Lãi suất tăng ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp

Trần Anh - 12:14, 20/10/2022

TheLEADERDù định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là tăng lãi suất huy động, nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, thực tế rất khó để đạt được mục tiêu này. Bởi cấu trúc khoản vay hiện tại đều chỉ cố định lãi suất trong vài kỳ đầu tiên, sau đó được thả nổi theo lãi suất huy động.

Ngày 22/9, NHNN đã quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, tăng lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% đến 3,5%, và tăng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ từ 5% lên 6%.

Bất chấp rủi ro lạm phát trong nước vẫn đang được kiểm soát, các công ty phân tích dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục có những đợt tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới, nhằm cân bằng áp lực tỷ giá VND/USD.

Việc tăng lãi suất điều hành, kéo theo đó là làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại. Trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được tăng lên mức 5% trong khi lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%.

Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng đã đẩy rất mạnh lãi suất huy động gần đây. Đơn cử, một ngân hàng số tăng lãi suất huy động lên 9,5%/năm, hay như ABBank, KienlongBank, SeABank đều có mức lãi suất huy động cao nhất từ 8,5%/năm đến 8.7%/năm.

Dù định hướng điều hành của NHNN hiện nay là tăng lãi suất huy động, nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, thực tế rất khó để đạt được mục tiêu này. Điều này có thể nhìn thấy ngay trong cấu trúc lãi suất cho vay của các khoản nợ tại các doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính bán niên của Vinhomes, công ty bất động sản lớn nhất thị trường, cho thấy doanh nghiệp này đang trả lãi vay theo hình thức cố định trong một số kỳ thanh toán đầu và thả nổi theo lãi suất tiết kiệm trong phần lớn thời gian còn lại của khoản vay.

Cụ thể, nhiều khoản vay của Vinhomes dưới hình thức trái phiếu có lãi suất cố định trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên (3 tháng/lần). Với các kỳ tiếp theo, lãi suất được tính là lãi suất huy động tiết kiệm trung bình kỳ hạn 12 tháng trả sau bằng đồng Việt Nam cộng thêm biên độ từ 2,3 - 3,25%.

Tương tự, Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) có các khoản vay bằng đồng Việt Nam chỉ có lãi suất cố định trong năm đầu tiên, sau đó lãi suất được điều chỉnh mỗi 3 – 6 tháng/lần theo nguyên tắc bằng lãi suất tiết kiệm đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cho vay cộng thêm một biên độ từ 3 – 3,5%/năm.

Với cấu trúc lãi vay như trên, khi lãi suất huy động tăng cao như hiện nay, chi phí lãi vay của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Kết quả là lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ăn mòn, ngay cả trong điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể được cải thiện.

Với những doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, thiệt hại càng nghiêm trọng. Chẳng hạn trong lĩnh vực bất động sản, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Agriseco đánh giá, với cấu trúc đặc thù là ngành thâm dụng vốn và có tỷ lệ đòn bẩy cao, ngành bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tiến độ triển khai dự án và bán hàng chững lại. Như vậy, lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản vừa chịu tác động bởi chi phí lãi vay cao, vừa chịu tác động do doanh thu giảm.

Ngành đầu tư công, với tỷ lệ đòn bẩy thậm chí còn cao hơn lĩnh vực bất động sản, chắc chắn cũng chịu tác động mạnh khi lãi suất tăng. Trong một báo cáo về Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, một doanh nghiệp chuyên đầu tư vào các dự án BOT, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, lãi suất biến động ảnh hưởng rất lớn tới phương án tài chính của các doanh nghiệp.

Cụ thể, tổng mức đi vay của một dự án BOT trung bình chiếm khoảng 70 – 85% tổng mức đầu tư, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí doanh nghiệp làm BOT. Theo quan sát của BVSC, hầu hết cácp hương án tài chính BOT sẽ duy trì không có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận âm trong khoảng 2/3 thời gian của dự án và chỉ có lãi trong 1/3 thời gian cuối cùng khi lưu lượng xe tăng trưởng ở mức lớn và giá vé cũng tăng lên mức cao để bù đắp chi phí lãi vay.

BVSC ước tính, với mỗi 1% tăng của lãi suất ngân hàng có thể biến dự án đang theo phương án tài chính trở thành dự án có NPV âm, tức là tỷ suất lợi nhuận mà dự án mang lại nhỏ hơn so với tỷ lệ chiết khấu. Điều này tuy chưa chắc chắn dự án sẽ lỗ nhưng đây là cơ sở cho thấy dự án không phù hợp để đầu tư.

Xu hướng tăng lãi suất sau đó sẽ ảnh hưởng đến cả những doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp. Điển hình trong trường hợp này là Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp vay nợ lớn nhưng phải trả mức lãi suất rất thấp từ 3% đến 6,5%/năm. Dù vậy mức này đã tăng trong 6 tháng đầu năm nay từ mức chỉ 2,4% đến 6,5%. Hòa Phát hiện đang vay nợ gần 70.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án khu liên hợp sản xuất thép.

Mặc dù vậy, vẫn sẽ có những ngành hưởng lợi từ lãi suất tăng, đặc biệt là những ngành có lượng tiền ròng lớn như bảo hiểm. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, với quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay chiếm đa số khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm gần 70% trong khi trái phiếu chiếm khoảng 20%).

Nhờ vậy, hiệu suất sinh lời đầu tư của nhóm công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Ước tính nếu lãi suất tăng 1% sẽ giúp lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%.