Hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa đủ để huy động sức mạnh của cả đất nước hướng đến việc xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Có kinh nghiệm triển khai kinh té tuần hoàn, ông David Riddle, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết, áp dụng kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một quá trình mất rất nhiều thời gian cũng như sự thay đổi về mặt tư duy.
Để triển khai kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần có động lực về kinh tế. Do đó, ông Riddle đề xuất, Chính phủ có thể ban hành những hành lang pháp lý mạnh hơn để khuyến khích kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp lớn đã triển khai kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn tồn tại vướng mắc, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề đặt ra khi chuyển đổi kinh tế tuần hoàn khó khăn hơn rất nhiều.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không có nguồn lực để đầu tư, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn.
Không chỉ thiếu về nguồn vốn, doanh nghiệp còn mắc cả các vấn đề về pháp lý. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận, hiện tại đang không có đạo luật riêng vào về kinh tế tuần hoàn.
Các cơ chế khuyến khích kinh tế tuần hoàn thường nằm rải rác ở những quy định, chính sách khác nhau, rất khó để doanh nghiệp nắm bắt. Thêm vào đó, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phầm quá cứng nhắc khiến doanh nghiệp rất khó để sáng tạo, trong khi kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, cần nhiều sự sáng tạo mang tính đột phá.
“Nên rà soát lại và loại bỏ những quy định có hại, cản trở doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông Hiếu nói tại tọa đàm thuộc khuôn khổ Lễ ra mắt sách Kinh tế tuần hoàn và những mô hình kinh doanh.
Trước đó, trao đổi với TheLEADER, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến sự bất cập về pháp lý khi chưa có luật riêng và khẳng định về sự cần thiết của một bộ luật riêng về kinh tế tuần hoàn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận, kinh tế tuần hoàn là vấn đề đa ngành nên việc luật hóa kinh tế tuần hoàn không thể chỉ gói gọn ở trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), lấy ví dụ về chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn áp dụng cho ngành nông nghiệp, khâu đất đai, nguồn nước thuộc về ngành tài nguyên, khâu canh tác lại thuộc ngành nông nghiệp, việc huy động vốn hay tiêu thụ sản phẩm lại liên quan đến tài chính, công thương…
“Nếu có chính sách mạnh hơn, có luật riêng thì chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn”, ông Quân nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa đủ để huy động sức mạnh của cả đất nước hướng đến việc xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Vị chuyên gia ngành tái chế này cho biết, nhiều nghị định, đề án được ban hành những chỉ chủ yếu thực thi ở các bộ, vốn có hữu hạn nguồn lực về cả tài chính lẫn con người.
Thực tế, khung pháp lý của Việt Nam đã được xây dựng dựa trên triết lý của nền kinh tế tuyến tính, do đó khó có thể đồng nhất với mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp.
Các quy định ấy cũng rải rác ở rất nhiều bộ luật, nghị định, thông tư, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng rủi ro pháp lý rất cao, phải mất nhiều công sức để rà soát nhằm chắc chắn rằng hoạt động kinh tế tuần hoàn của mình không vi phạm quy định pháp luật.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra những giá trị mà kinh tế tuần hoàn đem lại cũng như trách nhiệm cần phải ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đưa kinh tế tuần hoàn vào hoạt động vận hành cũng như chiến lược phát triển của mình.
TS. Hoàng Dương Tùng đề xuất mỗi bộ cần có một đơn vị riêng phụ trách về kinh tế tuần hoàn để tránh trường hợp “cha chung không ai khóc” sau một vài năm nữa.
Ưu đãi về thuế, phí hay tiền thuê đất chỉ mang tính bước đầu, không thể giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tích cực vào kinh tế tuần hoàn nếu không có động lực thị trường để tạo ra lợi ích bền vững.
Trong bối cảnh phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn được xác định là kim chỉ nam của nền kinh tế, tháng 3/2021, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành, dưới sự chấp thuận của Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và môi trường, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam chính thức ra đời.
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.