Liệu có thể viện dẫn Covid-19 là 'bất khả kháng' để miễn trách nhiệm dân sự?

An Chi - 13:53, 14/04/2020

TheLEADERLuật sư cho rằng việc bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng viện dẫn dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để không phải thực hiện trách nhiệm dân sự khi vi phạm điều khoản thanh toán là không dễ.

Khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19 dẫn đến những tranh chấp, xung đột về lợi ích khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp không thể thanh toán các hợp đồng vay, thuê nhà đúng hạn. Họ đang đặc biệt quan tâm đến việc liệu có thể viện dẫn Covid-19 như sự kiện bất khả kháng trong các mối quan hệ dân sự, thương mại và lao động hay không. 

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Bộ phận Luật và quản lý tài sản khách hàng, Công ty PMC để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Theo bà, dịch Covid-19 có được coi là sự kiện bất khả kháng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay không?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến: Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".

Không dễ coi Covid-19 là "bất khả kháng" để miễn trách nhiệm dân sự
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến

Một số văn bản pháp luật khác cũng đưa ra ví dụ các trường hợp cụ thể được coi là bất khả kháng, bao gồm các sự kiện tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ, lũ lụt, sóng thần, bệnh dịch hay động đất hoặc các sự kiện do con người tạo nên như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa và bất kỳ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng nào. Các sự kiện này về cơ bản đều phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015, một sự kiện có thể được coi là bất khả kháng nếu thỏa mãn 3 điều kiện: Xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.

Với 3 điều kiện này, có thể thấy dịch Covid-19 đã thỏa mãn 2 điều kiện đầu tiên. Bởi tại thời điểm giao kết hợp đồng (trước khi xảy ra dịch Covid-19), các bên không thể dự đoán hay biết trước được dịch có thể xảy ra.

Tuy nhiên, với điều kiện thứ ba là "không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép", thì trách nhiệm chứng minh điều kiện này thuộc về bên có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng.

Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chứng minh rằng mình đã phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng nhưng vẫn không thực hiện được để làm căn cứ miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng. 

Song, điều đáng nói là Bộ luật Dân sự năm 2015 không làm rõ các tiêu chí để đánh giá như thế nào là bên có nghĩa vụ đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép. Do đó, tùy từng tình huống, diễn biến thực tiễn cụ thể, bên có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng sẽ đưa ra các căn cứ chứng minh rằng mình đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà thông thường những người có hoàn cảnh tương tự sẽ thực hiện để khắc phục khó khăn.

Như vậy, dịch Covid-19 sẽ không đương nhiên là sự kiện bất khả kháng mà sẽ tùy trường hợp, tình huống cụ thể để quyết định. Bên có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng sẽ phải chứng minh sự kiện này thỏa mãn đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp chứng minh được dịch Covid-19 là "bất khả kháng", các doanh nghiệp có được miễn trách nghiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán hay không?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến: Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Hiểu đúng quy định này thì bên có nghĩa vụ thanh toán phải chứng minh được việc mình không thực hiện nghĩa vụ là hậu quả trực tiếp (không phải là gián tiếp) do sự kiện bất khả kháng gây ra, ngăn cản không thể thực hiện được nghĩa vụ. Sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp khiến bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng việc thanh toán thì mới được miễn trách nhiệm dân sự.

Lấy ví dụ cụ thể đối với các hợp đồng thuê nhà với mục đích kinh doanh, dịch Covid-19 đúng là đang gây khó khăn về tài chính cho bên thuê nhà trong thời gian dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bên thuê nhà không thể thực hiện được nghĩa vụ thanh toán tiền thuê nhà, tức bên thuê không có khả năng tài chính để thanh toán hay không, thì bên thuê nhà phải chứng minh bằng số liệu tin cậy.

Làm thế nào để các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh chứng minh điều này, thưa bà? 

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến: Để viện dẫn dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để không phải thực hiện trách nhiệm dân sự thanh toán tiền thuê đối với bên cho thuê nhà trong thời gian dịch bệnh, bên thuê nhà ngoài việc phải chứng minh rằng mình không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. 

Bên cạnh đó, bên thuê nhà còn phải chứng minh được rằng mình không có khả năng tài chính để thanh toán tiền thuê nhà và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc không có khả năng tài chính này là do dịch Covid-19. 

Bên thuê nhà có thể đưa ra các số liệu như doanh thu, lợi nhuận trong thời gian có dịch bệnh bị sụt giảm nghiêm trọng so với các khoảng thời gian khác và báo cáo tài chính tại thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho thấy không có nguồn tài chính chi trả tiền thuê nhà trong thời gian dịch bệnh.

Theo bà, việc chứng minh này có khó khăn gì cho bên thuê nhà không?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến: Thực tế, việc chứng minh đủ khả năng tài chính để thực hiện một công việc gì đó rất nhiều, tuy nhiên ở chiều ngược lại, khi bên có nghĩa vụ muốn chứng minh rằng họ không có khả năng tài chính lại không hề đơn giàn và khó được bên có cho thuê nhà tin cậy, chấp nhận. Đặc biệt là đối với cá cá nhân, hộ kinh doanh.

Mặt khác, phía bên cho thuê nhà có thể lập luận rằng trong khoảng thời gian không phải dịch, bên thuê nhà đã kinh doanh rất tốt. Do đó, họ vẫn có khả năng tài chính để thực hiện chi trả tiền thuê nhà trong khoảng thời gian dịch bệnh

Vậy bà có lời khuyên gì cho các cá nhân, doanh nghiệp trong thời điểm này?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến: Việc bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng viện dẫn dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để không phải thực hiện trách nhiệm dân sự khi vi phạm điều khoản thanh toán là không dễ. Vì vậy, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần tiến hành các biện pháp hiệu quả để cắt giảm chi phí, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh. 

Đối với trường hợp cụ thể là hoạt động thuê nhà với mục đích kinh doanh, bên thuê nhà có thể thiện chí đề nghị bên cho thuê thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng thuê để tìm ra giải pháp dung hòa lợi ích giữa các bên. 

Bên cho thuê nhà trong trường hợp này cũng nên cân nhắc các điểu khoản hỗ trợ người thuê nhà. Bởi nếu các bên không thỏa thuận được, bên thuê có thể xem xét đến việc chấm dứt hợp đồng theo các điều khoản quy định tại hợp đồng. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho cả hai bên.

Xin cảm ơn bà!