Lộc Trời với giấc mơ toàn cầu

Diệu Thảo - 10:30, 14/02/2021

TheLEADERViệt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản như gạo, điều, cà phê, thủy sản… Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng, ước đạt khoảng 41 tỷ USD.

Lộc Trời với giấc mơ toàn cầu
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, có tới 85 - 90% lượng hàng nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Nông nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu xuất thô hoặc có hàm lượng chế biến chưa cao nên chất lượng, giá trị xuất khẩu thấp. Bên cạnh đó còn phải kể tới rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật,… Những yếu tố này đã làm cản trở sức cạnh tranh và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của hàng hóa nông sản Việt Nam.

Chuyển đổi số ở Lộc Trời

Để khắc phục tình trạng này cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành gạo nói riêng, để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, những năm gần đây, Lộc Trời tích cực đầu tư, ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ vào hoạt động. Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mới sẽ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia chuỗi nông sản toàn cầu.

Gần đây nhất, Lộc Trời đã chọn hợp tác toàn diện với Tập đoàn viễn thông VNPT. Theo đó, VNPT sẽ đưa AI vào phân tích dữ liệu, giúp Lộc Trời có cơ sở đưa ra thông tin khuyến cáo và tư vấn hiệu quả, sát sao hơn, gia tăng sản xuất, tăng tính chuyên nghiệp trong truy xuất nguồn gốc. VNPT cũng cung cấp giải pháp hạ tầng (sẵn có hoặc hợp tác với bên thứ 3) để thử nghiệm các giải pháp, ứng dụng nông nghiệp thông minh như VNPT Smart Ads, VNPT Traceability, VNPT Check, SMS Brandname, Cloud contact Center, VNPT Pay… tại các vùng trồng của Lộc Trời. Đồng thời, VNPT cũng tạo điều kiện để Lộc Trời giới thiệu sản phẩm đến đối tác, kết nối với các đối tác có nhu cầu.

Trước đó, Lộc Trời đã hợp tác với một công ty của Đức để ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản. Công nghệ này đã được thực hiện với trái sầu riêng. Như lãnh đạo Lộc Trời cho biết, truy xuất nguồn gốc và chủ động nguyên liệu là hai yếu tố then chốt nhất khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Liên quan đến chuyển đổi số, Lộc Trời còn giới thiệu đến người nông dân bộ giải pháp ứng dụng công nghệ cao gồm: Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, chuyên nghiên cứu, phát triển, tư vấn và chuyển giao các giải pháp nông nghiệp bền vững; Công ty Quản Nông Xanh - thành viên mới của tập đoàn, để vận hành thiết bị bay không người lái, các loại trang thiết bị nông nghiệp hiện đại; Ứng dụng Bệnh viện Cây Lúa, kết nối nông dân và đội ngũ kỹ thuật, cung cấp các thông tin mới nhất liên quan đến mùa vụ và những giải pháp hỗ trợ phù hợp kịp thời.

Lộc Trời triển khai xây dựng bộ dữ liệu tất cả khách hàng của tập đoàn (2020-2025), “nhật ký điện tử” của từng thửa ruộng, từng vườn cây ăn trái được theo dõi chặt chẽ bởi các nhân viên kỹ thuật cây trồng.

Bộ giải pháp tổng thể hứa hẹn sẽ giúp tăng chất lượng đồng loạt và có hệ thống, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thu lợi sản lượng nhiều hơn, bảo vệ sức khỏe và môi trường nông thôn.

Lộc Trời cũng đã ghi nhận những hiệu quả nhất định về thương hiệu và kinh doanh. Chẳng hạn, gạo Hạt Ngọc Trời của Lộc Trời đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, BigC, Bách Hóa Xanh và VinMart . Trong quý III/2020, biên lợi nhuận gộp mảng gạo đã tăng mạnh lên mức 5,8% từ con số 3,3% của cùng kỳ năm ngoái, giúp nâng biên lợi nhuận chung của tập đoàn từ 18% lên 21%.

Trăn trở giấc mơ toàn cầu
Ông Huỳnh Văn Thòn (trái) làm việc với đối tác.

Tạo chuỗi khép kín

Hiện tại, Lộc Trời có 5 vùng nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích gần 35.000ha, toàn bộ theo mô hình hợp tác xã. Ông Thòn cho biết: Lộc Trời đang hướng tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo, thông qua phát triển 1.000 hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.

Trước mắt, Lộc Trời đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh như Long An, An Giang để phát triển hơn nữa chuỗi giá trị lúa gạo. Ở Long An, đó là chương trình liên kết và phát triển hợp tác xã kiểu mới, gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và cây ăn quả; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ nông dân; hỗ trợ tài chính, con người, máy móc, dịch vụ, quy trình sản xuất tiên tiến; xây dựng thương hiệu nông sản cũng như hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho Long An.

Tại An Giang, Lộc Trời hợp tác cùng thực hiện dự án xây dựng thương hiệu gạo An Giang, phát triển thêm các hợp tác xã kiểu mới (giai đoạn 2020 – 2025), xây dựng vùng nguyên liệu (lúa gạo, lúa nếp, rau màu và cây ăn quả), cung ứng dịch vụ nông nghiệp và thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Thòn, mục tiêu chính của các thỏa thuận này nhằm hợp tác chặt chẽ cùng bà con nông dân định hướng tiêu thụ trước mỗi mùa, xây dựng kế hoạch sản xuất từ đầu vụ để có đầu ra chủ động… Ngoài An Giang, Long An, Lộc Trời dự tính nhân rộng mô hình sang các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau.., giúp đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, quảng bá tốt hơn cho thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về chế biến, Lộc Trời đã đầu tư 5 nhà máy sản xuất gạo, có vị trí ngay các vùng nguyên liệu lúa, liên kết tốt hệ thống đường bộ và đường thủy để vận chuyển thuận tiện. Tất cả nhà máy đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Ví dụ như nhà máy Thoại Sơn có đầy đủ các chứng nhận HACPP, HALAL và BRC để xuất khẩu vào được những thị trường khó tính như châu Âu. Riêng nhà máy Vĩnh Hưng có dây chuyền sản xuất gạo mầm Vibigaba, tiến tới có chứng nhận GMP để xây dựng thương hiệu thực phẩm chức năng, đem lại lợi nhuận cao hơn nữa.

Lộc Trời cũng đã triển khai quy trình trồng lúa chất lượng cao và bền vững SRP (Sustainable Rice Platform) do Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) xây dựng.

Đầu năm 2020, Lộc Trời là công ty đầu tiên trên thế giới đạt 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP. Mới đây tập đoàn cũng đã thông báo về việc thành lập Công ty Dịch vụ kho vận Lộc Trời để tăng cường khả năng vận chuyển, cung ứng và lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa, sản phẩm.

Ông Thòn cho rằng, tất cả việc đầu tư, mở rộng, chuyển đổi này đều là những bước dọn đường để Lộc Trời tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trong tháng 9/2020, lần đầu tiên, Lộc Trời đã có đơn hàng xuất khẩu 126 tấn gạo thơm Jasmine 85 đi châu Âu.

Gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp hơn 15% vào GDP và chiếm đến hơn 40% lực lượng lao động cả nước. Vì thế, ông Thòn cho biết, Lộc Trời sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi của Nhà nước, đưa hạt gạo nói riêng và nông sản nói chung đến các thị trường khắp thế giới.

“Lộc Trời kỳ vọng Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện xây dựng thị trường nông nghiệp, nông sản minh bạch, có các chính sách quản lý thuế bình đẳng, tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và đẩy mạnh hơn nữa Dự án xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam”, ông Thòn nhấn mạnh.