Kinh tế TP.HCM 6 tháng vẫn tăng trưởng 5,46% dù Covid-19

Nhật Hạ - 16:55, 01/07/2021

TheLEADERMức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (1,02%).

Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nửa đầu năm nay của TP.HCM vẫn tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2020, theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM.

Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp thứ nhì của TP.HCM trong 10 năm qua, chỉ cao hơn mức tăng 1,02% của 6 tháng năm 2020.

Kinh tế TP.HCM 6 tháng vẫn tăng trưởng 5,46% dù Covid-19

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%, đóng góp 0,84 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ tăng 5,86%, đóng góp 3,66 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,08%, đóng góp 0,97 điểm phần trăm.

Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sự sụt giảm 0,48% chủ yếu do ngành chăn nuôi giảm khá 2,64% (chiếm tỷ trọng 45,4%) và ngành thủy sản giảm 0,48% (chiếm tỷ trọng 27%).

Nguồn cung thịt lợn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế, nhưng hậu quả của dịch bệnh đã khiến nguồn cung lợn giống sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá lợn giống lên cao; giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục làm người chăn nuôi hết sức khó khăn, e ngại tái đàn khiến sản lượng heo xuất chuồng giảm.

Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đóng góp 0,80 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, có mức tăng 4,16% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 2,04% của 6 tháng năm 2020.

Cơ quan này nhận định điều này cho thấy “ngành công nghiệp của TP.HCM có dấu hiệu hồi phục”.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng nhiều nhất.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, ngành điện tử và cơ khí tăng trưởng tốt nhất với hai chữ số, tiếp theo là ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống và ngành hóa dược. Ngành sản xuất hàng điện tử tăng khá do các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử, linh kiện điện thoại... có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng giúp ngành này tăng trưởng tốt.

Ngành xây dựng có mức tăng trưởng 0,98% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 1,17% của 6 tháng năm 2020. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các dự án thi công bị gián đoạn, nguồn cung sản phẩm nhà ở hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng.

Ở khu vực tăng trưởng mạnh nhất 6 tháng đầu năm nay của thành phố – thương mại dịch vụ, ba ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn với mức tăng trưởng khá gồm thương nghiệp; vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước tính đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8,2%, chiếm 56% tổng mức thu; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 18,9%; dịch vụ du lịch lữ hành giảm 40,6%; dịch vụ khác tăng 5,4%.

Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay của TP.HCM ước đạt 20,3 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó có 4 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện; hàng dệt may; máy móc thiết bị - dụng cụ - phụ tùng và giày dép.

Trong khi đó, TP.HCM nhập khẩu gần 24,9 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2020. Bốn nhóm hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ USD gồm máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện, máy móc - thiết bị - dụng cụ - phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại.

Do đó, thành phố tiếp tục nhập siêu 4,53 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng vẫn là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,2%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,6%. 

Theo đó, cơ cấu kinh tế TP.HCM tiếp tục chuyển dịch theo hướng, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ.

Hiện tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM vẫn hết sức phức tạp khi ghi nhận mấy trăm ca nhiễm mỗi ngày. Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến trưa ngày 1/7 là 4.152 ca, cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.

Trải qua 30 ngày giãn cách xã hội và chưa thể kiểm soát dịch như kỳ vọng, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 và chưa thông báo ngày kết thúc. Lần thứ hai phải nối dài giãn cách, chính quyền mở đợt cao điểm kiểm soát dịch từ 29/6 đến 10/7.

Thành phố đang có gần 40.000 người thực hiện cách ly, trong đó khoảng 12.000 người cách ly tập trung, gần 28.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết thành phố đang mở rộng công suất các khu cách ly tập trung tại địa bàn.

Chợ đầu mối Hóc Môn và nhiều chợ truyền thống lớn trên địa bàn TP.HCM đã phải tạm ngưng hoạt động trong tháng 6 do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19. Điều này đã khiến lưu thông hàng hóa ở đây gặp không ít khó khăn.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy đông công nhân ở TP.HCM như Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), Công ty Việt Nam Samho (10.000 công nhân)... Nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn đến nay phát hiện 27 ca nhiễm, 800 công nhân được cách ly tập trung.

TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài.

Theo thông tin từ Liên đoàn lao động TP.HCM, 369 trường hợp công nhân, lao động trên địa bàn hành phố đã mắc Covid-19 và gần 4.500 công nhân là F1 phải cách ly tập trung, hơn 13.000 người cách ly ở nhà và nơi cư trú. Số lao động này phải tạm nghỉ việc, chờ kết quả xét nghiệm, lấy mẫu.