ giới hoá khâu canh tác rất thuận lơi, tạo ra sản lượng đường gấp 8 lần Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo mía đường quốc tế TTC lần 5 tại Bình Thuận

Mặt khác, kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mía đường ở Việt Nam quá thấp, chỉ bằng 3 - 6% so với mức bình quân ở các nước sản xuất mía đường trên thế giới. 

Trong lúc đó, Thái Lan trợ cấp trực tiếp cho ngành mía đường nước mình 1,3 tỷ USD/năm, cho vay ưu đãi mua máy móc trên 130 triệu USD/năm với lãi suất 2%, Philippines trợ cấp 2 tỷ peso/năm. 

Chính sự tác động mạnh mẽ của Chính phủ làm cho giá đường Thái Lan thấp, giá bán lẻ nội địa hiện nay là 16.800đ/kg (VAT), trong khi đó giá bán lẻ Việt Nam là 25.080đ/kg (VAT). Do đó, không ngạc nhiên khi đường vùng miền nào đó ở Việt Nam khan hiếm, đường nhập lậu từ Thái Lan lại tràn qua.

Việt Nam cũng chưa có chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm phụ trợ mía đường như làm ra điện từ bã mía; sản xuất ethanol, rượu từ mật rỉ đường. Hiện nay chỉ có Công ty CP Mía đường Thành Thành Công ở Tây Ninh làm ra điện từ bã mía cung cấp điện sinh hoạt cho tỉnh Tây Ninh và đang triển khai dự án xây dựng nhà máy ethanol.

Tóm lại, so sánh với hai nước trong khu vực là Thái Lan và Philippnes, ngành mía đường Việt Nam thua thiệt đủ điều: thua về năng suất, sản lượng, giá cả, công nghệ và nhất là nông dân trồng mía ở Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi so với nông dân hai nước nói trên.

Sở dĩ ngành mía đường Thái Lan, Philippines có những bước phát triển ấn tượng nhờ sự hỗ trợ bao trùm của Chính phủ từ việc ban hành luật tạo khuôn khổ pháp lý cho ngành mía đường phát triển thuận lợi, cho đến việc đầu tư ngân sách, khuyến khích đầu tư công nghệ…

Điểm xuất phát của sự hỗ trợ đó là do Chính phủ các nước này xác định mía đường là ngành công nghiệp quan trọng, ngành công nghiệp mũi nhọn gắn với nhu cầu tiêu dùng thường nhật của người dân, cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất và mang lại nguồn ngoại tệ xuất khẩu.

Để “giảm tốc” tụt hậu và từ đó tạo động lực vươn lên mạnh mẽ khâu đầu tiên là phải tháo gỡ những” nút thắt” chính sách làm cản trở, gây khó khăn cho sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam. Tất nhiên không ai có thể làm được việc này ngoài Chính phủ.

Từ ngày 17 – 18/8/2017, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đồng tổ chức Hội thảo thường niên mía đường Quốc tế TTC - Lần V tại Trung tâm Hội nghị TTC Palace - Bình Thuận (số 1 Từ Văn Tư, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) với chủ đề “Tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam” .

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam,… cùng 400 khách mời là những chuyên gia đầu ngành trong nước, các nhà làm chính sách, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu trong lĩnh vực mía đường, các diễn giả đến từ cường quốc mía đường thế giới như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Mỹ, Philippines, Mauritius...

Nội dung hội thảo gồm 3 phiên họp: Phiên hội thảo về “Chính sách tái cơ cấu ngành mía đường - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho ngành đường Việt dưới góc nhìn từ quan điểm quản lý vĩ mô và quan điểm doanh nghiệp ngành đường” ngày 17/8; hai phiên hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp - Tái cơ cấu dưới góc nhìn nông nghiệp” và chuyên đề “Kỹ thuật - Tái cơ cấu dưới góc nhìn kỹ thuật sản xuất công nghiệp mía đường” được tổ chức ngày 18/8.