Lãnh đạo kiên tâm để vượt qua làn sóng Covid-19 thứ hai

Đặng Hoa - 09:39, 25/08/2020

TheLEADERHành trình phục hồi và hưng thịnh của các doanh nghiệp sẽ dài và khó khăn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu khi làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại Việt Nam với quy mô rộng và diễn biến phức tạp hơn.

Lãnh đạo kiên tâm để vượt qua làn sóng Covid-19 thứ hai
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, dù có nhiều khó khăn, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần giữ vững, phát huy tối đa sự kiên tâm một cách bền bỉ, thì doanh nghiệp vẫn sẽ duy trì được hoạt động liên tục và tiến đến hưng thịnh trong tương lai.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của làn sóng dịch thứ hai đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Phan Vũ Hoàng: Có thể hình dung đây chính là trận đấu quyền anh giữa võ sĩ “doanh nghiệp” lão luyện và tay đấm Covid-19. Sau khi nhún nhường và thăm dò, Covid-19 ra cú đấm bất ngờ khiến doanh nghiệp ngã ngồi xuống đất. Với kinh nghiệm chiến đấu và ý chí quyết thắng, doanh nghiệp bắt đầu tung đòn phản công, thậm chí dồn Covid-19 vào góc đài. 

Nhưng sau một thời gian, Covid-19 âm thầm tung ra cú móc trái trúng vừa hiểm ác, vừa bất ngờ. Đúng lúc doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến chiến thắng thì lại dính đòn đau, không biết có gượng dậy nổi không.

Có thể ví làn sóng bùng phát thứ hai của Covid-19 chính là “cú móc trái” nói trên. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ vừa đứng dậy sau đợt bùng phát đầu tiên và sau khi vượt qua ba tuần giãn cách xã hội. Một số doanh nghiệp đã tiến lên khi các gói hỗ trợ của Chính Phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Nền kinh tế như chiếc lò xo đang nén, chuẩn bị bung ra thật mạnh với mục tiêu tập trung phát triển vào thị trường nội địa, thì Covid-19 lại đột nhiên ra đòn trúng chỗ yếu. Sự nguy hiểm khó lường của tay đấm vốn từng vô danh Covid-19 lại khiến “võ sĩ doanh nghiệp” phải loạng choạng lùi lại.

Làn sóng thứ hai này chắc chắn sẽ làm chậm lại tiến độ phục hồi của nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng lớn đến khả năng hồi phục của doanh nghiệp, đòn này nghiêm trọng hơn làn sóng thứ nhất ở hai điểm.

Thứ nhất, đại dịch quay lại vào thời điểm khá tệ, đúng lúc doanh nghiệp bắt đầu đặt lại niềm tin vào tình hình thị trường và khả năng đẩy lùi Covid-19. Bây giờ, tất cả quay lại vạch xuất phát. Làn sóng này dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của doanh nhân, nhất là những người ít trải qua những sóng gió hoặc những doanh nhân khởi nghiệp. Trong vài năm qua, môi trường kinh doanh ở Việt Nam có thể nói là tương đối thuận lợi, nên không phải ai cũng từng trải qua cú sốc với mức độ ảnh hưởng tương tự đại dịch Covid-19.

Thứ hai, tình hình khó lường của đại dịch Covid-19 cộng hưởng với nhiều yếu tố khác. Các quốc gia khác, đặc biệt là các nước nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, cũng đang điêu đứng vì làn sóng Covid-19 thứ hai. 

Không ai biết khi nào tác động của Covid-19 đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm thiểu đáng kể và niềm tin của khách hàng mới được phục hồi. Chúng ta phải hiểu rằng, có thể sẽ có những làn sóng tiếp theo cho đến khi vaccine thực sự được triển khai rộng rãi trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng có những điểm mà chúng ta có thể hy vọng. Đợt dịch Covid-19 thứ nhất đã tạo ra trạng thái “bình thường mới”. Tại đó, các doanh nghiệp và người lao động đều phải làm quen, thậm chí đã làm quen và xây dựng được hạ tầng và những cơ chế đối phó hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã điều hành rất chắc tay và hiệu quả trong đợt dịch đầu tiên, đồng thời rút ra nhiều kinh nghiệm. 

Do vậy, khi làn sóng thứ hai ập đến bất ngờ, tôi cũng không hề thấy có sự hoảng loạn và bối rối như cách đây mấy tháng. Tôi tin tưởng là đợt dịch thứ hai cũng sẽ nhanh chóng bị “dồn vào góc đài”.

Theo ông, các thách thức đặt ra cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và thế giới có khác biệt gì so với giai đoạn trước?

Ông Phan Vũ Hoàng: Theo tôi, thách thức đặt ra cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong giai đoạn này nặng nề hơn. Mấy tháng trước, sau khi trải qua đợt giãn cách xã hội, Covid-19 tạm thời được khống chế, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tưởng như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, hoạt động kinh doanh sớm trở lại trạng thái bình thường, thậm chí còn khởi sắc hơn trước.

Tuy nhiên, ngay khi làn sóng thứ hai bùng phát, các nhà lãnh đạo tỉnh táo chắc chắn đều đã nhận ra rằng con đường phục hồi và hưng thịnh sẽ dài hơn, nhiều chặng hơn và gian nan hơn so với dự kiến ban đầu.

Tốc độ hồi phục và phát triển của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu nhiều khả năng sẽ chậm hơn so với những kỳ vọng đặt ra trước đợt bùng phát này. Ngoài diễn biến dịch Covid-19 vốn đã cực kỳ khó đoán, các nhân tố bất ổn khác như tình hình chính trị căng thẳng hay khả năng thương chiến leo thang giữa các cường quốc, nạn phân biệt chủng tộc và biến đổi khí hậu luôn rình rập để tăng thêm độ phức tạp của bức tranh vĩ mô hiện nay.

