Kinh doanh mùa Covid-19: Khi niềm tin lên ngôi

Phạm Sơn - 16:07, 19/08/2020

TheLEADERTrong trạng thái bình thường mới, tạo dựng niềm tin trong nội bộ cũng như uy tín trên thị trường sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Đảm bảo hiệu quả công việc: tin tưởng hay giám sát

Theo nghiên cứu được tiến hành bởi nhóm chuyên gia đến từ Học viện Kinh tế và Chính trị London, trước tình cảnh bắt buộc phải thực hiện phương án làm việc từ xa, nhiều nhà lãnh đạo, từ các công ty vừa và nhỏ cho tới các tập đoàn quy mô lớn có xu hướng tìm cách tăng cường kiểm soát nhân viên của mình để đảm bảo công việc diễn ra thuận lợi.

Điều này dẫn đến việc gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ công ty khi nhiều người lao động cho biết họ cảm thấy quản lý của mình chỉ chú ý đến năng suất làm việc chứ không chú trọng tới sức khỏe hay tâm lý của nhân viên.

Thực tế, một khảo sát được thực hiện bởi Trường Kinh doanh Curtin đã chỉ ra rằng mặc dù không hề thiếu công cụ hỗ trợ nhưng phương thức làm việc từ xa ít phổ biến trước khi Covid-19 bùng phát là do sự thiếu tin tưởng của lãnh đạo vào khả năng tự giác làm việc của đội ngũ nhân viên.

Kinh doanh mùa Covid-19: Khi niềm tin lên ngôi
Phương thức làm việc từ xa ít phổ biến trước khi Covid-19 bùng phát là do sự thiếu tin tưởng của lãnh đạo vào khả năng tự giác làm việc của đội ngũ nhân viên.

GS. De Cremer, chuyên gia quản lý và tổ chức tại Trường Kinh doanh NUS thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, lòng tin là yếu tố quan trọng nhất trong mỗi tổ chức, tập thể. 

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, niềm tin vững chắc được xây dựng giữa các nhân viên và giữa nhân viên với lãnh đạo sẽ giúp tăng cường lòng trung thành, khả năng hợp tác, chia sẻ thông tin dẫn tới nâng cao hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, tâm lý thoải mái cũng giúp người lao động trở nên đa năng, sáng tạo và có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, theo GS. De Cremer, nhiều nhà lãnh đạo vẫn đang nhầm lẫn giữa niềm tin và sự kiểm soát. Theo đó, niềm tin cần được xây dựng trong thời gian dài và bằng cách tạo ra sự thân thiện, chứ không phải là những phương pháp để đảm bảo nhân viên sẽ không lơ là nhiệm vụ khi làm việc từ xa có thể vô tình gây tổn thương đến cảm xúc của họ.

Các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, theo một số nghiên cứu về tâm lý học, niềm tin là điều được xây dựng một cách “có qua có lại”. Cụ thể, nhà lãnh đạo thực sự đặt niềm tin vào nhân viên, đồng thời hỗ trợ và quan tâm họ trong hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận lại được chính sự tin tưởng từ phía nhân viên bên cạnh nỗ lực làm việc và cống hiến tốt hơn.

Kinh doanh mùa dịch: niềm tin là yếu tố sống còn

Mặc dù các công cụ thương mại và thanh toán điện tử đã xuất hiện từ lâu, nhưng nhiều người tiêu dùng ở các nước đang phát triển vẫn cảm thấy lo lắng khi mua hàng mà không được xem trước chất lượng và cảm thấy an tâm hơn khi cầm tiền mặt thay vì sử dụng thẻ ATM hoặc ví điện tử.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh trong bối cảnh giãn cách xã hội đã tạo ra thách thức không nhỏ về vấn đề niềm tin của người tiêu dùng ở những nước này, khi các hoạt động mua sắm, chi tiêu truyền thống bị hạn chế tối đa.

Đây là cơ hội lớn mở ra cho doanh nghiệp để đa dạng hóa kênh tiếp cận, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ vốn đang gặp khó khăn trong việc xoay xở chi phí mặt bằng.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Deloitte, niềm tin được xây dựng thông qua bốn khía cạnh, bao gồm sự an toàn về mặt vật lý, đảm bảo rủi ro tài chính, cảm giác hài lòng trong cảm xúc và bảo mật thông tin.

Như vậy, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo chỉ là những điều kiện cần để tạo dựng uy tín đối với khách hàng. Muốn đạt được bùng nổ về doanh số trong và sau đại dịch, doanh nghiệp có thể thể hiện sự đồng cảm với khách hàng thông qua những món quà hay thông điệp nhỏ, tính chuyên nghiệp trong dịch vụ và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Đảm bảo thực hiện các quy tắc an toàn vệ sinh dịch tễ bên cạnh việc triển khai các giải pháp bảo mật để phòng tránh bất kỳ rủi ro nào có thể xảy đến đối với khách hàng cũng là việc cần được thực hiện.

Kinh doanh mùa Covid-19: Khi niềm tin lên ngôi 1
Đại dịch Covid-19 mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín trên thị trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của WEF nhấn mạnh những mô hình thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới do những tác động của chuyển đổi số, bao gồm kinh tế làm việc tự do (gig economy)kinh tế chia sẻ (sharing economy).

Nhiều nhà kinh tế học nhận định hai mô hình trên sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác và phát triển. Tuy nhiên, để thực sự tham gia mô hình này, vấn đề về sự tín nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu dù ở bất cứ vai trò nào trong giao dịch.

Điều này được lý giải là do đặc điểm chung của kinh tế làm việc tự do và kinh tế sẻ chia là dựa trên các giao dịch chủ yếu mang tính tạm thời và ngắn hạn. Vì vậy, các bên tham gia chỉ có thể sẵn sàng thực hiện giao dịch dưới sự đảm bảo của công ty môi giới và tính minh bạch về thông tin đối tác.