Tình hình hiện nay gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp trong việc hoạch định chính sách và chiến lược. Lập kế hoạch một đến ba năm vốn là một hoạt động bình thường, nhưng trong thời điểm hiện tại lại là một việc tốn công vô ích khi tình hình có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Doanh nghiệp cũng khó có thể áp dụng một sách lược kinh doanh thống nhất ở các địa phương, khi tình hình mỗi nơi mỗi khác và thay đổi từng ngày.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải thật sự kiên tâm để có thể vượt qua thách thức. Ai bền gan vững chí hơn sẽ là người chiến thắng.
Ông Phan Vũ Hoàng
Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Hơn nữa, hành vi tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn và khó đoán định hơn. Khách hàng có xu hướng tăng cường mua sắm trực tuyến, giảm thiểu mua hàng tại các cửa hàng vật lý. 

Xu hướng này yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi cách thức xây dựng niềm tin của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ, dù có thể doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây khi mọi thứ phải chuyển sang hình thức trực tuyến.

Giữa tình hình nhiều bất ổn và thách thức như hiện nay, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tối đa để duy trì những yếu tố sống còn. 

Cụ thể, một là, duy trì đội ngũ nhân tài - tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Nhiều nhân viên đang phải phân tâm để lo cho những vấn đề của bản thân như sức khỏe, gia đình.

Hai là duy trì tổ chức để tiếp tục hoạt động, tái cơ cấu và triển khai những mô hình kinh doanh mới, táo bạo để sống còn và hưng thịnh.

Ba là duy trì khả năng lãnh đạo của bản thân, để có thể tiếp tục dẫn dắt nhân tài và tổ chức vượt qua chặng đường dài phía trước.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải thật sự kiên tâm để có thể vượt qua những thách thức này. Ai bền gan vững chí hơn sẽ là người chiến thắng.

Sự kiên tâm của nhà lãnh đạo sẽ được đo lường/đánh giá cụ thể như thế nào trong hành trình phía trước còn dài và nhiều thách thức hơn dự kiến, thưa ông?

Ông Phan Vũ Hoàng: Mỗi người sẽ có định nghĩa và cách thức thể hiển sự kiên tâm (resilience) khác nhau. 

Theo kiến giải của cá nhân dựa trên ấn phẩm mới nhất của Deloitte về lãnh đạo kiên tâm, tôi cho rằng nhà lãnh đạo có thể tự đánh giá mức độ và phẩm chất kiên tâm mình đang thể hiện trong tình hình hiện nay bằng cách giải đáp những câu hỏi sau theo thang điểm từ 1 đến 5. 

Theo tôi, nếu nhà lãnh đạo chọn mức điểm 4 và 5 cho đa số câu trả lời trong bảng hỏi đồng nghĩa với việc họ đang thể hiện sự kiên tâm ở mức cao.

Lãnh đạo kiên tâm để vượt qua làn sóng Covid-19 thứ hai 2
Bảng hỏi đánh giá mức độ và phẩm chất kiên tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Nguồn: Deloitte

Ông có chia sẻ gì cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam để họ có thể kiên tâm dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?

Ông Phan Vũ Hoàng: Việc trở thành một nhà lãnh đạo kiên tâm thực sự nói dễ hơn làm. Ngoài ra như tôi đã nêu, mỗi người có thể có cách định nghĩa và thể hiện riêng về lãnh đạo kiên tâm. 

Tôi có hai người sếp, một người ở công ty tôi làm cách đây nhiều năm, và một người là lãnh đạo công ty hiện nay. Cả hai đều là những lãnh đạo doanh nghiệp uy tín và thành công, và họ đều vô cùng bền gan và nhất quán với sự kiên tâm của mình dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Người sếp cũ có lần đã dạy tôi: “muốn thành công em cần phải có bản lĩnh để có thể luôn “lì đòn” và chủ động “phản đòn” trong mọi hoàn cảnh”. Tôi thấy định nghĩa này đơn giản nhưng hoàn toàn chính xác về sự kiên tâm. 

Người sếp hiện tại tuy không nói nhiều, nhưng luôn chứng minh bằng những hành động cụ thể, rằng kiên tâm là việc có thể luôn duy trì sự tỉnh táo, sáng suốt để suy xét, sau đó đưa ra những quyết định sống còn một cách nhanh chóng, táo bạo vì đại cục, trong những thời điểm cực kỳ căng thẳng và vô vàn sức ép từ mọi phía. Nhờ đó, toàn bộ đội ngũ nhân viên trong công ty hiện tại của tôi đều có niềm tin vững chắc để vượt qua không chỉ làn sóng đại dịch thứ hai này, mà còn bất kỳ khó khăn nào khác.

Đó là những điều tôi học được từ những lãnh đạo kiên tâm mà tôi may mắn được làm cùng và từ Tổng Giám đốc toàn cầu của Deloitte trong loạt ấn phẩm về lãnh đạo trong thời Covid-19 của ông, cũng chính là điều tôi muốn chia sẻ với các lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam. 

Chừng nào chúng ta còn phát huy được tối đa tinh hoa của lãnh đạo kiên tâm bằng việc duy trì và nâng cao sự tín nhiệm của bản thân với nhân viên, đối tác, khách hàng; duy trì tầm nhìn dài hạn và chiến lược chủ động; duy trì những tác động tích cực với xã hội và cộng đồng; duy trì việc làm chủ bản thân và sự tỉnh thức trong tâm thì chừng đó, việc vượt qua các lần khủng hoảng và vươn tới thành công hoàn toàn nằm trong tầm tay. 

Xin cảm ơn ông!